Giọt nước tràn ly

Một cuộc biểu tình phản đối EU diễn ra bên ngoài trụ sở Quốc hội Anh ở London.
Một cuộc biểu tình phản đối EU diễn ra bên ngoài trụ sở Quốc hội Anh ở London.
TP - Ngày 8/10, chiến dịch vận động bỏ phiếu ủng hộ Anh tách khỏi Liên minh châu ÂU (EU) mang tên “Vote Leave” đã khởi động dưới sự tài trợ và điều hành của nghị sĩ các chính đảng lớn ở Anh: Đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron, Công đảng đối lập và đảng Độc lập Anh (UKIP).

Tháng trước, chiến dịch phản đối EU mang tên “Leave.EU” cũng được thực hiện với sự ủng hộ của lãnh đạo UKIP Nigel Farage.

Năm 1973, Anh gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) - tiền thân của EU. Năm 1975, một cuộc trưng cầu ý dân về việc rút khỏi EEC từng được tổ chức ở Anh và 67,2% số người bỏ phiếu không ủng hộ. Sau bốn thập niên, EU lại là đề tài nhạy cảm nhất tại Anh. Các khảo sát gần đây cho thấy, số người muốn Anh ở lại EU đang dần thu hẹp.

Chính phủ Anh thừa nhận, chưa bao giờ tương lai châu Âu mù mịt như hiện nay. Theo London, mô hình liên kết của EU tồn tại nhiều lỗi hệ thống, cản trở sự phát triển của các thành viên. Vì thế, EU hoặc cần một cuộc cải tổ sâu rộng, hoặc Anh lựa chọn con đường riêng. Với người Anh, phương án hai chiếm ưu thế.

Một bộ phận người Anh không hài lòng với cách Brussels điều hành. Họ tin rằng, tách khỏi EU, Anh tự do thỏa thuận thương mại với các nước khác, sử dụng nguồn lực của Anh cho công dân Anh, cải thiện kinh tế và tạo thêm việc làm cũng như tiết kiệm 18,4 tỉ bảng/năm phí đóng góp thành viên.

Vấn đề nổi cộm khác là chính sách nhập cư. Trước cuộc khủng hoảng người di cư đang diễn ra hiện nay, Anh đã thất bại trong việc giảm lượng nhập cư ròng xuống con số hàng chục nghìn do không thể ngăn cản công dân EU đến Anh tìm việc làm và cư trú bởi “cho phép di chuyển tự do giữa các nước thành viên” là một trong ba nguyên tắc cốt lõi của EU.

Khủng hoảng người di cư một lần nữa “xát muối vào vết thương” của người Anh. Bất chấp thỏa thuận trong EU, chính sách của London đối với người di cư vẫn khác hẳn đa số thành viên EU. Tuy được hỗ trợ về nhà ở, được ghi danh miễn phí cho con đi học như ở Pháp, nhưng di cư ở Anh hưởng trợ cấp thấp hơn 11 euro so với Pháp. Trong cuộc họp Bộ trưởng Nội vụ EU hôm 8/10, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May đề xuất kế hoạch trục xuất hàng vạn người di cư về nước. Truyền thông Anh thậm chí đưa tin, Thủ tướng và Bộ trưởng Nội vụ nước này đích thân thị sát một cuộc bắt giữ người di cư trái phép lúc 5 giờ sáng.

Anh “đi hay ở”, đó là câu chuyện của 2 năm nữa. Nhưng vấn đề người di cư là “giọt nước tràn ly”, khiến người Anh dường như ngày càng rời xa hơn EU.

MỚI - NÓNG