Nhưng cụ Vương Chính Đức đề phòng mọi bất trắc đã tính xa không cho anh con trai Vàng Seo Lử (Vương Chí Sình) theo hầu mình xuống Hà Nội. Lúc này cụ Vương đã già yếu, hầu như mọi quyền hành đều giao cho người con trai thông thạo tiếng Pháp là Vàng Seo Lử.
Được bà Siếu cố vấn, Vương Chí Sình làm quen và bỏ ra 800 đồng Đông Dương nhờ cậy nhà quý tộc Pháp Andre de Laborde de Monpezat, đồng thời là Trưởng phòng nhì Bộ Tổng tham mưu Pháp (cơ quan tình báo quốc phòng hải ngoại Pháp).
Tận dụng mối quan hệ trong giới chính trị và quý tộc, Andre de Laborde de Monpezat quay về Pháp gõ cửa nhiều nơi trong chính phủ và Bộ Thuộc địa Pháp. Rồi, ông quay lại Việt Nam mang theo công văn của Chính phủ Pháp gửi toàn quyền Đông Dương, quyết định trả tự do cho Vương Chính Đức và toàn bộ thủ lĩnh người Mèo đang bị giam giữ tại Hà Nội.
Quyết định còn ghi rõ, nếu có người bị chết trong thời gian giam giữ thì chính quyền Pháp phải cấp tiền để gia đình đưa về quê làm ma chu đáo. Nhưng mãi cuối năm 1938, quyết định mới được thực hiện, Vương Chính Đức và các thủ lĩnh người Mèo mới được thả.
Trở về Đồng Văn, Vương Chính Đức cùng con trai Vàng Seo Lử- Vương Chí Sình và các thủ lĩnh người Mèo tiếp tục chiến đấu để trả thù nhà.
Tháng 3/1945, Nhật đảo chính, quân Pháp từ Hà Nội chạy lên Hà Giang đề nghị hợp tác với người Mèo chống Nhật. Nhưng khi Nhật chiếm tỉnh lỵ Hà Giang, tiến quân lên Đồng Văn, Pháp tráo trở bỏ mặc người Mèo, chạy sang Trung Quốc. Người Mèo vẫn kiên cường chiến đấu.
Phố Bảng thanh bình bỗng chốc trở thành chiến trường. Phát xít Nhật lạ nước lạ cái tiến công vào Phố Bảng, lực lượng vũ trang người Mèo do Vương Chí Sình trực tiếp chỉ huy đã mưu trí dùng phục binh tiêu diệt toàn bộ đại đội bộ binh và một trung đội kỵ binh Nhật. Chỉ huy quân Nhật chết tại trận. Xác lính Nhật và ngựa phơi đầy cánh đồng Phố Bảng. Có lẽ chính sử mai hậu phải có những dòng đại loại: Đây là trận thắng phát xít Nhật lớn nhất, có tiếng vang nhất trên chiến trường Đông Dương.
Chiến thắng Phố Bảng buộc Nhật phải có một Hiệp ước với người Mèo. Nhật cam kết rút hết quân khỏi Đồng Văn, bồi thường cho người Mèo toàn bộ tổn thất do cuộc chiến gây ra bằng muối và bạc trắng. Số tiền và hàng hóa phải được giao đến các gia đình bị thiệt hại. Vương Chí Sình thay mặt Vương Chính Đức ký vào bản hòa ước với Nhật. Đây là bản hòa ước thứ hai của người Mèo, sau khi buộc Pháp phải ký hòa ước 32 năm trước.
Những sự kiện kể trên gộp lại đã cắt nghĩa tại sao không phải bỗng dưng hay tự nhiên mà từ chàng trai mê thổi khèn, chỉ huy đội quân Hươu nai Vàng Dúng Lùng cự giặc Cờ Đen sau này thành vua Mèo Vương Chính Đức lại tự nguyện tuân phục chế độ Việt Nam dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo?
Với sự kiện cùng sự biến ở Hỏa Lò như là cú hích để các thủ lĩnh người Mèo đoàn kết chặt chẽ xung quang thủ lĩnh Vương Chí Sình?
Vậy nên mới có lễ kết nghĩa anh em giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh, Vương Chí Sình và thanh gươm huyền thoại của Cụ Hồ trao cùng tên mới Cụ Hồ đặt Vương Chí Thành.
Vậy nên mới có sự kiện năm 1947, trước khi qua đời, cụ Vương Chính Đức viết thư đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh cử người lên nhận bàn giao lại đất biên cương. Cụ Hồ cử ông Mai Trung Lâm, Phó tư lệnh bộ đội Biên phòng khu tự trị Việt Bắc và ông Hoàng Đức Thắng, Thành ủy viên Hà Nội lên thăm hỏi và sau đó là đám tang đã cùng con cháu họ Vương chôn cất ông Đức trên đỉnh núi La Gia Động, cách Sà Phìn, Đồng Văn 3 km.
Kế tục sự nghiệp của cha, Vương Chí Sình cùng người Mèo một lòng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo cách mạng. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946, ngân khố quốc gia cạn kiệt, Vương Chí Sình đã ủng hộ Chính phủ 2,2 triệu đồng bạc hoa xòe và 9 kg vàng.
Năm 1956, tròn 70 tuổi, vua Mèo Vương Chí Sình đề nghị bàn giao toàn bộ vùng Mèo Đồng Văn và khu vực biên giới lân cận cho Chính phủ VNDCCH.
Năm 1962, Vương Chí Sình mất. Năm 2006, ông được truy tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc.
…Có một lúc, tôi đã trao đổi với Vương con, Vương Duy Bảo một chuyện xầm xì gần đây. Ấy là chuyện thời điểm phỉ làm loạn cao nguyên Đồng Văn năm 1959. Để tránh đổ máu và giảm thiểu thiệt hại, Bác Hồ và Trung ương cử Vương Chí Sình và hai người cháu Vương Quỳnh Sơn, Vương Quỳnh Anh (đều gọi Vương Chí Sình bằng chú ruột) gặp trùm phỉ Vàng Chỉn Cáo thương lượng. Nhưng tiếc cuộc thương lượng không thành! Như mọi người biết, khi ấy phải dùng lực lượng vũ trang để tiêu diệt được bọn phỉ, dập tắt bạo loạn.
Sự kiện đã bao nhiêu năm trôi qua, nhưng sau đó và tận mãi gần đây tự nhiên ló dạng lời đồn đãi rằng ĐBQH Vương Chí Sình từng lá mặt lá trái (!?) không những thoái thác thương lượng mà còn ngầm thông đồng với bọn loạn phỉ khuyến khích chúng phải đánh mạnh, phá mạnh nữa!
Vương con Vương Duy Bảo nguyên Cục phó Cục cán bộ cơ sở của Bộ Văn hóa chỉ cười rằng, anh biết những xầm xì ấy từ lâu. Nhưng những người nhà Vương cả Vương bố, cụ Vương Quỳnh Sơn cố vấn đặc biệt của Ủy Ban dân tộc đều chẳng lấy làm điều! Bữa thắp hương ở Dinh thự Sà Phìn cho các cụ nhà Vương, Vương Duy Bảo chỉ tay về phía vị trí bên phải bàn thờ nơi treo tấm Huân chương Đại đoàn kết dân tộc, phần thưởng cao quý của Nhà nước tặng cụ Vương Chí Sình. Nếu có thực chuyện đó thì sau những điều tra, thẩm định tận năm 2006 Nhà nước đã chẳng có phần thưởng này cho cụ Vương?
Đầu những năm 90, tôi có loạt bài viết về hậu duệ vua Mèo Vương Chí Sình, nhà văn Tô Hoài vốn là chỗ quen biết với nhà Vương đã biên thư nhắc tôi là có 2 vua Mèo ở Đồng Văn và Mèo Vạc...
Và câu chuyện sẽ được nói rõ ở kỳ tới.
(Còn nữa)