'Giọng ca vàng' một thời tái ngộ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại Phòng trà Đồng Dao (TPHCM) vừa diễn ra chương trình âm nhạc “Những giọng ca Sài Gòn thập niên 90” quy tụ trên sân khấu giọng ca đình đám của những năm đầu đổi mới. Nhiều giọt nước mắt đã rơi, nhiều nụ cười được tìm lại sau hơn ba thập kỷ âm nhạc của thành phố phương Nam.

Làm sống lại “Anh Ba Hưng”

Lần đầu tiên sau hơn 3 thập kỷ mới có một sự kiện âm nhạc quy tụ các ngôi sao cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước tại kinh đô âm nhạc TPHCM.

M.C Thúy Miêu hồi tưởng: “Những năm đổi mới, âm nhạc tại thành phố trỗi dậy với sức sống lạ thường. Nếu trước kia người ta thường đi khiêu vũ chui thì lúc ấy các vũ trường được mở trở lại, sân khấu âm nhạc mọc lên như nấm, thậm chí biểu diễn cả ban ngày. Thời của những năm 1990 có nhiều bài hát hay, nhiều giọng ca đầy nội lực, đam mê. Và, tuổi thơ chúng tôi lớn lên, hẹn hò trong một không khí âm nhạc trong ngần, mãi mãi không bao giờ quên”.

Danh ca Ngọc Ánh là người mở đầu cho đêm nhạc đầy hoài niệm. Chị kể: “Trước tôi đã có một chị hát bài “Anh ba Hưng” của nhạc sĩ Trần Kiết Tường, nhưng ít người nhắc tới. Tôi đã làm mới bài hát với phong cách biểu diễn rock bốc lửa. Khi ấy, nữ ca sĩ hát nhạc rock trẻ tại thành phố mới chỉ có mình tôi. Sau đêm Đài truyền hình phát bài “Anh Ba Hưng” do tôi biểu diễn theo phong cách rock thì sáng hôm sau cả thành phố rạo rực, đi đâu tôi cũng thấy người ta phát lại, hát theo bài “Anh Ba Hưng”. Thật không ngờ bài hát được sáng tác thời chống Pháp đã sống lại cùng thành phố đang ngày ngày đổi mới”: Có anh Ba Hưng/ vốn thiệt nông dân/ Đi lính hơn năm trường/ vừa mới được huân chương”.

Cảm hứng về con người, về mảnh đất phương Nam đã được khơi gợi chính bằng âm nhạc. MC Anh Khoa hồi tưởng: “Những năm 1990, buổi tối mở ti vi ra là nghe ca sĩ Ngọc Ánh hát bài Chuyến đò quê hương” (Sáng tác của Vi Nhật Tảo)”.

Trên sân khấu Đồng Dao ngày đầu xuân 2023, khán giả được sống lại cảm giác mênh mang với chính giọng hát của Ngọc Ánh: “Nỗi nhớ mong, cùng anh tay trong tay/ Ghé bến sông xưa, gọi chung con đò”.

Chạy sô 5 phút một sân khấu, đếm tiền mỏi tay

Ca sĩ Ngọc Ánh kể: “Những năm 1990, mỗi đêm tôi chạy sô 12 tụ điểm. Tôi hát ở vũ trường, 4 bài bốn điệu nhảy, rồi lại chuyển qua phòng trà, thời gian nghỉ và di chuyển qua tụ điểm mới chỉ là 5 phút. Đêm nào tôi cũng hát ở sân khấu 126 vào 9h20 tối và sau đó là sân khấu Trống Đồng vào 9h40. Sau đó lại đến tụ điểm khác”.

Ca sĩ Quang Thành, người kết nối các nghệ sĩ với Phòng trà Đồng Dao tổ chức đêm nhạc “Những giọng ca Sài Gòn thập niên 90” chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng các nghệ sĩ nổi tiếng của thành phố vào những năm 1990 sẽ tiếp tục đóng góp tiếng hát của mình vào đời sống âm nhạc và giúp âm nhạc của thành phố nhiều màu sắc hơn. Chúng tôi cũng mong sẽ không ai bị lãng quên trong dòng chảy cuộc sống hôm nay” .

Cái thời âm nhạc lên ngôi, nhất là nhạc trẻ. Khán giả muốn yêu cầu thêm một bài thì ca sĩ cũng rất khó đáp ứng vì bản thân họ phải chạy sô khác và những ca sĩ hát sau cũng đang xếp hàng chờ lên sân khấu. MC Anh Khoa: “Tôi chở một người bạn nghệ sĩ đi diễn. Anh giao tôi đếm tiền cát xê. Anh diễn xong rồi tôi đếm chưa xong, phải tới tụ điểm khác đếm tiếp. Số tiền cát xê anh ấy nhận lúc đó là 2 triệu đồng, rất lớn trong những năm 1990”.

'Giọng ca vàng' một thời tái ngộ ảnh 1

Tam ca Áo trắng trở lại sân khấu sau 2 thập kỷ “mai danh ẩn tích”. Ảnh: Nguyễn Mai Thy

Ca sĩ Quang Thành kể: “Khi ấy tôi còn học ở Nhạc viện thành phố, rất ngưỡng mộ các anh chị. Muốn đi xem mà trường không cho sinh viên ra ngoài buổi tối. Lâu lâu được đi hát trên truyền hình cùng các thần tượng của mình, cảm xúc không thể nào quên”.

“Có ai còn nhớ tôi không?”

Những năm 1990, đất nước mở cửa cũng đồng nghĩa rất nhiều nghệ sĩ có điều kiện hơn để đi định cư ở nước ngoài. Phong trào âm nhạc cũng chứng kiến những cuộc chia ly.

'Giọng ca vàng' một thời tái ngộ ảnh 2

Ngọc Ánh bồi hồi cùng “Chuyến đò quê hương”. Ảnh: Jason Nguyễn

Ca sĩ Họa Mi định cư ở Pháp. Chị nói: “Mỗi năm ở Việt Nam đón Tết ấm áp thì ở châu Âu lại là mùa đông. Mỗi khi hát bài Đêm Đông (sáng tác của Nguyễn Văn Thương) ở Paris tôi càng nhớ Việt Nam”.

Trong cuộc hội ngộ có thể gọi là “lịch sử”, nữ ca sĩ Lệ Thu (thường được gọi là Lệ Thu Nguyễn, Lệ Thu “nhỏ” hay Lệ Thu Paris), kể: “Tôi rời bỏ sân khấu quen thuộc sang Pháp đầu những năm 1990. Ra đi 28 năm rồi! Tôi chỉ về Việt Nam hát chơi vào năm 2010 ở phòng trà Cẩm Vân một lần. Đôi khi muốn hỏi “Ai còn nhớ Lệ Thu không?”, nhưng không dám hỏi, vì sợ người ta không nhớ thì bị quê (ngượng)!”.

'Giọng ca vàng' một thời tái ngộ ảnh 3

Ca sĩ Lệ Thu Nguyễn xúc động với ca khúc Em ơi! Hà Nội phố

Rất nhiều người vẫn còn nhớ giọng hát Lệ Thu với ca khúc “Em ơi! Hà Nội phố” (Phú Quang phổ thơ Phan Vũ) ghi hình năm 1987. Với nhiều người thì đây là phiên bản hay nhất của ca khúc này được thu âm vào những ngày đầu đổi mới.

Sau 28 năm, người TPHCM mới nghe lại Lệ Thu “nhỏ” hát “Em ơi! Hà Nội phố”. Chị nói: “Tôi mới trở về nên chưa quen múi giờ, xin phép hát giọng thấp hơn so với bản đã thu âm”. Chất giọng khàn và sang của nữ danh ca chuyên hát nhạc Pháp đã làm người ta phải sững sờ và nhiều người nghĩ chị là người Hà Nội: “Ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa”.

Dịch giả Hà Vũ Trọng, khán giả của đêm nhạc nhận xét: “Giọng ca của chị Lệ Thu Nguyễn vẫn tuyệt vời như ngày nào! Một giọng ca sâu và đầy xúc cảm, nhất là với ca khúc Em ơi! Hà Nội phố”.

Khi hát xong, ca sĩ Lệ Thu Nguyễn hỏi: “Có ai còn nhớ tôi không?”, khán phòng đồng loạt vang lên tiếng trả lời: “Ai cũng nhớ chị cả!”.

Tam ca Áo trắng hội ngộ nơi quê nhà

Chương trình âm nhạc “Những giọng ca Sài Gòn thập niên 90” ghi dấu ấn sự hội tụ trên sân khấu của ba chị em Tam ca Áo trắng.

Các nữ ca sĩ cho biết: “18 năm rồi ba chị em chúng tôi mới đứng cùng trên sân khấu. Ở Mỹ, chúng tôi chỉ thường hát trong nhà thờ. Chúng tôi mong ước từng ngày trở về hát tại thành phố của mình”. Nhóm bồi hồi nhớ lại lúc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tập cho từng nốt luyến láy bài “Ở Trọ”.

Sau 18 năm rời xa ánh đèn sân khấu, Tam ca Áo trắng đã trở lại với “Phố xa” (Sáng tác của Lê Quốc Thắng) gợi nhớ tuổi thanh xuân của thập niên 1990.

Một trong số khán giả đặc biệt của Tam ca Áo trắng sau 2 thập kỷ chính là Mai Thy, huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng bàn nữ TPHCM. Mai Thy nói với phóng viên: “Tam ca Áo trắng là các em ruột của bố tôi. Các cô định cư ở Mỹ từ lâu và sau rất nhiều năm tôi mới được nghe Tam ca Áo trắng biểu diễn tại quê nhà”.

Cuối chương trình ba giọng ca áo trắng một thời đã có màn tái ngộ, cùng biểu diễn với cặp đôi Cẩm Vân - Khắc Triệu những ca khúc chào xuân 2023. Đến dự Chương trình âm nhạc “Những giọng ca Sài Gòn thập niên 90” người ta còn thấy danh ca Lê Uyên, danh ca Như Quỳnh (cũng là một giọng hát trưởng thành từ trào lưu ca nhạc những năm 1990), nữ hoàng ảnh lịch Mộng Vân một thời, người đẹp, ca sĩ Kim Khánh… Xen lẫn những bó hoa chúc mừng là những giọt nước mắt.

Ca sĩ Châu Tuấn về từ hải ngoại với ca khúc “Triệu đóa hoa hồng”, lịch lãm một thời bộc bạch: “Tấm lòng của người nghệ sĩ trở về từ nơi đất khách quê người cũng như triệu đóa hoa hồng dành cho khán giả quê nhà sau nhiều năm xa cách. Không có gì hạnh phúc hơn khi được hát trước khán giả thân thương của mình và nhớ về những tháng năm sôi động không thể nào quên”.

MỚI - NÓNG
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
TPO - Chiều 19/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong cùng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, BLĐ CLB Bóng đá Hà Nội, các cầu thủ đã trao số tiền ủng hộ 55 triệu đồng, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn cũng đã đến thăm, chia sẻ với gia đình có 2 nạn nhân tử vong trong vụ sập cầu Phong Châu vừa qua.