Trong tuần này, Ấn Độ tham gia đợt tập trận chống khủng bố Tay trong tay 2018 với Trung Quốc diễn ra ở Tứ Xuyên trong 14 ngày. Trung Quốc bắt đầu triển khai chương trình này với Ấn Độ từ năm 2013 nhưng hoãn lại vào năm ngoái vì căng thẳng giữa hai nước bùng lên sau khi Trung Quốc làm một đường trên vùng cao nguyên Doklam thuộc dãy Himalaya.
Bên cạnh các quan hệ quốc phòng với Trung Quốc, Ấn Độ còn tham gia diễn tập không quân và hải quân với Nga. Đợt đầu tiên của chiến dịch tập trận Avia Indra diễn ra tại Nga, vào tháng 9 năm nay và đợt hai sẽ diễn ra ở Ấn Độ trong tuần này. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang cùng Mỹ triển khai chương trình tập trận chung Cope 18 kéo dài 11 ngày trên vùng biển Tây Bengal, dự kiến kết thúc vào Chủ nhật tới .
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Quốc tế học S Rajaratnam thuộc ĐH Công nghệ Nanyang ở Singapore, đánh giá, hàng loạt hoạt động hợp tác quân sự của New Delhi là để “tung hỏa mù” cho Bắc Kinh và tham vọng của họ ở khu vực.
“Hợp tác an ninh và quốc phòng của Ấn Độ với các nước khác có thể giúp quân đội Ấn Độ nâng cao khả năng phối hợp chặt chẽ với các đối tác nước ngoài…gây phức tạp cho những hoạt động quân sự và chiến lược của Trung Quốc, đặc biệt trong thời bình”, SCMP dẫn lời ông Koh.
Quan hệ quân sự - chính trị và mua bán vũ khí của Ấn Độ với Mỹ tăng nhanh trong những năm gần đây. Mỹ, với chính sách đối ngoại một phần nhằm kìm hãm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á, đã tăng doanh số bán vũ khí cho Ấn Độ lên mức 15 tỷ USD trong thập kỷ qua, theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).
Những thỏa thuận đó giúp tạo nên quan hệ chiến lược gần gũi hơn. Ấn Độ đã cùng Mỹ, Nhật và Úc thảo luận về tự do hàng hải, chống khủng bố và an ninh trên biển ở châu Á tại hội nghị cấp cao Asean tại Singapore vào tháng 11 vừa qua.
Abhijit Singh, giám đốc Sáng kiến chính sách biển tại Quỹ nghiên cứu quan sát viên, một tổ chức tư vấn chính sách độc lập ở Ấn Độ, nói việc Delhi muốn đa dạng hóa quan hệ quân sự là vì cần duy trì ảnh hưởng của mình ở khu vực.
“Trong khi Ấn Độ tìm cách điều chỉnh lại quan hệ chính trị với Trung Quốc, nhiều nhà hoạch định chính sách và chuyên gia Ấn Độ nghĩ rằng Bắc Kinh đang tìm cách làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Ấn Độ”, ông nói.
Tạo cân bằng
“Trung Quốc thực sự đang hiện hữu trong tính toán chiến lược của Ấn Độ, đặc biệt là với những động thái quyết liệt của Bắc Kinh ở khu vực phía đông Ấn Độ và trên Ấn Độ Dương”, Debasis Dash, một chuyên gia về Ấn Độ - Thái Bình Dương tại ĐH Malaya ở Kuala Lumpur, nhận xét.
Chuyên gia này cho rằng Ấn Độ có thể trở thành người bạn đáng tin cậy của Nga hơn Trung Quốc, và quan hệ đối tác ngày càng phát triển của Ấn Độ với Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ tạo ra không gian hợp tác lớn hơn giữa quân đội hai nước.
Quan hệ quân sự của Ấn Độ với Nga có từ thời Liên Xô với các thương vụ mua vũ khí, từ máy bay đến pháo, ngay từ những năm 1950, theo SIPRI.
Ông Singh cho rằng chiến lược cân bằng của Ấn Độ sẽ khiến Trung Quốc phải chú ý hơn. “Nếu Ấn Độ tăng cường hợp tác quân sự với các cường quốc Thái Bình Dương không thân thiện với Trung Quốc, Trung Quốc sẽ ngày càng quyết liệt ở Nam Á và Ấn Độ Dương”, ông nói.