TPHCM là nơi đầu tiên triển khai cách ly, điều trị F0 tại nhà. Trong giai đoạn cao điểm bùng phát dịch, toàn thành phố có tới 84.000 F0 cách ly tại nhà, việc xác nhận F0 trong giai đoạn cao điểm của dịch gặp nhiều khó khăn do nhiều trường hợp không liên lạc được với y tế địa phương hoặc tự điều trị sau khi nhiễm bệnh.
Ngày 19/11, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) yêu cầu F0 cách ly tại nhà phải có giấy nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội mới được giải quyết. Các trường hợp đã chi trả cần bổ sung giấy này để đúng quy định tại Thông tư 56 hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội.
Quyền lợi bảo hiểm của nhiều người lao động đang bị tạm ngừng giải quyết vì vướng quy định phải có giấy nghỉ ốm |
Quy định mới đang khiến rất nhiều người lao động trên địa bàn TPHCM từng là F0 cách ly tại nhà những chưa được cấp giấy nghỉ ốm bị tạm ngừng chi trả quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Để “gỡ rối” cho người lao động từng là F0, ngày 2/12 ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM vừa ký công văn “khẩn” về việc “Cấp hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ Bảo hiểm Xã hội cho người lao động là F0”.
Theo đó, đối với trường hợp người lao động là F0 điều trị nội trú hoặc cách ly tập trung tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 thuộc phường, xã, quận, huyện (cơ sở cách ly tập trung F0); cơ sở thu dụng, điều trị COVID-19; bệnh viện điều trị COVID-19 sẽ được cấp giấy ra viện đúng quy định của Bộ Y tế.
Đối với trường hợp người lao động là F0 cách ly tại nhà Trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức, Trạm y tế phường, xã, thị trấn chăm sóc và quản lý. F0 tại nhà sẽ cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định.
Giai đoạn cao điểm, TPHCM có tới 84.000 F0 cách ly, điều trị tại nhà |
Trong trường hợp Trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà thì bác sĩ được phân công trực tiếp chăm sóc F0 ký xác nhận vào vị trí "người hành nghề khám bệnh chữa bệnh", đơn vị chủ quản là Trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức chịu trách nhiệm ký đóng dấu vào giấy chứng nhận hoặc ủy quyền bằng văn bản cho Trạm y tế phường, xã, thị trấn ký đóng dấu.
Một lần khám, người bệnh được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội tối đa là 30 ngày. Trường hợp F0 cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đã được cấp, người F0 phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.
Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tạo điều kiện cấp lại giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội nếu người lao động có đầy đủ hồ sơ xác nhận đã cách ly hoặc điều trị COVID-19 để bảo đảm quyền lợi của người lao động.