Ba vở diễn ẵm huy chương Vàng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với 13 tác phẩm sân khấu thuộc nhiều loại hình, Ban tổ chức chọn ra ba tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải Vàng tại Lễ bế mạc Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ 5 - năm 2022, tối 2/10 tại Hà Nội. 

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 5 - năm 2022. Đại diện các đơn vị nghệ thuật cùng đông đảo nghệ sĩ, diễn viên tề tựu trong đêm trao giải.

Ba vở diễn ẵm huy chương Vàng ảnh 1
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trao Huy chương Vàng cho ba vở diễn xuất sắc. Ảnh: Thu Hiền.

Tại Lễ bế mạc, Ban Tổ chức trao Huy chương Vàng cho ba vở diễn xuất sắc gồm Mưa đỏ của Nhà hát Kịch nói Quân đội, Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên của Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long - Hội Sân khấu Hà Nội và vở Trung Trinh liệt nữ của Nhà hát Chèo Hà Nội. Trong ba vở diễn có hai tác phẩm khai thác đề tài lịch sử.

Ba vở diễn ẵm huy chương Vàng ảnh 2

Vở Trung Trinh liệt nữ của Nhà hát Chèo Hà Nội đạt huy chương Vàng tại Liên hoan. Ảnh: Thu Hiền.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Trịnh Thúy Mùi - Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan - đánh giá trải qua 8 ngày diễn ra sôi nổi, công chúng được thưởng thức 13 tác phẩm sân khấu thuộc các loại hình nghệ thuật như chèo, cải lương, kịch nói, xiếc tạp kỹ... với nội dung, câu chuyện về đề tài lịch sử, dân gian, đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài hiện đại.

"Các tác phẩm nghệ thuật khái quát hiện thực đời sống xã hội có ý nghĩa sâu rộng, những tấm gương chiến đấu hy sinh gian khổ giành lại độc lập tự do và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Sức hút của Liên hoan lần này được khẳng định khi đêm nào khán giả cũng chật kín khán phòng của rạp Đại Nam, Công nhân, Hồng Hà… Đó là liều thuốc tinh thần vô giá đối với các nghệ sĩ, giúp các nghệ sĩ say hơn, yêu nghề hơn và sẵn sàng cháy hết mình với nghề”, NSND Trịnh Thúy Mùi nhận định.

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đánh giá cao những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật có hiệu quả của các tác giả, đạo diễn, các thành phần sáng tạo và của đội ngũ diễn viên nhạc công tham dự Liên hoan. Sự tham gia nghiêm túc của các đoàn nghệ thuật, sự hưởng ứng nhiệt thành của khán giả góp phần làm cho sức sống nghệ thuật sân khấu được lan tỏa tích cực, tạo nên không khí sôi động, chào mừng kỷ niệm 68 năm ngày giải phóng Thủ đô.

Chủ tịch Hội đồng giám khảo, nhà viết kịch, TS. Nguyễn Đăng Chương đánh giá: "Liên hoan lần này có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung và nghệ thuật. Chính vì vậy mà Hội đồng giám khảo thống nhất cao đề xuất số lượng giải thưởng dành cho vở diễn vượt số lượng quy định theo quy chế chấm thi khen thưởng".

Ba vở diễn ẵm huy chương Vàng ảnh 3

Vở Mưa đỏ của Nhà hát Kịch nói Quân đội đạt huy chương Vàng tại Liên hoan. Ảnh: Thu Hiền.

Hội đồng giám khảo kiến nghị Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội nên tổ chức trại sáng tác, mời tác giả có uy tín tham gia để sáng tác ra những kịch bản đạt chất lượng tốt viết về mảnh đất, con người Hà Nội trong quá khứ, hiện tại để dự báo tương lai.

Ba vở diễn ẵm huy chương Vàng ảnh 4

Vở Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên đạt huy chương Vàng. Ảnh: Thu Hiền.

Bốn Huy chương Bạc được trao cho các vở diễn: Đêm trước ngày hoàng đạo, Hoa cúc nhà trời, Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trườngBất tử với Thăng Long.

Ban Tổ chức cũng trao bốn giải thưởng cho các cá nhân xuất sắc. Riêng vở Mưa đỏ mang về ba giải cá nhân xuất sắc gồm: Nhà văn Chu Lai - giải Tác giả xuất sắc, NSND Lê Hùng nhận giải Đạo diễn xuất sắc, họa sĩ Đặng Minh Tuấn giành giải Họa sĩ xuất sắc. Nghệ sĩ Hoài Anh giành giải Biên đạo múa xuất sắc (vở Trung trinh liệt nữ).

Ngoài ra, BTC trao 26 Huy chương Vàng, 33 Huy chương Bạc cho các cá nhân xuất sắc và tặng Bằng khen cho diễn viên nhỏ tuổi nhất - Trần Bảo Khánh - trong vở diễn Hà Nội thành phố của những ước mơ của Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội.

NSND Thoại Miêu từ chối giải thưởng

“Đề nghị Ban tổ chức không xét tặng huy chương cho vai diễn của tôi để nhường lại cơ hội cho lớp trẻ, họ cần hơn tôi. Tôi đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND, danh hiệu cao quý nhất trong cuộc đời một người làm nghệ thuật. 70 tuổi rồi nhưng tôi vẫn tham gia vở diễn để có cơ hội được trở lại sân khấu Thủ đô Hà Nội để khán giả nhớ đến cái tên của mình.

Đồng thời tôi cũng muốn mang tâm sức, nhiệt huyết để truyền lửa, tiếp sức cho lớp diễn viên trẻ. Đa phần các em mới vào nghề, mới ra trường và diễn chung với những nghệ sĩ tên tuổi, có kinh nghiệm các em sẽ rút ra nhiều bài học cho nghề của mình”, NSND Thoại Miêu gửi thư tới Ban chỉ đạo Liên hoan đề nghị không nhận huy chương mặc dù vai diễn bà thể hiện được đánh giá cao.

MỚI - NÓNG