Giữa ngã ba đường

Thành phố Thâm Quyến năm 1982 (ảnh trên) và ngày nay Ảnh: CNN
Thành phố Thâm Quyến năm 1982 (ảnh trên) và ngày nay Ảnh: CNN
TP - Hôm nay (18/12) đánh dấu 4 thập kỷ kể từ khi Trung Quốc khởi động quá trình cải cách và mở cửa để chuyển mình từ một đất nước nghèo nàn trở thành cường quốc về kinh tế. Nhưng các hoạt động kỷ niệm đang bị phủ bóng bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Khi Victor Cao lớn lên ở vùng nông thôn Trung Quốc trong những năm 1970, ô tô và xe tải hiếm đến nỗi bọn trẻ trong làng ùa ra chạy theo xe suốt con đường bụi bẩn. Ngày nay, Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất ô-tô lớn nhất thế giới, sản lượng gấp đôi Mỹ.

“Ngày xưa tôi không thể nghĩ rằng một gia đình Trung Quốc bình thường sẽ có xe hơi mà đi. Tôi chưa từng nghĩ Trung Quốc sẽ là nước sản xuất ô-tô lớn”, CNN dẫn lời ông Cao. 

Bài phát biểu của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trước lãnh đạo Đảng vào tháng 12/1978 được coi là sự mở đầu cho kỷ nguyên đổi mới, bắt đầu từ mốc GDP dưới 150 tỷ USD. Bốn mươi năm sau, nền kinh tế này đã vượt 12 nghìn tỷ USD, chỉ đứng sau Mỹ. 

Nhưng khi Trung Quốc kỷ niệm 40 năm từ ngày có bài phát biểu này, một trận chiến đang diễn ra ra để quyết định tương lai cho sự thần kỳ kinh tế của Trung Quốc. 

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang đứng giữa ngã ba đường, với một hướng do Tổng thống Mỹ Donald Trump dẫn dắt để ép Trung Quốc phải mở cửa kinh tế nhiều hơn, còn hướng kia do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi đầu, với nỗ lực giúp chính quyền kiểm soát nhiều hơn gần như mọi mặt của xã hội. 

Quá trình cải cách và mở cửa đã tạo nên những biến đổi rõ ràng. Năm 1978, Trung Quốc đang trong tình cảnh nghèo cùng cực. Hàng trăm triệu công nhân nông thôn bị suy dinh dưỡng kéo dài. Kinh tế trên bờ vực phá sản. Ngày nay, Trung Quốc nắm giữ khoảng 10% tài sản toàn cầu. Chỉ trong 20 năm qua, thu nhập bình quân đầu người ở nước này đã tăng gấp ba, giúp hạ tỷ lệ nghèo cùng cực xuống chưa đến 1% dân số. Trung Quốc giờ có 600 tỷ phú dollar, nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. 

Sau 4 thập kỷ, Trung Quốc đã thay đổi quá nhiều. Ở Bắc Kinh, một triển lãm lớn được mở từ đầu năm nay để kỷ niệm những thay đổi đó. Triển lãm trưng bày những tiến bộ công nghệ nhanh chóng, bao gồm chương trình chinh phục vũ trụ của họ, rồi cả những câu nói nổi tiếng của các thế hệ lãnh đạo. 

Cuộc khủng hoảng lớn nhất 

Vào thời điểm Trung Quốc đang ca ngợi những thành tựu đổi mới và một nhà lãnh đạo đang nỗ lực ghi dấu ấn, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã châm ngòi một cuộc chiến tranh thương mại gây nhiều tổn thất, buộc Bắc Kinh phải xem lại các kế hoạch kinh tế. 

Mỹ tăng thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng Trung Quốc, đòi Trung Quốc phải mở cửa nhiều hơn và giảm bớt hỗ trợ các ngành công nghiệp chủ chốt. 

“Ông Tập đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong sự nghiệp của mình, và ở thời điểm này ông ấy không có trong tay nhiều quân bài như Mỹ”, giáo sư Willy Lam (ĐH Trung Quốc, Hong Kong) phân tích.

Cuộc chiến thương mại của ông Trump không chỉ phủ bóng lên những hoạt động kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa của Trung Quốc và các kế hoạch kinh tế của ông Tập mà còn cho thấy những thách thức về chính trị mà nhà lãnh đạo Trung Quốc đang đối mặt. 

Việc Trung Quốc xóa bỏ hạn chế về nhiệm kỳ chủ tịch về lý thuyết sẽ mở đường cho ông Tập lãnh đạo không thời hạn. Nhưng khi nắm quyền lớn hơn trong tay, ông Tập cũng phải hứng chỉ trích nhiều hơn trong xử lý cuộc chiến thương mại với Mỹ, theo đánh giá của một số chuyên gia. 

MỚI - NÓNG