Quà Tết là nét đẹp của người Việt có từ xa xưa đến nay. Vậy làm sao để mình phân định được đâu là quà tặng mang tính chất tình cảm, đâu là quà tặng có tính chất hối lộ, trái với quy định?
Quy định của Nhà nước đã rõ rồi. Nguyên tắc buộc mọi người phải tuân thủ là không được lấy ngân sách, tài sản công để mua quà tặng.
“Năm 2014 có 32 trường hợp trả lại quà được biếu tặng, tổng giá trị vài trăm triệu đồng trong đó chủ yếu là trong lĩnh vực tài chính và cảnh sát giao thông”.
Ông Phạm Trọng Đạt
Còn nếu là quà tặng mang tính chất tình cảm thực sự thì chỉ là cây đào, cây quất, hay lì xì vài chục nghìn đồng. Những cái đó giá trị tài sản rất nhỏ so với thu nhập của người tặng nên đó là tình cảm thực sự. Nhưng đừng có lợi dụng nét đẹp đó để rồi biếu tặng cho nhau những món quà có giá trị lớn để thực hiện động cơ cá nhân. Ví dụ như hai người không phải họ hàng hay trong cùng gia đình, đều là công nhân, viên chức, thu nhập không đáng là bao mà lại tặng quà đến mấy trăm triệu thì dứt khoát là có vấn đề. Những trường hợp này thì phải xem nguồn thu nhập từ đâu mà anh tặng quà lớn như vậy; giữa người tặng và người nhận có cơ chế xin - cho gì không, có liên quan gì đến nhau trong “quyền lực” hay không…? Chúng tôi đang rất cần nguồn thông tin về những vấn đề này để nghiên cứu và có những giải pháp để ngăn chặn hiệu quả hơn.
Ông nói rằng, tặng cành đào, cây quất là không vi phạm gì. Nhưng thực tế có những cành đào, cây quất trị giá đến hàng trăm triệu đồng như thế là quà tặng đã biến tướng, tinh vi. Vậy làm sao để kiểm tra, giám sát được việc đó?
Đúng là cũng có trường hợp lợi dụng cái này để rồi biếu tặng những cây cảnh, cây đào có giá trị đến hàng trăm triệu đồng, chứ không hẳn là nhỏ. Tuy nhiên để làm rõ đúng hay sai thì chúng ta phải xem động cơ, mục đích giữa người tặng và người nhận là gì? Cái đó mình phải nghiên cứu để rồi có quy trình xem xét cẩn trọng. Ví dụ trước đây có trường hợp phản ánh đến Cục Chống tham nhũng là có người tặng gói quà nghi giá trị rất lớn. Nhưng khi xem ra thì thấy anh em chỉ tặng nhau ít trái cây và cân đường thốt nốt, giá trị không đáng bao nhiêu.
Hạn chế tiêu tiền mặt mới chấm dứt được phong bì
Vừa rồi Cục đã công bố đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh về nhận quà Tết trái quy định. Vậy quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin có dấu hiệu vi phạm được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ)
Cục Chống tham nhũng đã công bố đường dây nóng số: 080. 48228 để tiếp nhận và xử lý thông tin trong giờ hành chính. Riêng máy di động của Cục trưởng thì tôi đã công khai và tiếp nhận thông tin 24/24 giờ. Từ khi công bố đến nay chúng tôi đã nhận được gần 40 cuộc điện thoại do người dân phản ánh đến, trong đó bản thân tôi lúc 3- 4 giờ sáng cũng nhận được cuộc gọi phản ánh. Khi chúng tôi nhận được thông tin thì ghi nhận, cảm ơn người dân và sẽ tính toán, quy trình kiểm tra, thanh tra thế nào cho phù hợp. Trong đó có việc chúng tôi phải phối hợp với địa phương, Mặt trận Tổ quốc, và có vụ việc nghiêm trọng thì phối hợp với cơ quan công an… để thực hiện sao cho đúng pháp luật, chứ không thể tuỳ tiện can thiệp vào quyền riêng tư của người khác. Ví như bây giờ anh cho tôi bọc hoa quả lớn, nhưng người dân lại gọi phản ánh nghi là quà Tết có giá trị lớn thì khi nhận thông tin đó mình phải cẩn trọng nhìn nhận, đánh giá kỹ lưỡng. Nhưng nếu nhân viên ở cơ quan nào đó người ta gọi đến phản ánh là đơn vị đã lấy tiền ngân sách mua quà tặng lãnh đạo, thì cái đấy mình sẽ xem xét ngay.
Để ngăn chặn triệt để tình trạng quà tặng, quà biếu không đúng quy định, theo ông chúng ta cần phải có giải pháp gì để hiệu quả hơn?
Hiện nay mục đích chính của chúng ta là nhằm cảnh báo, thức tỉnh, tuyên truyền để cán bộ và người lãnh đạo nhận thức, thực hiện cho đúng quy định về quà tặng, quà biếu. Đồng thời qua việc tiếp nhận thông tin chúng tôi cũng có những nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu, tìm ra được giải pháp sao cho tặng quà thực sự là nét đẹp văn hóa, chứ không nặng nề về vật chất dễ nảy sinh tiêu cực.
Tuy nhiên, để giải quyết được hiệu quả thì vấn đề quan trọng nhất là chúng ta kiểm soát, hạn chế được việc tiêu tiền mặt, quản lý được thu nhập của quan chức. Khi đó anh mua bán gì cơ quan quản lý nhà nước đều biết hết. Không có tiền mặt thì làm sao ông cho tôi phong bì được. Còn nếu anh biếu tôi qua hệ thống ngân hàng thì cơ quan quản lý phát hiện ra ngay. Chứ nếu không quản lý được đầu vào của thu nhập thì rất khó để ngăn chặn được.
* Đường dây nóng Cục Chống tham nhũng: 080.48228
* Số điện thoại di động của Cục trưởng Cục Chống tham nhũng: 01256986688