Thể hiện khát vọng cống hiến, dấn thân của người trẻ

Anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, trưởng BTC kiêm trưởng Ban giám khảo cuộc thi trao giải Nhì cho tác giả Nguyễn Việt Hà. Ảnh: Đông Hà.
Anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, trưởng BTC kiêm trưởng Ban giám khảo cuộc thi trao giải Nhì cho tác giả Nguyễn Việt Hà. Ảnh: Đông Hà.
TP - Sáng 26/10, tại trụ sở báo Tiền Phong, T.Ư Đoàn tổ chức lễ trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tác Biểu trưng (logo) tuyên truyền Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI. Theo đánh giá của giới chuyên môn, biểu trưng đã thể hiện khát vọng cống hiến, dấn thân của tuổi trẻ Việt Nam trong xu thế hội nhập và phát triển.

Nhiều nét mới, hiện đại

Cuộc thi không có giải Nhất, BTC đã trao giải Nhì cho 2 tác giả: Nguyễn Việt Hà và Nguyễn Thủy Liên. Tác phẩm của tác giả Nguyễn Việt Hà (Giảng viên Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, trường Đại học Kiến trúc TPHCM) được Ban Bí thư T.Ư Đoàn chọn làm biểu trưng chính thức cho Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI nhiệm kỳ 2017 – 2022.

Biểu trưng được xây dựng với hình tượng số La Mã XI cách điệu tượng trưng cho những cánh tay đang đan nhau tạo thành giá đỡ, nền móng vững chắc, nâng đỡ, tôn vinh Huy hiệu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tạo điểm tựa cho tổ chức Đoàn ngày càng phát triển vững mạnh. Biểu trưng được tạo hình dứt khoát, khúc chiết, bố cục lớp lớp nhưng chặt chẽ dẫn dắt đến điểm nhấn chính là Huy hiệu Đoàn trong tư thế vươn cao. Phát triển từ gam màu chính của Huy hiệu Đoàn, biểu trưng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI sử dụng màu gốc tương phản đỏ - xanh lá, đây là những gam màu mạnh. Tổng thể biểu trưng vững vàng tạo nên không khí phấn khởi của đoàn viên, thanh niên cả nước hướng tới đại hội, đồng thời thể hiện quyết tâm, tiếp nối truyền thống, khát vọng cống hiến, dấn thân của tuổi trẻ Việt Nam trong xu thế hội nhập, phát triển; thể hiện rõ tinh thần của đại hội nhiệm kỳ 2017 -2022: “Tiên phong – Gương mẫu – Đoàn kết – Sáng tạo – Phát triển”… 

Chia sẻ thông tin tại lễ trao giải, họa sĩ Ngô Anh Cơ, thành viên Ban giám khảo cuộc thi cho biết, do đây vừa là cuộc thi sáng tác biểu trưng cho Đại hội Đoàn, đồng thời là cuộc sinh hoạt chính trị tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI nên Ban giám khảo trăn trở, mất rất nhiều thời gian để lựa chọn tác phẩm vừa có tính thẩm mỹ vừa đảm bảo yếu tố chính trị. Nhìn chung so với Đại hội Đoàn các kỳ trước, logo Đại hội Đoàn lần này có nhiều nét mới, hiện đại.

Đánh giá về những thành công của cuộc thi, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho biết, xác định tầm quan trọng của cuộc thi, BTC đã có sự chuẩn bị từ rất sớm; tổ chức tuyên truyền qua nhiều kênh khác nhau. Vì thế, cuộc thi thu hút nhiều đối tượng tham gia ở các độ tuổi khác nhau: Họa sĩ, học sinh, sinh viên, đặc biệt họa sĩ chuyên nghiệp tăng đột biến. Điều đó thể hiện, dư luận, các tầng lớp nhân dân dành nhiều sự quan tâm cho Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI nói riêng, tuổi trẻ nói chung.

“Để chọn được biểu trưng chính thức của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, bên cạnh sự làm việc cẩn trọng, trách nhiệm của các thành viên Ban giám khảo, Ban Bí thư T.Ư Đoàn cũng rất cầu thị. Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã công bố các biểu trưng rộng rãi trên báo chí và mạng xã hội để lấy ý kiến. Tổng hợp từ các nguồn đánh giá khác nhau, cuối cùng, Ban Bí thư T.Ư Đoàn quyết định chọn tác phẩm của tác giả Nguyễn Việt Hà làm biểu trưng chính thức của Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI”, anh Nguyễn Ngọc Lương cho biết.

Thể hiện khát vọng cống hiến, dấn thân của người trẻ ảnh 1 Tác giả Nguyễn Việt Hà bên biểu trưng 
đoạt giải của mình. Ảnh: Trường Phong.

Hội nhập nhưng vẫn luôn hướng về nguồn cội

Báo cáo tổng kết cuộc thi, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong, cho biết: Sau 3 tháng phát động, cuộc thi thu hút sự tham gia của 140 tác giả với 205 tác phẩm dự thi. Nhiều tác giả gửi nhiều tác phẩm dự thi, cá biệt có tác giả gửi 9 tác phẩm. Đặc biệt, một số đơn vị đã tổ chức tham gia dự thi rất tích cực, như: Thanh niên Quân đội đã tổ chức nhận bài và sơ loại bước 1, chọn các bài thi có chất lượng để gửi tới BTC. Đây là đơn vị có số lượng bài thi lớn nhất. Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học Cơ sở và Trung học phổ thông huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai tổ chức cho học sinh dự thi và gửi đến BTC 15 bài thi…

“Do xác định đây không chỉ là cuộc thi nhằm chọn được lô gô phù hợp mà còn là đợt sinh hoạt chính trị nhằm tuyên truyền cho Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022, BTC cuộc thi đã tiến hành tuyên truyền dưới nhiều hình thức khác nhau để thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cũng đã mời lãnh đạo khoa đồ hoạ của các trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, Kiến trúc, FPT và một số hoạ sĩ đồ hoạ có uy tín dự cuộc gặp gỡ để trao đổi rõ về yêu cầu và ý tưởng của biểu trưng”, Nhà báo Lê Xuân Sơn nói.

Chia sẻ cảm xúc sau khi nhận giải, tác giả Nguyễn Việt Hà cho biết, biểu trưng được sáng tác rất nhanh chỉ trong vòng khoảng 3 tiếng đồng hồ. Với lợi thế là 15 làm giảng viên đại học, chị hàng ngày tiếp xúc với sinh viên, bạn trẻ nên rất hiểu tinh thần của người trẻ. “Biểu trưng với những màu sắc rất quen thuộc, vừa có sự tương phản, hài hòa, đường nét mạnh mẽ, dứt khoát. Tôi muốn gửi gắm vào biểu trưng tinh thần của người trẻ luôn nhiệt huyết, năng động, mạnh mẽ vươn lên và hội nhập nhưng vẫn luôn hướng về nguồn cội”, tác giả Nguyễn Việt Hà chia sẻ.

Từ 205 tác phẩm, Ban giám khảo cuộc thi đã chọn 6 tác phẩm đề nghị Ban Bí thư T.Ư Đoàn xem xét trao giải. Kết quả, Ban Bí thư T.Ư Đoàn trao giải Nhì cho tác giả Nguyễn Việt Hà và Nguyễn Thủy Liên (tăng thêm 1 giải Nhì so với thể lệ). Trong đó, tác giả Nguyễn Việt Hà được nhận phần thưởng trị giá 20 triệu đồng (tương đương giải Nhất). Giải Ba thuộc về các tác giả: Nguyễn Công Quang, Phạm Tam, Võ Thị Giang Hương, Nguyễn Quốc Toàn (tăng thêm 3 giải Ba so với thể lệ).

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.