Theo Sputnik, trong ngày đầu tiên ở Moscow, Cố vấn an ninh Mỹ John Bolton dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Nga Nikolai Patrushev và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Trước đó, phát ngôn viên Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov từng úp mở về khả năng cố vấn Bolton sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thông tin này dường như đã được ông Peskov xác nhận vào hôm qua, 21/10, khi nói rằng “Tổng thống Nga sẽ muốn nghe câu trả lời của Cố vấn an ninh Mỹ về việc Washington muốn rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Moscow”.
Cố vấn John Bolton được báo giới Mỹ cho là có liên quan mật thiết đến kế hoạch rút khỏi INF của Washington.
Một số nhà phân tích đã viện dẫn văn bản do ông Bolton viết năm 2011, trong đó ông nhấn mạnh “Mỹ nên rời bỏ Hiệp ước INF”.
Dù cố vấn của Tổng thống Trump nhiều lần khẳng định các bài xã luận nói trên không thể hiện chính sách mà ông theo đuổi, nhưng kể từ khi nhậm chức đến nay, ông Bolton thường xuyên lên tiếng chỉ trích những gì mà ông coi là vi phạm chủ quyền của Mỹ.
“Tôi cho rằng ông Bolton có tác động rất lớn đến quyết định này. Nó phù hợp với việc ông Bolton không thích các thoả thuận đa phương, đặc biệt là các thoả thuận hạn chế quyền tự do hành động của Washington”, Cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao John Kirby nhận định.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/10 tuyên bố Washington sẽ rút khỏi INF vì Nga đang vi phạm các điều khoản của hiệp ước.
Ông đồng thời không loại trừ khả năng ký một hiệp ước khác về vũ khí hạt nhân tầm trung với Moscow và Bắc Kinh nếu Nga và Trung Quốc đảm bảo ngừng sản xuất các loại vũ khí này.
Cả Bộ Ngoại giao Mỹ lẫn Lầu Năm Góc đều chưa đưa ra bất kì tuyên bố nào liên quan đến phát ngôn gây tranh cãi của ông Trump.
Mỹ lần đầu cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của Hiệp ước INF hồi tháng 7/2014. Nga bác bỏ tất cả các cáo buộc tương tự, và bày tỏ lo ngại về sự tuân thủ hiệp ước của Mỹ.
Hiệp ước INF được Mỹ và Liên Xô kí kết vào ngày 8/12/1987 tại Washington.
Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 km tới 5.500 km).