Giới trẻ chi bạo tay nhất

Ngày càng có nhiều xe sang trọng được nhập về Việt Nam (otovietnam.com)
Ngày càng có nhiều xe sang trọng được nhập về Việt Nam (otovietnam.com)
TP - Người trẻ chính là đối tượng tạo ra và định hướng xu thế tiêu dùng tại Việt Nam. Đó là một trong những kết luận mà Euromonitor International (*) vừa đưa ra trong bản điều tra về xu hướng tiêu dùng của người Việt.
Ngày càng có nhiều xe sang trọng được nhập về Việt Nam (otovietnam.com)
Ngày càng có nhiều xe sang trọng được nhập về Việt Nam (otovietnam.com).

Tổ chức này cũng nhận định, do tình hình kinh tế khó khăn, trong ngắn hạn, người Việt sẽ hạn chế chi tiêu, nhưng một số ít những người giàu nhất sẽ tiêu xài bạo tay hơn trước.

Giới trẻ chi bạo tay nhất

Gần 60% dân số Việt Nam dưới 30 tuổi. Trẻ, năng động, có tiền và hào phóng là các đặc điểm tiêu biểu của nhóm này và người ta nói rằng họ không chỉ tạo ra xu hướng tiêu dùng và thị trường của những loại hàng hóa họ muốn, mà còn tác động đến tâm lý, hành vi và nhu cầu tiêu dùng của những người tiêu dùng thuộc nhóm tuổi khác trong xã hội.

Người trẻ có xu hướng đi mua sắm khá thường xuyên, hằng tuần hoặc hai tuần/lần. Giá cả không phải là yếu tố chính để cân nhắc: nếu thích, họ sẽ mua. Với sự độc lập tài chính và khả năng tiếp nhận, truyền bá thông tin nhanh chóng thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng, họ tự tin thiết lập xu hướng tiêu dùng mới.

Họ đặc biệt quan tâm đến thời trang và phụ kiện, mỹ phẩm, công nghệ và thực phẩm chế biến sẵn. Họ cũng có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng thông qua các bài viết của họ trên các diễn đàn mạng, thậm chí làm rộ lên việc tẩy chay các sản phẩm thông qua khiếu nại trực tuyến. Họ là những người tự tin rằng bản thân biết mình muốn gì, và sẵn sàng thể hiện sở thích liên quan đến sản phẩm và dịch vụ.

Người tiêu dùng trẻ thích mua sắm ở các cửa hàng hiện đại, chẳng hạn như các trung tâm mua sắm và siêu thị, hơn là thị trường truyền thống, bởi vì họ không thích mặc cả, mặc dù điều này đồng nghĩa họ sẽ phải trả giá cao hơn.

Việt Nam có dân số trẻ và tỷ lệ sinh của đất nước tương đối cao có nghĩa là phân khúc trẻ sẽ tiếp tục chiếm một phần lớn dân số của đất nước. Việt Nam cũng đang là một “thị trường vàng”, nơi mà phần dân số làm ra tiền lớn gấp 2 lần phần dân số phụ thuộc.

Người Việt Nam trẻ tạo ra phong cách thời trang, và cách dễ nhất để nhận ra xu hướng hiện nay là cứ nhìn vào những người trẻ tuổi, và sau đó điều chỉnh một chút cho nhóm các độ tuổi và thu nhập khác.

Những người trẻ tìm cảm hứng từ các phong cách thời trang của các nước khác, chẳng hạn như Hàn Quốc và Nhật Bản, và kết quả là, thị trường quần áo ở Việt Nam đã nhanh chóng được cải thiện trong những năm gần đây.

Những người trẻ cũng thiết lập và gây ảnh hưởng đến xu hướng trang điểm và mỹ phẩm. Họ muốn thử những cái mới, vì vậy khi truyền hình trong nước chiếu nhiều phim Hàn Quốc, thế hệ trẻ lập tức quan tâm đến kỹ thuật trang điểm Hàn Quốc, tác động ngay đến nhu cầu và việc bán mỹ phẩm. Ngoài các thương hiệu nổi tiếng của Revlon, L’Oréal và Shiseido, thị trường đã đón nhận các sản phẩm mỹ phẩm của Hàn Quốc như OHUI, Missa, Etude...

Người trẻ cũng thích các sản phẩm công nghệ cao. Số lượng sử dụng máy tính xách tay, điện thoại di động, webcam, máy ảnh kỹ thuật số và thiết bị công nghệ bluetooth ngày càng tăng. Vì nhóm này luôn luôn muốn các mẫu và các tiện ích mới nhất, nên sản phẩm được thay đổi thường xuyên, chính vì vậy Việt Nam đã trở thành một thị trường năng động và đầy lợi nhuận đối với hàng hóa công nghệ cao trong những năm gần đây.

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao về số người sử dụng internet trong những năm gần đây. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có 22,8 triệu thuê bao internet tại Việt Nam trong năm 2009, chiếm 26,6% dân số, tăng 112,7% so với năm 2005. Với số lượng người dùng internet, Việt Nam được xếp hạng 7 trong số các nước ở châu Á, theo Internet World Stats.

Việt Nam cũng là một trong những thị trường điện thoại di động đang phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Thị trường hứa hẹn của xe sang trọng

Xe hơi không phải là phương tiện giao thông chính tại Việt Nam. Số lượng ô tô tại nước này rất nhỏ. Tuy nhiên, có một nghịch lý: giá ô tô tại Việt Nam được cho là cao nhất nhì thế giới, dù thực tế rằng Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất.

Porsche Cayenne, xe đa dụng SUV hạng sang, giờ không hiếm trên đường phố Hà Nội (autofun.com)
Porsche Cayenne, xe đa dụng SUV hạng sang, giờ không hiếm trên đường phố Hà Nội (autofun.com).

Điều này chủ yếu bắt nguồn từ sự bảo hộ của chính phủ đối với ngành công nghiệp ô tô non trẻ của đất nước. Tuy nhiên, một số ít người có thu nhập cao sẵn sàng trả cái giá cao ấy, đặc biệt là từ năm 2007, khi thị trường chứng khoán và bất động sản đã giúp thu nhập của một số người Việt tăng lên đáng kể.

Kết quả là, đã có hơn 1,6 triệu xe đăng ký tại Việt Nam, tính đến tháng 6- 2010, tăng 6,3% so với năm trước đó. So với dân số hơn 86 triệu người, số lượng xe thực sự rất nhỏ bé, với tỷ lệ 8 xe /1.000 dân. Tuy nhiên, một nhóm nhỏ dân số có thu nhập cao chỉ muốn lái những chiếc xe sang trọng nhất thế giới.

Kể từ khi chiếc Maybach 62 đầu tiên về Việt Nam vào cuối năm 2006, dường như tất cả những chiếc xe sang trọng và đắt tiền nhất thế giới, như Rolls Royce, Bentley, BMW và Mercedes, trị giá hàng trăm ngàn USD (chưa bao gồm thuế), đã được nhập khẩu vào Việt Nam bằng đường biển và hàng không, cùng với các thương hiệu phổ biến như Toyota, Ford...

Tính đến giữa năm 2008, đã có khoảng 15 chiếc Rolls Royce Phantom, hơn 20 Bentley và 7 BMW X6 (sau khi ra mắt tại Mỹ vào tháng 4- 2008) được nhập về Việt Nam.

Từ năm 2007, khi thị trường chứng khoán và bất động sản Việt Nam trở nên rất “nóng”, đã xuất hiện một nhóm thu nhập cao mới nổi. Họ đầu tư vào những chiếc xe sang trọng, không chỉ đơn thuần như một phương tiện đi lại, mà là một biểu tượng của địa vị. Nhu cầu sở hữu các xe hơi sang trọng của người Việt có thu nhập cao được dự đoán sẽ tăng trong vài năm tới.

Trong năm 2009, để giảm thâm hụt thương mại, Bộ Công Thương yêu cầu Chính phủ tăng thuế nhập khẩu xe hơi từ 83% lên 91%, với hy vọng số lượng xe nhập khẩu sẽ giảm. Tuy nhiên, bất chấp động thái này, số xe ô tô sang trọng nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng và các nhà cung cấp xe nhập khẩu sang trọng đang thu lời lớn.

Người nghèo thắt lưng buộc bụng

Bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu và biến động kinh tế thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với một thời kỳ kinh tế khó khăn. Người tiêu dùng Việt Nam, do vậy, trở nên thận trọng hơn trong mỗi quyết định chi tiêu và thường chỉ tiêu tiền vào những đồ dùng thiết yếu. Một số người chấp nhận đi xa hơn để mua được hàng hóa rẻ hơn.

Theo thống kê trong nước, gần 80% dân số Việt Nam có xu hướng chi tiêu ít hơn, 20% dân số nghèo nhất chỉ chiếm 7,2% tổng lượng tiêu thụ hàng hóa. Trong khi đó, 20% dân số giàu nhất chiếm 43,3% tổng mức tiêu thụ.

Nhóm người này mua các sản phẩm cao cấp, trong khi phần lớn dân số đang cố gắng tiết kiệm hơn. Ước tính cho thấy rằng 20% người tiêu dùng này có thể chi tiêu 80 - 100 triệu đồng chỉ trong một lần mua sắm tại các cửa hàng cao cấp.

Tình hình kinh tế được dự báo sẽ cải thiện trong những năm tới, nhưng giá hàng hóa và dịch vụ sẽ vẫn tăng. Do đó hầu hết người tiêu dùng Việt Nam trở nên dè sẻn hơn, vì tiền lương không tăng kịp tốc độ lạm phát. Người Việt Nam sẽ tiếp tục có xu hướng tiết kiệm trong ngắn hạn.

Tính đến cuối năm 2009, lượng bia tiêu thụ bình quân của người Việt là 28 lít/người/năm. Năm 2009, cả nước tiêu thụ 2,5 tỷ lít bia. Bình quân lượng rượu tiêu thụ là 4 lít/người/năm. Tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GNP) là 5-6%, nhưng tốc độ tăng tiêu thụ rượu bia là 8-10%/năm.

(*): Hãng phân tích và cung cấp thông tin hàng đầu thế giới về thương mại, công nghiệp và tiêu dùng, với đội ngũ 600 nhân viên bản địa tại nhiều nước trên thế giới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG