Giữ lãi suất ổn định: Nhà điều hành phải làm gì?

Giữ lãi suất ổn định: Nhà điều hành phải làm gì?
TP - Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trải qua 4 tuần tăng liên tục; một số ngân hàng cũng điều chỉnh lãi suất huy động. Trong bối cảnh Chính phủ rất quan tâm và nhìn nhận nghiêm túc vấn đề lãi suất, nhà điều hành là Ngân hàng Nhà nước nên hành động thế nào? Tiền Phong trao đổi với TS Nguyễn Đức Độ- Phó Viện trưởng viện nghiên cứu Tài chính (Bộ Tài chính).

Chính phủ yêu cầu không tái diễn tăng lãi suất

Vừa qua, trước hiện tượng một số TCTD tăng lãi suất huy động vốn, NHNN đã đưa ra nhận định rằng việc các NHTM điều chỉnh tăng/giảm lãi suất theo chiến lược kinh doanh và điều kiện thị trường là hết sức bình thường. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lại yêu cầu NHNN không để hiện tượng này tái diễn. Thông điệp này nên được hiểu như thế nào?

Chúng ta biết rằng, từ lâu Chính phủ đã chủ trương hạ lãi suất về mức hợp lý hơn, nhưng kết quả đạt được cho đến nay vẫn còn rất khiêm tốn. Thông điệp trên có thể hiểu là Chính phủ nhìn nhận vấn đề lãi suất rất nghiêm túc.Trong bối cảnh kinh tế quý 1/2017 chỉ tăng trưởng 5,1%, việc để lãi suất tăng là không mong muốn, vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% đã đặt ra từ cuối năm 2016.

Nhưng khi sức ép là có thật, thì lãi suất sẽ không thể ổn định nếu chỉ nhờ vào các tuyên bố mang tính định hướng hay trấn an dư luận?

Đúng là như vậy. Lãi suất biến động về cơ bản là do chênh lệch cung cầu. Các tuyên bố mang tính định hướng có thể thay đổi hành vi của thị trường trong ngắn hạn, nhưng không thể có tác dụng trong một thời gian dài. Thị trường thông minh luôn nhìn vào những gì cơ quan quản lý làm, chứ không nghe những gì cơ quan quản lý nói.

Giữ lãi suất ổn định: Nhà điều hành phải làm gì? ảnh 1

TS Nguyễn Đức Độ.

NHNN cần làm gì?

Theo ông, các cơ quan quản lý có thể làm những gì để ổn định, và nếu có thể, tiến tới hạ lãi suất trong thời gian tới?

Để ổn định lãi suất ngắn hạn, NHNN có thể tăng cung tiền ra nền kinh tế thông qua thị trường mở và các kênh khác đồng thời với việc thực thi chính sách ổn định tỷ giá để hạn chế đầu cơ.Tuy nhiên, vấn đề chính của nền kinh tế hiện nay là lãi suất trung và dài hạn cao do thiếu nguồn cung, trong khi tiền cung ứng của NHNN cho nền kinh tế có nhiều khoản mang tính ngắn hạn và nếu sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn sẽ gặp nhiều rủi ro.

Trong  những năm qua một  lượng tiền tiết kiệm không nhỏ trong nền kinh tế đã chảy vào các thị trường tài sản và bị kẹt ở đó, còn tỷ lệ tiết kiệm ở Việt Nam lại không phải là cao nên nguồn cung vốn phục hồi chậm. Mặt khác, do niềm tin vào VND còn thấp, nên người dân chủ yếu chỉ muốn gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn. Kiều hối về Việt Nam năm 2016 vừa qua cũng đã chậm lại. Cổ phần hóa cũng diễn ra chậm nên chưa hút được nhiều nguồn vốn từ bên ngoài. Để giải quyết vấn đề lãi suất trung và dài hạn, cần có một luồng tiền trung và dài hạn từ đâu đó dành cho việc giải phóng những tài sản còn đang tồn đọng.

Cơ hội nào cho giảm lãi suất

Như vậy, phải xử lý triệt để nợ xấu?

Hiện nay, những vấn đề liên quan đến pháp lý được coi là một trong những trở ngại chính dẫn đến việc mua bán nợ xấu gần như chưa được thực hiện. NHNN cũng đang đẩy mạnh việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các NHTM yếu kém.

Nhưng kể cả khi những vướng mắc về pháp lý được giải quyết thì vẫn còn những vấn đề khác. Chẳng hạn, vì giá bán nợ xấu sẽ không thể cao bằng giá trị của khoản vay lúc ban đầu, nên câu hỏi đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm cho các khoản lỗ này. Nếu các khoản lỗ quá lớn và một số tổ chức tín dụng có thể rơi vào tình trạng phá sản, thì sẽ xử lý ra sao.Đây có lẽ cũng là những lý do nặng ký khiến cho công cuộc xử lý nợ xấu cho đến nay vẫn gần như dậm chân tại chỗ.

 ý kiến cho rằng lạm phát đang gia tăng cũng là nguyên nhân dẫn đến lãi suất tăng.Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Xu hướng lạm phát hiện nay là vấn đề còn nhiều tranh luận. Nếu nhìn vào chỉ số CPI toàn phần, lạm phát có xu hướng tăng trong thời gian qua và hiện ở mức tương đối cao: từ mức trung bình 0,63% năm 2015 lên mức 2,66% năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017 là 4,96%. Tuy nhiên, sự gia tăng nói trên chủ yếu do việc điều chỉnh giá các dịch vụ y tế.

Nếu nhìn vào CPI cơ bản, tức là đã loại trừ giá lương thực - thực phẩm, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục, thì lạm phát lại đang ở mức thấp và có xu hướng giảm rất vững chắc trong những năm gần đây: năm 2011trung bình là 13,62%; năm 2012 là 8,19%; năm 2013 là 4,77%; năm 2014 là 3,31%; năm 2015 là 2,05%; năm 2016 là 1,83%; còn quý I năm 2017 là 1,66%.

Theo kinh nghiệm nhiều nước, chính sách tiền tệ được hoạch định dựa trên lạm phát lõi (thường không tính giá năng lượng và lương thực), mặc dù mục tiêu cuối cùng vẫn là kiểm soát lạm phát toàn phần.

Tại Việt Nam hiện nay chúng ta chưa biết chính xác NHNN cũng như thị trường dự báo và xác định lãi suất dựa trên cơ sở lạm phát toàn phần, lạm phát cơ bản, hay dựa trên cả hai với một trọng số nào đó. Nếu NHNN và thị trường xác định lãi suất dựa trên cơ sở lạm phát cơ bản thì áp lực tăng là thấp, nhưng nếu dựa trên lạm phát toàn phần thì lại khác.

Cảm ơn ông!

Để ổn định lãi suất ngắn hạn, NHNN có thể tăng cung tiền ra nền kinh tế thông qua thị trường mở và các kênh khác đồng thời với việc thực thi chính sách ổn định tỷ giá để hạn chế đầu cơ. Tuy nhiên, vấn đề chính của nền kinh tế hiện nay là lãi suất trung và dài hạn cao do thiếu nguồn cung, trong khi tiền cung ứng của NHNN cho nền kinh tế có nhiều khoản mang tính ngắn hạn và nếu sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn sẽ gặp nhiều rủi ro. 

TS Nguyễn Đức Độ

MỚI - NÓNG