Khát vọng và hành động

TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều bạn trẻ khẳng định, năm 2018 phải là năm hành động của thanh niên. Người trẻ cần nỗ lực biến những chương trình, chủ trương, nghị quyết của T.Ư Đoàn thành những hành động cụ thể, đi vào đời sống hàng ngày. Và họ cũng kỳ vọng các cấp bộ đoàn có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho thanh thiếu nhi.

Hoa khôi Sinh viên Việt Nam 2017 Phạm Thị Thu Hà: 

 Tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Khát vọng và hành động ảnh 1

Năm 2018, tôi mong muốn tổ chức Đoàn, Hội đẩy mạnh các hoạt động, chương trình để những bạn trẻ vừa có điều kiện rèn luyện vừa góp sức vì cộng đồng, nhất là hỗ trợ các em nhỏ miền núi, vùng sâu vùng xa, khó khăn có thêm điều kiện học tập, tiếp cận tri thức; định hướng nghề nghiệp cho thanh niên vùng sâu vùng xa, thanh niên dân tộc thiểu số.

“Với xu thế hội nhập và phát triển của khoa học kỹ thuật, tôi mong muốn tổ chức Đoàn, Hội sẽ có các hoạt động, chương trình để những người trẻ hiểu biết, tiếp cận được sâu rộng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; quan tâm hơn nữa để các ý tưởng sáng tạo, nghiên cứu của người trẻ được áp dụng vào cuộc sống. Đồng thời, Đoàn, Hội thể hiện thật tốt vai trò kết nối các bạn trẻ với doanh nghiệp để tạo cơ hội việc làm hay môi trường hỗ trợ khởi nghiệp”, Thu Hà nói.

Anh Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt:

Giúp các “chiến binh” trẻ khởi nghiệp

Khát vọng và hành động ảnh 2

Như lời dặn dò của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI vừa qua: “Tôi tin tưởng nhiều bạn trẻ sẽ là chiến binh khởi nghiệp, chiến binh công nghệ, chiến binh thương mại toàn cầu, chiến binh kiên cường giữ gìn bảo vệ quốc gia... Thanh niên sẽ là lực lượng xung kích đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0”. Năm 2018, tôi mong các cấp bộ Đoàn có những hoạt động hỗ trợ cụ thể hơn cho phong trào khởi nghiệp, xem hoạt động này là mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên trong phong trào khởi nghiệp.

Đoàn cần có những thủ lĩnh thanh niên khởi nghiệp thành công, có kinh nghiệm khởi nghiệp, có tính lan tỏa cộng đồng để cùng nhau phát triển phong trào. Những người được giao trọng trách có thể tham gia phong trào đoàn ở cơ sở, nhất là khu dân cư. Tôi tin với những cơ chế chính sách mà Chính phủ đang kiến tạo, kết hợp với những mô hình, cách làm hiệu quả sẽ thúc đẩy phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, bền vững hơn…

Tôi vinh dự được ra thăm Trường Sa trong chương trình “Tuổi trẻ Việt Nam vì biển đảo quê hương” lần thứ 9 với mô hình hỗ trợ trồng rau an toàn tiết kiệm nước cho tất cả 33 điểm đảo. Qua chuyến đi tôi thấy, nơi đầu sóng ngọn gió, các cán bộ chiến sĩ còn chịu nhiều khó khăn vất vả, thiếu thốn nhưng luôn vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi nghĩ, các cấp bộ Đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền, để những người trẻ trong đất liền luôn ý thức được trách nhiệm của mình bằng những hành động cụ thể để hướng về Trường Sa; hiểu về Trường Sa, hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với chủ quyền biển đảo.

Anh Giàng Seo Châu, Chủ tịch xã Mản Thẩn (Lào Cai):

Xây dựng nhiều sân chơi cho trẻ em vùng cao

Khát vọng và hành động ảnh 3

Tôi tin năm 2018 T.Ư Đoàn sẽ có nhiều giải pháp để triển khai thực hiện các mục tiêu đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI đặt ra, đặc biệt là việc xây dựng các sân chơi, khu vui chơi cho thanh thiếu niên vùng sâu vùng xa.

Với trẻ em ở thành phố lớn, nghỉ hè, nghỉ lễ là thời gian các em được vui chơi, giải trí đi tham quan, du lịch cùng gia đình, bạn bè và trải nghiệm các trò chơi ở những công viên lớn, nhỏ. Nhưng với trẻ em vùng cao, vùng biên giới, con em đồng bào, mùa hè lại là thời gian theo chân bố mẹ lên rừng lấy củi, chăn trâu, cắt cỏ, hay ở nhà trông em, ra các khe suối bắt cá; lấy cỏ cây, hoa lá, đất cát làm thú vui.

Hiện trẻ em vùng cao cần lắm những sân chơi đúng nghĩa, những sân chơi an toàn để giảm bớt những thiệt thòi, giúp các em có đầy đủ điều kiện vui chơi giải trí lành mạnh, bổ ích trong những ngày hè. T.Ư Đoàn cần có những giải pháp thực tế để các em có những ngày hè thật ý nghĩa, thu hẹp sự chênh lệch giữa miền núi và miền xuôi.

Trong năm 2017, cụm từ “khởi nghiệp” trở nên phổ biến với thanh niên cả nước. Nhưng đối với vùng miền núi, biên giới, câu chuyện khởi nghiệp vẫn còn là vấn đề mới và gặp không ít khó khăn. Để thanh niên vùng cao lập thân, lập nghiệp thành công, rất cần sự quan tâm, tháo gỡ từ nhiều phía, nhằm “thổi lửa” khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao. “Các cấp bộ Đoàn cần triển khai các chương trình hỗ trợ thanh niên dân tộc miền núi lập thân lập nghiệp, giúp họ có cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật để áp dụng vào trong đời sống và lao động sản xuất. Tập trung hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của thanh niên dân tộc thiểu số về vốn, quảng bá sản phẩm. Đặc biệt, chú trọng nguồn nhân lực tại chỗ, tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ là người dân tộc thiểu số”, anh Châu đề xuất.

Thủ lĩnh CLB tình nguyện SV07 Châu Thành Toàn:

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ thanh niên

Khát vọng và hành động ảnh 4

Đoàn, Hội là điểm tựa cho đoàn viên thanh niên, đẩy mạnh các hoạt động, chương trình vừa đoàn kết tập hợp, đồng thời tạo môi trường rèn luyện đạo đức, tư duy, bản lĩnh cho người trẻ. Năm 2018 là năm sẽ có nhiều thay đổi đối với thanh niên, bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phong trào khởi nghiệp sáng tạo. Đoàn, Hội cần có nhiều kênh ghi nhận đầy đủ nhu cầu và thế mạnh của các đối tượng thanh niên để có các định hướng, hoạt động phù hợp.

Tổ chức Đoàn, Hội cần tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm; “ươm” thành công các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên, cũng như các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi để cho các bạn trẻ học hỏi; hoặc rút ra bài học từ những mô hình chưa thành công. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, đồng hành với lực lượng thanh niên nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thanh niên dân tộc thiểu số trong việc lập thân lập nghiệp, nâng cao trình độ.

Chị Nguyễn Mỹ Linh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Nguyên:

Định hướng cho thanh niên

Khát vọng và hành động ảnh 5

Năm 2018, các cơ sở Đoàn cần căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương mình, định hướng cho đoàn viên thanh niên ở thôn bản nên dựa vào lợi thế của địa phương tạo lập các mô hình kinh tế hộ.

T.Ư Đoàn cần đẩy mạnh các chương trình tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng những mô hình mới tại địa phương. Hoạt động tình nguyện năm 2018 sẽ đổi mới, trao cho thanh niên một “chiếc cần câu” để họ thoát nghèo, chứ không phải là làm thay cho họ. Khi đã vững vàng về kinh tế, chắc chắn thanh niên sẽ có điều kiện tốt hơn để tham gia các hoạt động Đoàn.

Lực lượng thanh niên nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thanh niên dân tộc thiểu số cần sự quan tâm hơn bao giờ hết trong công tác tập hợp và đoàn kết. Vì vậy T.Ư Đoàn cần có các hoạt động, tư vấn việc làm, nhằm nâng cao hơn nữa vai trò truyền lửa, định hướng việc làm cho người trẻ, đặc biệt những thanh niên đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Chú trọng phát triển các chi Đoàn cơ sở để xây dựng khối đoàn kết, tập hợp thanh niên bền vững và có sức lan tỏa.

Anh Phan Hoài Nam, Bí thư Đoàn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam:

Năm hành động

Khát vọng và hành động ảnh 6

Năm 2018 là năm hành động của thanh niên sau Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhất là sau phát động, kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thanh niên cần nhập thế nhiều hơn nữa, biến những chương trình, chủ trương, nghị quyết thành những hành động cụ thể, đi vào đời sống thực tiễn
hàng ngày.

Tôi kỳ vọng nhiều vào mong muốn, khát vọng làm giàu chính đáng của thanh niên. Thực tế, nếu nuôi dưỡng, khích lệ và cổ vũ được thanh niên, đặc biệt có sự định hướng, hậu thuẫn, hỗ trợ của tổ chức Đoàn, Hội các cấp để thắp lên được khát khao làm giàu chính đáng cho thanh niên thì mới thúc đẩy, cổ vũ được phong trào thanh niên.

Trong thời đại công nghiệp 4.0, phong trào cần đi vào thực chất thực tiễn và mang lại giá trị thiết thực cho thanh niên. Cách mạng công nghiệp đòi hỏi thanh niên khắp mọi miền đất nước cần thực sự thay đổi, phải “cách mạng” từ trong suy nghĩ nhận thức, tư tưởng. Chỉ có con đường duy nhất học tập, học hỏi, đột phá trong suy nghĩ và hành động thì mới kì vọng có nhiều sự thay đổi cho cuộc sống bản thân thanh niên, gia đình, cộng đồng và rộng ra là đất nước.

MỚI - NÓNG
Đi vớt rác, ngư dân Quảng Ngãi phát hiện động vật quý hiếm trong Sách đỏ thế giới
Đi vớt rác, ngư dân Quảng Ngãi phát hiện động vật quý hiếm trong Sách đỏ thế giới
TPO - Trong lúc đang vớt rác vướng ngoài lồng nuôi cá, một ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vô tình phát hiện một con rùa biển đang vùng vẫy trong vợt. Con rùa biển này là một cá thể đồi mồi (một loài rùa biển, động vật biển quý hiếm), có tên trong Sách đỏ thế giới và Việt Nam.