Gỡ chuyện 'thầm kín' cho học sinh

Cô giáo trẻ Lê Thị Bé Nhung nhận giải thưởng 100 triệu đồng tại cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” do T.Ư Đoàn tổ chức.
Cô giáo trẻ Lê Thị Bé Nhung nhận giải thưởng 100 triệu đồng tại cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” do T.Ư Đoàn tổ chức.
TP - Với tâm huyết đưa bộ môn giáo dục giới tính vào dạy cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12, công trình nghiên cứu “Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học” của cô giáo trẻ Lê Thị Bé Nhung, SN 1989, trường THPT Phan Ngọc Tòng (Bến Tre) vừa nhận được giải thưởng tại Cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” do T.Ư Đoàn tổ chức.

Là giáo viên dạy bộ môn Sinh học ở trường THPT Phan Ngọc Tòng (Bến Tre), hằng ngày, cô giáo Lê Thị Bé Nhung thường nhận được nhiều câu hỏi của học sinh liên quan đến giới tính.

“Tuổi của tôi còn khá trẻ nên dễ gần với các em học sinh. Thường các em nữ thắc mắc về tâm sinh lý của tuổi dậy thì “ngày đèn đỏ”, còn học sinh nam thường là những rung cảm đầu đời. Nhiều em ấp úng hỏi những câu ngộ lắm. Tôi thấy thương các em. Bản thân tôi và bạn bè ngày xưa bước vào lứa tuổi dậy thì cũng thế, rất lúng túng, nhiều khi hốt hoảng, lo sợ”, cô Nhung kể.

Cô Nhung cho rằng, thực tế, ở các trường học Việt Nam, giáo dục giới tính chưa thực sự được chú trọng, được tổ chức dưới dạng dạy lồng ghép vào các môn học khác, hoạt động ngoài giờ, ngoại khóa.

“Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, Việt Nam hiện là một trong 5 nước có tỉ lệ phụ nữ phá thai cao nhất thế giới, đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á và cũng có tỉ lệ sinh con ở tuổi 15-19 cao, ở mức 46/1.000 trường hợp. Bộ Y tế ước tính có khoảng hơn 1 triệu ca mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục trong năm 2015. Thống kê google, Việt Nam là một trong những nước có số câu lệnh tìm kiếm chứa từ “sex” nhiều nhất thế giới. Đây là những con số báo động mà nguyên nhân xuất phát từ việc bạn trẻ thiếu hụt kiến thức về giới tính”, cô Nhung chia sẻ.

Trăn trở trước thực tế đó, cô Nhung xây dựng nên đề tài: “Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học”, nhằm truyền tải kiến thức giáo dục giới tính đến các em học sinh một cách bài bản, gần gũi và khoa học nhất.

Học giáo dục giới tính từ lớp 3

Nội dung giáo dục giới tính được tác giả Lê Thị Bé Nhung soạn theo từng đơn vị bài học (mô đun) gồm 10 mô đun và được soạn liên tục từ lớp 3 tới lớp 12. Mỗi mô đun có từ 4-8 tiết học, gồm 3 phần: Tình huống, nội dung bài học và trả lời câu hỏi với nội dung cụ thể, chi tiết gần gũi phù hợp với từng lứa tuổi học sinh.

Tác giả Lê Thị Bé Nhung chia sẻ, nhiều người nói, học sinh lớp 3 mà đã học về kiến thức giới tính thì hơi sớm. “Theo tôi, không hề sớm chút nào. Học sinh lớp 3, các em đã bước vào độ tuổi 8-9. Ở tuổi này, cơ thể của các em chuẩn bị bước vào giai đoạn dậy thì. Vì thế, đưa môn học này vào học từ lớp 3 là hợp lý nhất nhằm chuẩn bị tâm lý, kiến thức nền để các em bước vào thời kỳ thay đổi quan trọng nhất của cơ thể. Ở lứa tuổi này, việc học giới tính dừng lại ở việc học kiến thức đại cương về giới tính và vệ sinh giới tính ở trẻ em”, cô Nhung giải thích.

Cô Nhung cho biết, vì trăn trở, đã tìm đọc rất nhiều tài liệu khác nhau từ sách giáo khoa, sách về giới tính, internet, sự tư vấn các chuyên gia để hiểu sâu sắc tâm sinh lý lứa tuổi, nhằm xây dựng các mô đun sao cho phù hợp nhất.

“Với học sinh lớp 8, lứa tuổi có nhiều thay đổi về tâm tính, “ẩm ương”, cha mẹ, thầy cô nhiều lúc không hiểu hết con em mình. Ở tuổi này, tôi nghiên cứu xây dựng 6 tiết với chủ đề: “Thời kỳ nổi loạn của lứa tuổi vị thành niên”. Hay các em học sinh lớp 9, 10, các em đã có những rung cảm đầu đời, có những mối tình tuổi học trò. Vì thế, mình cần có sự định hướng để các em có những rung cảm trong sáng nhất phù hợp với độ tuổi. Chủ đề dạy giới tính cho các em độ tuổi này là “Tình yêu, tình dục và hôn nhân”.

“Để kiến thức giáo dục giới tính được truyền tải đến các em học sinh một cách hiệu quả nhất, điều quan trọng đầu tiên là cần tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng giáo dục giới tính cho giáo viên. Nội dung sẽ được truyền tải một cách mềm mại bằng các tiểu phẩm, hình ảnh, câu chuyện thực tế sinh động, tác động vào trực quan học sinh. Nên xem môn học này là một môn điều kiện như môn học thể dục và không cần phải tính điểm để tạo tâm lý thoải mái cho học sinh”, cô Nhung đề xuất.

Đề tài “Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học” của cô giáo Lê Thị Bé Nhung đạt giải thưởng công trình, sáng tạo tiêu biểu của cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục”, do T.Ư Đoàn tổ chức. GS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), thành viên Ban Giám khảo cuộc thi nhận xét: “Các tài liệu mô đun của đề tài rất cẩn thận, hợp lý, đây là đề tài cần thiết nên sớm đưa vào chương trình học tập hiện nay”.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.