Góc khuất game online: Nơi tìm lại chính mình

Các thầy cô quản nhiệm luôn gần gũi mỗi ngày để giúp các em sớm thoát khỏi “bóng ma” game online Ảnh: NGÔ TÙNG
Các thầy cô quản nhiệm luôn gần gũi mỗi ngày để giúp các em sớm thoát khỏi “bóng ma” game online Ảnh: NGÔ TÙNG
TP - Từ những lần chơi vui 1-2 tiếng, các cô cậu học trò nghiện game online lúc nào không hay. Nghiện đến nỗi nhập tâm, tưởng mình là siêu anh hùng, chuyên gia đại tài… trong các game nhập vai. Ðó là tình trạng của nhiều học viên khi đến cai nghiện tại Trường Phổ thông nội trú IVS (Q.12, TPHCM).

Bị bố mẹ nhốt vẫn trốn đi chơi game

T.D.H (17 tuổi) chơi game từ năm học lớp 2, khi được bố mẹ trang bị cho dàn máy tính tại nhà. Từ lúc chỉ “chơi cho vui” 1 - 2 tiếng những ngày đầu, H. dần bị trò chơi điện tử cuốn hút và tăng dần thời lượng chơi game.

Đã có thời gian được bố mẹ, bạn bè khuyên nhủ H. bỏ game một thời gian. Nhưng rồi chính những hấp lực từ thế giới ảo trong game và sự thiếu bản lĩnh của bản thân khiến H. tiếp tục lún sâu vào game. Đỉnh điểm, khi lên cấp 3, H. chơi game từ 10 - 12 tiếng/ngày. Để có tiền chơi game, H. nhiều lần lấy trộm tiền của bố mẹ.

H. cho biết, cày game quá lâu khiến cơ thể mệt mỏi, tinh thần căng thẳng. Những cuộc nói chuyện, trao đổi với bố mẹ trở nên khó khăn, bất đồng. “Giọt nước tràn ly”, 8 tháng trước, gia đình H. buộc phải đưa cậu con trai nghiện game này vào Trường IVS. Sau quãng thời gian “cách ly hoàn toàn” với game, giờ đây H. đã đổi thay rất nhiều.

“Lúc trước em khó có thể chia sẻ, nói chuyện với chúng bạn, còn bây giờ em hòa đồng, hoạt bát. Tinh thần cũng vui vẻ hơn nhiều. Ngoài ra còn hình thành được những sở thích tốt cho bản thân như đọc sách hay chơi thể thao. Quan trọng là em thấy mình trưởng thành, biết suy nghĩ về công việc tương lai, về gia đình nhiều hơn”, H. chia sẻ.

B.N cai game được 2 năm nay kể, cô chơi game từ 8 - 12 tiếng/ngày với những trò phổ biến giới trẻ lâu nay như Liên minh, PUBG, FIFA. Những ngày không đi học thì N. chơi xuyên đêm. “Do áp lực chuyện học tập mà em phải chơi game để giải tỏa. Game cũng phải dùng trí óc để chơi, chơi được giao lưu với mọi người trên mạng khiến mình thấy vui hơn”, N. lý giải.

Nghiện game, không có tiền N. từng bỏ học và thậm chí bỏ nhà ra đi. Bố mẹ cấm đoán, bắt nhốt nhiều lần N. cũng tìm cách trốn đi chơi game. Gần đây, nhờ phương pháp “mưa dầm thấm lâu” của các thầy cô ở Trường IVS, N. trở nên chăm học, suy nghĩ chín chắn hơn. “Giờ em đã bỏ game hoàn toàn. Em có thể về nhà lúc nào cũng được, nhưng em muốn ở đây học cho hết chương trình lớp 12. Khi về nhà em sẽ phụ giúp mẹ buôn bán và học một cái nghề bài bản”, N. chia sẻ.

Cách nào cai nghiện?

Anh Nguyễn Đình Quỳnh, Trưởng ban Nội trú Trường IVS (Viện Nghiên cứu phát triển Vovinam và thể thao), cho biết điều quan trọng là giúp các em ổn định tâm lý và thói quen sinh hoạt. Khi chưa vào trường, các em được vui chơi, sinh hoạt theo ý thích, thường chơi game ban đêm. Còn khi vào trường buộc phải tuân thủ quy định giờ giấc sinh hoạt nên các em cứ trằn trọc, khó ngủ, không được thỏa mãn việc chơi game. Thời gian này, trẻ rất ức chế, căm hận bố mẹ vì đã đưa chúng vào trường.

“Các thầy bên cạnh việc quan sát, nắm bắt diễn biến tâm lý từng em, luôn kịp thời động viên, chia sẻ cùng các em. Không phải lúc nào các em cũng hợp tác, cho nên chúng tôi phải tinh tế xuất hiện đúng thời điểm với từng em khác nhau để dần khiến các em tin tưởng, chia sẻ với mình. Các em có cảm nhận được tình thương, sự quan tâm thì mới cởi mở với mình. Dần dần các xung đột trong mỗi em được hóa giải”, anh Quỳnh chia sẻ.

Cũng theo anh Quỳnh, tất cả các học viên vào trường đều phải cách ly với các thiết bị điện tử. “Quá trình cai nghiện game cho các em phải trải qua nhiều giai đoạn, tốn nhiều công sức. Do đó mỗi phụ huynh cũng phải kiên nhẫn phối hợp với nhà trường để cai nghiện hiệu quả. Một khi các em chơi lại thì càng khó cai”, anh Quỳnh cho biết.

Ông Đặng Lê Anh, Phó Viện trưởng phụ trách giáo dục Trường IVS, cho rằng nghiện game không chỉ gây nên những hậu quả khó lường tức thì, mà còn là bóng tối phủ lên tương lai và khiến cuộc đời người nghiện game gắn chặt với nó đến chết. Đây là hậu quả lặng lẽ đeo đẳng đứa trẻ suốt đời.

Để giúp trẻ thoát khỏi “bóng tối” của game, ông Lê Anh cho rằng không thể chỉ dùng lời nói vì trẻ thường không nghe, nên sẽ không giải quyết được nội tại bên trong. “Cùng với các hoạt động thể chất giúp não bộ trở về nguyên thủy để cân bằng lại, chúng ta còn phải thực hiện các bước đột phá như tập bơi, yoga, kéo co, chạy bộ…làm cho trẻ không muốn chơi game nữa. Từ đó những sang chấn của trẻ sẽ dần được khắc phục, các rối loạn cũng giảm dần”, ông Lê Anh chia sẻ.

(Còn nữa)

“Trẻ cần được yêu thương. Ðiều cần thiết chính là luôn theo sát để giúp trẻ nhận thức các vấn đề, cũng như giúp con giải quyết khủng hoảng xảy ra. Ðó là cách thức để xây dựng con người, xây dựng nhân cách, tính cách tốt đẹp cho trẻ”.

                        Ông Ðặng Lê Anh, Phó Viện trưởng phụ trách giáo dục Trường IVS

Tọa đàm “Nghiện game online - Hậu quả khôn lường”

Một cháu bé 5 tuổi ở Nghệ An bị một thiếu niên nghiện game online bắt cóc và trói tay cho đến chết mới đây- một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh giới trẻ nghiện game online. Nhằm góp phần cảnh báo, ngăn chặn những mặt trái, những tác hại của game online, báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm: “Nghiện game online - Hậu quả khôn lường”. Chương trình có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia sức khỏe, tâm lý và đông đảo học sinh trung học.

Thời gian tổ chức: 7h30 thứ Ba, ngày 16/6, tại Trường Trung học phổ thông Thành Nhân (Gò Vấp, TPHCM).

Buổi Tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên báo Tiền Phong điện tử (tienphong.vn) cùng các chuyên trang Sinh viên Việt Nam (svvn.tienphong.vn), chuyên trang Hoa Học Trò (hoahoctro.tienphong.vn).

Trân trọng kính mời Quý độc giả quan tâm theo dõi.

MỚI - NÓNG