Tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI: Cùng nhau làm giàu

Những năm qua Thái Nguyên xuất hiện nhiều ĐVTN vượt khó vươn lên làm giàu thành công. Trong ảnh: Anh Quảng (bên trái) đang trao đổi kinh nghiệm nuôi thỏ với thành viên trong HTX Thanh niên Tân Linh. Ảnh: Hoàng Tú.
Những năm qua Thái Nguyên xuất hiện nhiều ĐVTN vượt khó vươn lên làm giàu thành công. Trong ảnh: Anh Quảng (bên trái) đang trao đổi kinh nghiệm nuôi thỏ với thành viên trong HTX Thanh niên Tân Linh. Ảnh: Hoàng Tú.
TP - Với nhiệt huyết, hoài bão, sự năng động của tuổi trẻ cùng với sự hỗ trợ của các cấp bộ Đoàn, những năm qua, Thái Nguyên xuất hiện nhiều ĐVTN vượt khó vươn lên làm giàu thành công.

Hơn 270 mô hình kinh tế hiệu quả

Anh Nguyễn Văn Quảng (ở xã Tân Linh, Đại Từ, Thái Nguyên) làm giàu thành công với mô hình chăn nuôi thỏ thương phẩm. Đến nay, trang trại gia đình anh có 150 thỏ nái. Mỗi tháng, gia đình Quảng bán được xấp xỉ 300 con cả thỏ giống và thỏ thương phẩm với doanh thu đạt 70 triệu đồng. Trừ chi phí thức ăn và thuốc thú y, mỗi tháng anh lãi được 50 - 55 triệu đồng.

Nhận thấy được những thuận lợi cũng như lợi nhuận từ việc chăn nuôi thỏ, anh Quảng đã vận động một số bạn trẻ ở địa phương có cùng sở thích chăn nuôi thành lập Hợp tác xã (HTX) thanh niên Tân Linh, hình thành vùng nuôi thỏ tập trung. Hiện, HTX thanh niên Tân Linh do anh Quảng làm giám đốc có 20 thành viên, quy mô chăn nuôi trên 8.000 con thỏ, trong đó hơn 1.000 thỏ nái; thu nhập bình quân từ nuôi thỏ của các thành viên đạt 15 triệu đồng/người/tháng, mức thu nhập sẽ tiếp tục tăng theo quy mô đàn. “Trồng cây gì thì cây, nuôi con gì thì con, nếu không phát triển thành vùng tập trung thì chẳng thể nào tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng được. Mình cung cấp thỏ giống cho người nuôi mới nhằm tiếp tục mở rộng quy mô HTX, cùng nhau làm giàu trên quê nhà”, anh Quảng chia sẻ.

Cũng khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, anh Đỗ Xuân Đại (xóm Vai Say, xã Vạn Thọ, Đại Từ) đã gây dựng thành công mô hình trồng rau quả an toàn. Hiện diện tích trồng dưa lê siêu ngọt của anh Đại có hơn 7 mẫu, mỗi năm cho thu hoạch 3 vụ. Với giá bán trung bình 12.000 đồng/kg, anh thu về lãi hàng trăm triệu đồng.

Năm 2015, anh Đại đứng ra vận động bà con, thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau quả an toàn Nông Phúc với 9 thành viên tham gia. Ngoài dưa lê, anh đưa thêm cây ớt chỉ thiên, dưa chuột vào làm cây trồng chủ lực trong tổ. Ngoài các giống cây chủ đạo, Tổ hợp tác còn trồng thêm các loại rau, quả gối vụ như đậu đỗ, củ đậu, rau ăn lá... mang lại thu nhập bình quân cho các hộ trồng rau quả trong Tổ hợp tác từ 10 - 12 triệu đồng/tháng.

Hiện trên địa bàn Thái Nguyên còn nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao do thanh niên làm chủ. Anh Lê Ngọc Linh, Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Nguyên cho biết, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên tham gia phát triển kinh tế, như: tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu, tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu; hỗ trợ nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách, tặng cây giống, vật nuôi... Tỉnh Đoàn còn phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên nông thôn; phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm, hướng dẫn thanh niên vay vốn và phát triển sản xuất, kinh doanh...

“Toàn tỉnh có trên 50 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế do các cơ sở Đoàn thành lập và hơn 270 mô hình kinh tế hiệu quả do thanh niên làm chủ. Hiệu quả hoạt động từ những mô hình, câu lạc bộ này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của nhiều địa phương”, anh Linh nói.

Thắp sáng đường quê

Tuyến đường “Thắp sáng làng quê” tại xã Hòa Bình (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) được đưa vào sử dụng gần 3 năm nay. Theo người dân địa phương, trước kia khi chưa có đèn điện, buổi tối bà con đi lại gặp rất nhiều khó khăn, hay xảy ra tai nạn giao thông, tình hình an ninh trật tự không đảm bảo. “Tỉnh Đoàn Thái Nguyên đã triển khai xây dựng công trình tuyến đường “Thắp sáng làng quê” có chiều dài 5 km với tổng kinh phí trên 150 triệu đồng. Chúng tôi phấn khởi lắm, còn tình nguyện đóng góp ngày công, kinh phí để lắp đặt thêm đèn điện vào các ngõ, ngách trong các xóm. Hệ thống đèn điện chiếu sáng đi vào hoạt động, việc đi lại của người dân đã thuận lợi hơn, tình hình an toàn giao thông, an ninh trật tự được đảm bảo, không còn tình trạng trộm cắp như trước nữa”, bà Hà, một người dân trong xã, nói.

Theo số liệu của Tỉnh Đoàn Thái Nguyên, hiện toàn tỉnh có 320 tuyến đường thắp sáng làng quê với tổng chiều dài hơn 263,7 km, tổng kinh phí xấp xỉ 3 tỷ đồng. Đó là kết quả nỗ lực không ngừng của các cấp bộ Đoàn trong nhiệm kỳ qua. Để các công trình mang lại hiệu quả tốt và bền vững, ĐVTN các xã còn thành lập các đội thanh niên tự quản thường xuyên kiểm tra, duy tu, sửa chữa hệ thống đèn chiếu sáng, đảm bảo duy trì hoạt động liên tục.

Tiến tới Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI: Cùng nhau làm giàu ảnh 1

Nhiệm kỳ qua, tuổi trẻ Thái Nguyên đã xây dựng và đưa vào sử dụng trên 3.500 “Bể gom rác thải nông thôn” trị giá hơn 1,6 tỷ đồng; xây dựng 16 cầu giao thông nông thôn tại các xã khó khăn với kinh phí trên 20 tỷ đồng; xây dựng 8 cầu tạm, cống tràn; xây dựng, tu sửa 43 nhà nhân ái, nhà khăn quàng đỏ cho các gia đình chính sách, các em học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng; xây tặng 3 nhà lớp học tại huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ trị giá trên 3,5 tỷ đồng…

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.