Góc khuất game online: Nguy hiểm hơn ma túy

Các em học sinh hào hứng với nội dung của buổi tọa đàm Ảnh: Ngô Tùng
Các em học sinh hào hứng với nội dung của buổi tọa đàm Ảnh: Ngô Tùng
TP - Ngày 16/6, tại tọa đàm “Nghiện game online - hậu quả khó lường” do báo Tiền Phong tổ chức tại TPHCM, nhiều ý kiến chia sẻ về nạn nghiện game online trong một bộ phận giới trẻ đã gây ra nhiều hậu họa khôn lường cho xã hội và chính bản thân, gia đình, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp ngăn chặn vấn nạn này. 

Ðối tượng nghiện game đa số là người trẻ

Phát biểu khai mạc, nhà báo Lý Thành Tâm, Trưởng cơ quan Đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM cho biết, sau thời gian cách ly do dịch bệnh COVID-19, nhiều sinh viên, học sinh sa đà vào game online (G.O). Cách đây không lâu ở Nghệ An, một nam sinh lớp 11 vì nghiện game, bắt cóc gây ra cái chết thương tâm cho bé trai 5 tuổi. Đối tượng nghiện game đa số là người trẻ, học sinh, sinh viên.

Ông Tâm nhấn mạnh:  “Chơi game là để giải trí chứ không phải trở thành con nghiện, gây ra những hệ lụy và những vụ việc đau lòng như vừa qua”.

Tại tọa đàm, B.N (học sinh Viện nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao  -IVS) nói G.O có khả năng gây nghiện như ma túy. Ngày trước, nghe trên mạng xã hội nói có nhiều game thủ chơi rồi trở thành cao thủ, kiếm được tiền từ G.O nên N và một số bạn bắt đầu chơi game để kiếm tiền. N kể: Ban đầu chơi 8 tiếng/ngày, dần dần chơi quên ăn quên ngủ. Sau đó tôi bỏ nhà đi. Bố mẹ tìm về nhốt trong nhà thì tôi lại tìm cách trốn ra ngoài, trong người chỉ có 50.000 đồng, chơi được một buổi thì hết tiền”.

B.N được gia đình đưa vào trường cai nghiện game. Sau hơn nửa năm cai nghiện, N. dần quên được G.O. N. chia sẻ: “Chỉ vì mê game mà mình bỏ gia đình, bỏ đi ước mơ, bỏ cả tương lai. Nếu không sớm nhận ra và không được các thầy cô quan tâm thì bây giờ có thể mình đang sống lang thang ở một nơi nào đó, hoặc chết ở đâu đó rồi”.

Ông Đặng Lê Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Vovinam và Thể thao (IVS) cho hay đã cùng ăn, cùng ngủ với người nghiện game và thấy rằng khi một ai đó chơi G.O thì rất khó để dừng. Con cháu trong nhà mà nghiện game thì ông bà, cha mẹ có nói gì cũng như “nước đổ lá môn”. Thầy cô giáo dùng các hình phạt nặng để xử lý học sinh nghiện game thì chỉ càng làm các em chán nản, nghỉ học. Đã nghiện G.O mà không biết cách chữa trị thì rất khó xử lý. Một số gia đình phải cho con đi du học cũng với lý do con ở trong nước bỏ bê học hành, sa đà vào những cuộc chơi không lành mạnh, trong đó có G.O.

“Một người nghiện game chẳng khác gì nghiện ma túy. Tôi mong các em học sinh nếu có chơi game thì chỉ chơi ở mức giải trí, thời gian tối đa là 30 phút và chọn những trò chơi nhẹ nhàng, vui nhộn khai thông trí lực, tuyệt đối tránh chơi game bạo lực”, ông Lê Anh nói.

TS. Lê Hoàng Việt Lâm, giảng viên Trường Đại học An ninh Nhân dân cho rằng tác hại của G.O thậm chí còn nguy hiểm hơn ma túy. Dùng ma túy thì ngay lập tức lãnh hậu quả nhưng với G.O, đến thời điểm nghiện thì gần như không còn đường lùi. Càng “lậm” game, những mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ tình cảm sẽ dần biến mất, quên bố mẹ, gia đình, người thân, bạn bè...

Chống nghiện game, cách nào?

Ths Nguyễn Thị Huỳnh An, giảng viên bộ môn Tâm lý Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chỉ ra nghiện game ảnh hưởng nghiêm trọng đến học tập. Khi người chơi game nhập tâm vào thế giới ảo, sẽ dần tách rời xã hội bên ngoài và luôn cảm thấy thế giới bên ngoài chẳng có gì thú vị. Người chơi game sẽ rơi vào cô đơn, dẫn đến bệnh trầm cảm, tâm thần...

ThS Bùi Quang Trung, Trưởng phòng Truyền thông và Marketing Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nói G.O được phát triển với tốc độ rất nhanh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với người chơi. Nhiều bạn trẻ khi nghiện sẽ quên ăn quên ngủ. Với những cách chơi như vậy sẽ gây nhiều hậu quả xấu cho chính những người nghiện game.

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân cho rằng cần tìm hướng xử lý để kịp thời ngăn chặn nạn nghiện game ngay từ gốc. “Tọa đàm của báo Tiền Phong, tôi cho rằng rất hữu ích không chỉ cho học sinh mà còn cho cả thầy cô giáo. Từ đó, chúng ta có những giải pháp hiệu quả nhất trong việc giáo dục con em, nhất là học sinh, sinh viên”, ông Độ nói.

Ths. Lê Bá Long, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Công nghiệp TPHCM đề xuất, ngoài việc tuyên truyền những tác hại của nghiện G.O, nhà trường cần tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động mang tính mềm mại, không khô khan để tránh nhàm chán, thu hút sự quan tâm của các em học sinh, sinh viên. Trường tổ chức những buổi tọa đàm nhỏ để qua đó tạo điều kiện cho các em học sinh sinh viên giao lưu, tiếp thu những chia sẻ mang tính tích cực.

Theo thiếu tá Nguyễn Văn Đức, Trợ lý Thanh niên Bệnh viện Quân y 175, đối với học sinh, sinh viên, nhà trường cần có những chương trình dã ngoại, thể thao để giúp học sinh, sinh viên có sân chơi, không tìm đến các trò chơi gây hại. “Cần tổ chức các hoạt động nhân ái để giúp học sinh, sinh viên cảm thấy yêu đời, không còn thời gian rảnh để nghĩ về những trò chơi không lành mạnh”, thiếu tá Đức đề xuất.

Góc khuất game online: Nguy hiểm hơn ma túy ảnh 1

Diễn giả chia sẻ những hệ quả khôn lường đến từ game online

Khởi tố nam sinh nghiện game sát hại bé trai 5 tuổi

Ngày 16/6, Công an tỉnh Nghệ An cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng đối với Đào Ngọc Hoàng (nam sinh lớp 11, trường THPT Quỳnh Lưu 4, trú tại xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu) về tội danh “Giết người”. 

Theo công an, Đào Ngọc Hoàng nghiện các loại game bạo lực, có nội dung bắt cóc, tống tiền, trinh thám… Vì ám ảnh, Hoàng nghĩ ra việc bắt cóc và giấu bé Đ. vào chỗ hoang vắng để khi gia đình nạn nhân tổ chức tìm kiếm đối tượng này sẽ giả vờ tìm thấy, giải cứu để lập công. Sau khi giấu cháu Đ. ở ngôi nhà hoang, Hoàng thấy gia đình, chính quyền địa phương ráo riết tìm kiếm nên hoảng sợ, không dám thông tin về cháu Đ. Sau khi phát hiện bé Đ.  tử vong, Hoàng đã đưa thi thể nạn nhân ra bờ suối, cách nhà hoang khoảng 100m.

Cơ quan điều tra cũng đã triệu tập bạn và mẹ của nghi phạm Đào Ngọc Hoàng để phục vụ công tác điều tra. Thời điểm phát hiện thi thể bé H.V.Đ. trong tư thế bị trói 2 tay, miệng bị nhét miếng vải xé ở tay áo và dán nhiều lớp keo dính. Bé tử vong vào khoảng 13h-14h (ngày 8/6), trong bụng có miếng xúc xích chưa tiêu hóa. Quanh hiện trường có 2 hộp sữa và 3 chiếc xúc xích, trong đó, 1 chiếc xúc xích đã được ăn hết. Trên người bé Đ. không có vết thương hay tác động ngoại lực. Nguyên nhân tử vong do ngạt khí.

Cảnh Huệ

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Ca, Trưởng Khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 175, nghiện game dẫn đến nhiều bệnh. Ngồi chơi game quá lâu, các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể xảy ra như chuyển hóa đường, mỡ dẫn đến béo phì. Cơ quan sinh dục sẽ bị giảm cung cấp máu do tư thế ngồi lâu dẫn đến vô sinh. Người chơi game bị giảm trí nhớ, cảm xúc bị biến đổi dẫn đến bồn chồn khó chịu, cáu kỉnh, nhân cách bị biến đổi. Game tạo cho người chơi cảm giác chiến thắng ảo, ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ đang phát triển. Trong khi đó, hiện nay, TPHCM chưa có nhiều cơ sở điều trị phù hợp với cai nghiện game.

Hội thảo có sự đồng hành, tài trợ của nhiều đơn vị như Trường THPT Thành Nhân; Công ty Xử lý chất thải Việt Nam; Công ty Merap Group và trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Có thể bị phạt đến 3 triệu đồng

Theo ông Lê Minh Dũng, Trưởng phòng Bưu chính-Viễn thông Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, người chơi không chấp hành quy định về quản lý giờ chơi tại điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 1 triệu đồng. Ngoài ra, người chơi game bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng nếu có hành vi mua, bán vật phẩm ảo hoặc đơn vị ảo hoặc điểm thưởng, lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia…

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.