Gỡ khó cho ngành khoa học xã hội nhân văn Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hội thảo khoa học "Khoa học xã hội và nhân văn 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 - NQ/TW: Thực trạng và định hướng phát triển trong thời gian tới” diễn ra sáng 4/10, quy tụ nhiều nhà khoa học để đánh giá và tìm ra giải pháp thúc đẩy ngành khoa học xã hội và nhân văn.

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết hội thảo khoa học này là một trong chuỗi hoạt động tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 20 - NQ/TW theo sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp là Ban Tuyên giáo Trung ương.

“Hội thảo cũng nhằm hướng tới đề xuất các quan điểm, mục tiêu, giải pháp xây dựng và phát triển khoa học xã hội và nhân văn trong giai đoạn đến năm 2030, định hướng tới năm 2045”, ông Thanh nêu.

Nghị quyết 20 - NQ/TW (2012) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong số các mục tiêu cụ thể có nội dung "phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Bảo đảm cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước".

TS. Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh sự cần thiết của việc đánh giá thực trạng phát triển cũng như vai trò của các lĩnh vực KHXH&NV trong 10 năm qua - kể từ khi Nghị quyết 20 được ban hành và đi vào đời sống. Nhiều đại diện cơ quan nghiên cứu và quản lý khoa học, các nhà khoa học đầu ngành thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) tham dự và đóng góp ý kiến.

GS.TS Hồ Sỹ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội chỉ ra một loạt khó khăn về quy định tài chính, thủ tục hành chính khiến các nhà khoa học càng khó khăn hơn trong quá trình nghiên cứu và hoạt động. Ông cũng nêu thực tế sức hút của KHXH&NV sụt giảm, bằng chứng là tỷ lệ học sinh chọn ngành học và theo đuổi ngành này tới cùng.

Gỡ khó cho ngành khoa học xã hội nhân văn Việt Nam ảnh 1

Nhiều nhà khoa học đầu ngành góp ý để ngành KHXH&NV có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Ảnh: VIỆN HÀN LÂM KHXHVN.

Các ý kiến của PGS.TS. Đinh Ngọc Giang (Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người... tập trung phân tích thành quả và đóng góp của ngành, đặc biệt mổ xẻ những nút thắt cần tháo gỡ về cơ chế chính sách ảnh hưởng đến chức năng tổ chức bộ máy và con người trong các lĩnh vực KHXH&NV.

Chủ trì hội thảo khoa học, TS. Đặng Xuân Thanh ghi nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học. Ông khẳng định thành tựu của KHXH&NV được phản ánh trong nhiều chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên vai trò của ngành còn hạn chế, vừa thiếu nhân lực vừa chưa có sự hội nhập quốc tế sâu rộng.

Các nhà khoa học thống nhất để lĩnh vực KHXH&NV tiếp tục có đóng góp để phục vụ sự phát triển của đất nước trong bối cảnh quốc tế mới cần: Tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức về vai trò vị trí của ngành, có sự đầu tư tương xứng với tầm quan trọng của ngành, phát triển đội ngũ chuyên gia... đảm bảo môi trường thuận lợi để KHXH&NV phát huy vai trò tư vấn chính sách, tham gia xây dựng Đảng và nhà nước.

Ban lãnh đạo Viện sẽ tổng hợp ý kiến và gửi báo cáo lên Ban Tuyên giáo Trung ương để tiếp tục đề xuất giải pháp nâng cao vị thế của ngành KHXH&NV hơn nữa, trong đó có việc thúc đẩy việc công bố các công trình nghiên cứu ra thế giới.

MỚI - NÓNG