Giới hạn của Trung Quốc ở Scarborough

Giới hạn của Trung Quốc ở Scarborough
TP - Trong cuộc đối đấu đã bước sang tháng thứ ba giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham), nhìn từ phía Bắc Kinh, nhiều nhà phân tích chỉ ra ít nhất năm yếu tố khiến Trung Quốc phải thận trọng và kiềm chế.

> Đối phó chủ nghĩa đế quốc 'mềm' của Trung Quốc

Người dân Philippines biểu tình đòi Trung Quốc rút tàu, thuyền khỏi bãi cạn Scarborough. Ảnh: AP
Người dân Philippines biểu tình đòi Trung Quốc rút tàu, thuyền khỏi bãi cạn Scarborough. Ảnh: AP.

“Lợi ích đại cục”

Nếu Trung Quốc tiếp tục lấn tới trên thực địa bằng biện pháp cứng rắn hơn, điều này sẽ gây ảnh hưởng đến những lợi ích to lớn khác: duy trì hòa bình, ổn định chung cho khu vực và hình ảnh hòa bình cho Trung Quốc. Đây là lợi ích đại cục Trung Quốc nghiêm túc theo đuổi nhiều năm qua.

Nhiều nhà phân tích thậm chí còn cho rằng Trung Quốc vẫn trung thành với tôn chỉ của ông Đặng Tiểu Bình về đối ngoại, tức chủ trương giấu mình chờ thời để củng cố bên trong khi quốc lực còn tương đối yếu so với các cường quốc khác.

Việc Trung Quốc huy động lực lượng hùng hậu trên thực địa có thể được xem như một phép thử đối với khu vực và thế giới về một chính sách đối ngoại mới của Trung Quốc?

Tuy vậy, trong trường hợp sự va chạm Trung Quốc - Philippines tạo nên sự bất ổn lớn hơn tại khu vực, có lẽ sẽ chẳng có bên nào thắng. Đó là trò chơi hai bên cùng thua, đi ngược lời kêu gọi lâu nay của Bắc Kinh về chủ trương đối ngoại cùng thắng. Nó cũng đe dọa hủy hoại mong muốn của Bắc Kinh về chính sách mục lân, an lân, phú lân, là thân thiện với láng giềng, ổn định với láng giềng và cùng làm giàu với láng giềng.

Hơn ai hết, là cường quốc đang trỗi dậy, Trung Quốc càng cần chứng tỏ với thế giới một hình ảnh hòa bình, thân thiện và hữu nghị.

Niềm tự hào và tình hữu nghị

Nhìn toàn diện, Philippines không thể so sánh với Trung Quốc trên thực địa. Về mặt quân sự, các đội tàu của Philippines cũ kỹ đến mức tuổi thọ trung bình của chúng là trên 36 năm. Tàu khu trục Hamubon đã trên 66 tuổi.

So sánh càng bất lợi khi Trung Quốc quyết định áp dụng hai biện pháp trừng phạt. Biện pháp đầu tiên là đình chỉ việc nhập khẩu chuối từ Philippines. Với việc Trung Quốc nhập 25% sản lượng chuối xuất khẩu của Philippines, chỉ trong một tuần, ngành sản xuất chuối của Philippines bị thiệt hại hơn 33 triệu USD, ảnh hưởng trực tiếp công ăn việc làm của 220.000 người.

Biện pháp thứ hai là hạn chế khách du lịch tới Philippines. Trung Quốc có lượng khách du lịch tới Philippines lớn thứ 4 chỉ sau Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Theo đó, hiện tượng nhiều công ty và khách du lịch Trung Quốc hủy đặt vé đã gây thiệt hại đáng kể cho ngành du lịch Philippines.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn áp đặt lệnh cấm bắt cá tại khu vực này. Nếu căng thẳng leo thang, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ viện tới những công cụ mới để gây sức ép đối với Philippines từ nhiều hướng.

Thế nhưng, như mọi dân tộc trên thế giới, người Philippines có niềm tự hào riêng của họ. Cuộc biểu tình vừa qua tại Manila chắc chắn là để người Philippines biểu thị lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.

Nếu thể hiện một cách phù hợp, tinh thần dân tộc đó sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Manila. Đó là chưa kể, các hành động thiếu kiềm chế giữa hai bên sẽ làm tổn hại tình hữu nghị lâu dài giữa hai dân tộc.

Luật pháp quốc tế

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền dựa trên những bằng chứng lịch sử như bãi cạn Scarborough đã được phát hiện và vẽ trong một tấm bản đồ từ thời nhà Nguyên (1279), mà trong quá khứ được sử dụng bởi các ngư dân Trung Quốc.

Ngoài ra, năm 1992, Trung Quốc tái khẳng định chủ quyền theo những quy định trong Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp của mình; theo đó, tất cả các đảo, bãi đá, bãi cạn trong vùng đường 9 đoạn, với bãi cạn Scarborough nằm trong phạm vi này, đều thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Chỉ sau một tuần bị Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu chuối từ Philippines, ngành sản xuất chuối của Philippines thiệt hại hơn 33 triệu USD. Ảnh: Xinhua
Chỉ sau một tuần bị Trung Quốc đình chỉ nhập khẩu chuối từ Philippines, ngành sản xuất chuối của Philippines thiệt hại hơn 33 triệu USD. Ảnh: Xinhua.

Trong khi đó, do cả Trung Quốc và Philippines đều là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) nên các nhà phân tích cho rằng lập luận chủ quyền của Philippines phù hợp với những viện dẫn địa lý theo các quy định của Công ước.

Trên thực tế, bãi cạn Scarborough cách bờ biển gần nhất của Trung Quốc trên đảo Hải Nam là 550 hải lý; còn từ vịnh Subic của Philippines tới bãi cạn này chỉ có 123 hải lý, tức là bãi cạn này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines.

Như vậy, nếu chiểu theo UNCLOS, Philippines sẽ có lập luận thuyết phục hơn. Chính vì điều này, Manila mới quyết tâm hối thúc Bắc Kinh đưa vụ việc lên Tòa án quốc tế về Luật biển và Trung Quốc đã từ chối lời đề nghị này.

Đồng minh Mỹ

Chính quyền Aquino chắc chắn sẽ tiếp tục theo đuổi những biện pháp ngoại giao. Là đồng minh lâu năm của Mỹ, Philippines có cơ sở khi dựa vào uy tín cũng như ảnh hưởng của Mỹ để tác động tới hành vi của Trung Quốc.

Mặc dù Washington tuyên bố không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp ở biển Đông, Philippines vẫn có thể thúc giục Mỹ trong việc yêu cầu các bên phải tôn trọng UNCLOS nhằm đảm bảo tự do hàng hải.

Nhiều chỉ trích từ nội bộ Phillipines cho rằng Mỹ đã “không làm gì” khi xảy ra vụ va chạm. Tuy vậy, nhiều người bình tĩnh hơn đã có cái nhìn khác.

Trước hết, việc Washington kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng UNCLOS là điểm được lý giải có lợi cho Manila. Trong một tuyên bố bị Trung Quốc phản đối cuối tháng 5, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng “Trung Quốc đã đi quá giới hạn ở biển Đông”.

Đáng chú ý, tuyên bố này được đưa ra trong khi Ngoại trưởng Hillary cùng Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và một số quan chức cấp cao quân đội Mỹ đang thuyết phục Thượng viện Mỹ thông qua UNCLOS.

Bối cảnh rộng lớn hơn cho vai trò của Mỹ đó là chính sách tái cân bằng của Washington đối với khu vực. Để cụ thể hóa chính sách này, trong một động thái mới nhất đầu tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta tuyên bố tại Hội nghị An ninh châu Á Shangri-la rằng, Mỹ sẽ sớm điều chuyển phần lớn lực lượng hải quân sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, so với ưu tiên hiện vẫn dành cho Đại Tây Dương.

Trên thực tế, vào giữa tháng 5, một tàu ngầm hải quân tối tân của Mỹ nổi lên trong vùng biển Philippines, cách địa điểm tranh chấp Scarborough khoảng 200 km. Cả Mỹ và Philippines đều khẳng định đây chỉ là chuyến viếng thăm “thường kỳ” nhưng khó có ai phủ nhận được mối liên hệ biểu tượng của nó vào hoàn cảnh đặc biệt này.

Ngoài ra, Manila cũng kêu gọi các đối tác quan trọng trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và ASEAN ủng hộ.

ASEAN giúp kiềm chế

Trong bài viết mới đây trên trang Diplomat.com, với gần 100 lượt bình luận của độc giả, dưới tiêu đề Trung Quốc đang chia rẽ ASEAN, nhà phân tích Trefor Moss cho rằng Trung Quốc chính là nhân tố hạn chế sự cố kết của ASEAN.

Bằng các công cụ ngoại giao và kinh tế, Trung Quốc đã thuyết phục riêng rẽ một số nước ASEAN không nên dính líu vào câu chuyện biển Đông. Tác giả cũng cho rằng ASEAN không có cách tiếp cận thống nhất với Trung Quốc, mỗi nước đang đi theo một phách.

Thế nhưng, cũng chính tác giả, từng là biên tập viên của tờ Jane’s Defense, khẳng định, với tư cách một hiệp hội, ASEAN sẽ hạn chế đáng kể hành vi của Trung Quốc.

Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ, một trong những giá trị cốt lõi của ASEAN, đã giúp ASEAN thống nhất trong cách tiếp cận với các cường quốc bên ngoài, trong đó có Trung Quốc và Mỹ. Đó là cách tiếp cận cân bằng.

Điều này, theo diễn giải của tác giả, sẽ đoàn kết ASEAN vì không có nước nào muốn thấy tình huống có một cường quốc gây ảnh hưởng vượt trội tại Đông Nam Á.

Đặc biệt, giả thiết trong trường hợp Trung Quốc sử dụng đến sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề, chắc chắn ASEAN sẽ cùng lên tiếng phản đối.

Bắc Kinh đã lên tiếng phủ nhận đang chuẩn bị cho chiến tranh và thái độ được cho là nhã nhặn của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Hội nghị Shangri-la vừa qua được xem như những cử chỉ khôn khéo của Trung Quốc theo hướng đó.

Ai cũng hiểu rằng các mối đe doạ quân sự sẽ càng củng cố ASEAN. Trên thực tế, đối với các nỗ lực xây dựng một cấu trúc an ninh khu vực có lợi cho số đông, cho đến nay Trung Quốc vẫn thừa nhận những giá trị của phương cách ASEAN như chủ nghĩa trung lập, không can thiệp.

Và bởi vậy, ASEAN mới tự tin trong việc đề xuất đóng vai trò trung tâm, chủ đạo trong các tiến trình an ninh hợp tác khu vực như Diễn đàn ARF và Thượng đỉnh Đông Á.

Xét cho cùng, sự kiềm chế sẽ đưa đến những lợi ích lớn hơn. Sau cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cuối tháng 5 tại Campuchia, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho biết cả Trung Quốc và Philippines đã nhất trí sẽ cùng thể hiện một thái độ kiềm chế như vậy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG