Giữ vững độc lập chủ quyền trong phát triển kinh tế- xã hội

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: Nguyễn Huy
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: Nguyễn Huy
TPO - Đây là một trong những mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Sáng 7/9, tại Đà Nẵng, hơn 1.000 đại biểu, lãnh đạo các bộ ngành TƯ, 63 tỉnh thành trên cả nước tham dự Hội nghị toàn quốc ngành kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), do Bộ KH&ĐT tổ chức. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Trung quán triệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và giới thiệu dự thảo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020.

Theo đó, Thủ tướng chỉ thị các bộ, ngành trung ương, các địa phương triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở đánh giá đúng tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch giai đoạn 2011-2015, dự báo tình hình trong nước, thế giới và khu vực; từ đó xác định mục tiêu, định hướng phát triển của kế hoạch 5 năm 2016-2020

Theo Chỉ thị này, Thủ tướng đặt mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế xã hội, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng , đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thân của người dân; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: chỉ thị lần này, Thủ tướng trực tiếp đặt yêu câu giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia trong mục tiêu tổng quát của kế hoạch, trước các diễn biến vấn đề biển Đông, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam những tháng qua.

Giữ vững độc lập chủ quyền trong phát triển kinh tế- xã hội ảnh 1

Giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia được đặt trong mục tiêu tổng quát kế hoạch phát triển Kinh tế-xã hội 2016-2020. Ảnh: Nguyễn Huy

Chỉ thị cũng đặt mục tiêu mở rộng các quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

  

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2016-2020 được định hướng tăng 6,5-7%/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5%/năm.

Thủ tướng chỉ thị thực hiện có hiệu quả đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyền đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát hiện kinh tế xã hội 10 năm (2011-2020): hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng kết cầu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị.

Theo Bộ KH&ĐT, việc xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 của các ngành, lĩnh vực, địa phương phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của cả nước, phù hợp với đặc điểm, trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương; bảo đảm tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm….

MỚI - NÓNG