Gió trái mùa, tàu thuyền nhiều nơi gặp nạn: Do chủ quan?

Tàu thuyền về trú tránh tại âu thuyền Thọ Quang - Đà Nẵng
Tàu thuyền về trú tránh tại âu thuyền Thọ Quang - Đà Nẵng
TP - Gió lớn trái mùa cùng không khí lạnh đổ bộ đã khiến hàng chục con thuyền, tàu bị chìm hoặc gặp nạn. Nếu tính cả tàu container Phú Tân bị chìm trên Vịnh Bắc bộ do thời tiết xấu trên biển gây ra thì ít nhất đã xác định được 4 người chết và hàng chục người mất tích hoặc còn sống nhưng chưa thể liên lạc được.
Tàu thuyền về trú tránh tại âu thuyền Thọ Quang - Đà Nẵng
Tàu thuyền về trú tránh tại âu thuyền Thọ Quang - Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Huy

Thiệt hại nặng

Theo Trung tâm Phòng chống Lụt bão (PCBL) miền Trung – Tây Nguyên, tính đến chiều ngày 17-12, đã có 7 tàu bị chìm (Đà Nẵng 2, Quảng Ngãi 3, Thừa Thiên Huế 1, Khánh Hòa 2), 9 tàu bị hỏng.

Trưa ngày 17-12, tàu cứu hộ SAR 274 của Danang MRCC đã tiếp cận và lai dắt tàu cá QNa 1064 do ông Lê Ngọc Trực (thôn 2 Tam Giang, Núi Thành) gãy bánh lái, hết nhiên liệu với 5 thuyền viên cách mũi Sa Huỳnh 10 hải lý về cảng Quy Nhơn (Bình Định).

Trước đó, tàu cá QNa 0855 do ông Trương Văn Duyệt (Tam Quang – Núi Thành) trôi dạt cách đảo Cù Lao Chàm khoảng 14 hải lý về hướng Đông Nam đã được tàu cứu hộ SAR 274 lai dắt về cảng Kỳ Hà (Quảng Nam).

Cũng trong đêm 16-12, Đồn biên phòng 264 đóng tại Bình Minh (Thăng Bình – Quảng Nam) đã tổ chức cứu thành công tàu QNa 3788 bị trôi dạt vào bờ biển thôn Hà Bình xã Bình Minh, cứu sống kịp thời 2 thuyền viên là Đặng Ngọc Anh và Nguyễn Thị Hoa (cùng trú TP Hội An). Tuy nhiên, 2 người trên vẫn đang trong tình trạng hôn mê. Đồn biên phòng 276 đã phát hiện và cứu nạn thành công 3 tàu cá và 7 ngư dân bị đắm ở khu vực đảo Cù Lao Chàm.

Khánh Hòa có 3 phương tiện với 13 người bị nạn, đã cứu nạn được 1 tàu với 9 người vào bờ an toàn. Tại Phú Yên, do sóng to, gió lớn hiện lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn chưa thể tiếp cận tàu cá PY 50112 TS do anh Võ Quốc Sỹ làm chủ (trên tàu còn có 2 lao động hành nghề mành tôm) đang bị chết máy, thả trôi trên biển tại tọa độ 12 độ 52’N - 109độ 28’E. Phương tiện này không có hệ thống thông tin liên lạc.

Cũng tại Phú Yên, trưa 16-12, hai cha con ông Nguyễn Lành (1965) và Nguyễn Văn Khoa (1989, Phú Yên) bị sóng to gió lớn đánh chìm thuyền và bị chết, đến nay đã tìm thấy xác. Ngoài ra hiện còn 5 người bị mất tích.

Đà Nẵng có 2 tàu, thuyền đánh cá bị đánh chìm. Tàu ĐNa 41641 của ông Đặng Văn Đành (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) bị đánh chìm trên đường vào chú tránh. Toàn bộ 4 thuyền viên đã được 4 tàu đi cùng cứu vớt an toàn.

Đến nay vẫn chưa tìm thấy ông Nguyễn Dũng Anh (42 tuổi, trú tại phường An Hải Bắc, Sơn Trà), thuyền viên trên ghe máy ĐNa 6958, đang hành nghề lặn tại khu vực bãi Bắc núi Sơn Trà bị sóng lớn đánh chìm.

Tỉnh Quảng Ngãi có 533 tàu thuyền đang hoạt động trên biển tại các khu vực với hơn 5.800 lao động. Trong đó, vùng biển quần đảo Trường Sa có 98 thuyền... Hoàng Sa 30 thuyền, vùng biển các tỉnh phía Nam gần 200 thuyền…

Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ (đóng tại Đà Nẵng) cho hay: Dự báo trong 2 – 3 ngày nữa, nhiều tỉnh thành khu vực Trung Trung Bộ tiếp tục có gió lớn, mưa và rét, các tỉnh Bắc khu vực Trung Trung Bộ rét đậm, biển động mạnh.

Đến sáng 17– 12, tỉnh Quảng Ngãi đã có 9 tàu với 73 lao động gặp nạn. Lực lượng chức năng tiến hành cứu hộ, khắc phục được 8 trường hợp. Riêng trường hợp tàu QNg 22108 TS của ông Trần Thiệt (35 tuổi, quê Nghĩa An, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) trên tàu có 10 lao động bị nạn vẫn chưa thể tiếp cận.

Đến chiều tối 17-12, công tác tìm kiếm cứu nạn các ngư dân bị mất tích do sóng lớn tại vùng biển Chân Mây- Lăng Cô (tỉnh TT- Huế) vẫn tiếp diễn. Sau nhiều nỗ lực, chỉ có một nạn nhân được tìm thấy xác.

Như Tiền Phong ngày 17-12 thông tin, do bị gió lớn đánh trôi dạt trên biển, tàu cá số hiệu TTH-40498 của ngư dân xã Phú Diên (huyện Phú Vang) không thể cập cảng Chân Mây lánh nạn. Tàu bị chìm trong chiều 16-12, làm 4 ngư dân mất tích, chỉ 1 người bơi được vào bờ.

Suốt đêm 16 và ngày 17-12, hơn 100 người dân Phú Diên, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cảnh Dương đã phối hợp tổ chức tìm kiếm các nạn nhân tuy nhiên, hy vọng về cơ hội sống sót của 3 nạn nhân còn lại trở nên rất mong manh.

Bốn ngư dân gặp nạn được xác định là Nguyễn Thanh Câu (55 tuổi), Trần Nô (60 tuổi), Hồ Chạy (45 tuổi) và Trần Trương (53 tuổi). Lực lượng cứu hộ chỉ mới tìm được xác của ngư dân Trần Trương bị sóng đánh dạt vào bờ biển Lăng Cô.

Trong sáng 17-12, đích thân Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy TT- Huế Trần Thanh Bình, Chính ủy BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Nguyễn Văn Lưu đã đến hiện trường tìm kiếm để động viên tinh thần và hỗ trợ tiền cho gia đình các nạn nhân.

Chủ quan

Dù đợt gió mạnh cấp 8, 9 trên biển đã được dự báo từ rất sớm nhưng lại gây thiệt hại nặng nề đối với ngư dân miền Trung. Theo nhiều chuyên gia thời tiết, rất có thể người dân đã chủ quan, không nghĩ đến việc sẽ có những luồng gió bất thường trái mùa trong quãng thời gian này.

Thuyền trưởng tàu QNg 94225 - Võ Công Kính (Phổ Thạnh - Đức Phổ - Quảng Ngãi) bị nạn sáng ngày 16-12 tại vùng biển Đà Nẵng, chỉ cách bờ khoảng 3 hải lý cho hay: “Chúng tôi trở tay không kịp, vả lại trời đang êm dịu, có chút gió rét thôi bỗng bất ngờ thổi mạnh chỉ sau một đêm”.

Ông Nguyễn Thái Lân - Trưởng phòng thông tin Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ (Đà Nẵng) cho rằng cơn gió mạnh trong 2 ngày qua là bất thường và mạnh nhất trong mấy năm qua ở những thời điểm cuối năm. Do đó, dù đài đã chủ trương dự báo sớm và luôn chủ động fax cho Trung tâm PCLB các tỉnh, tuy nhiên ngư dân đã không thể lường hết được.

Theo ông Lân, gió mạnh không mưa cũng là nguyên nhân khiến nhiều người chủ quan. “Bình thường gió mạnh thường kèm trời mưa to, năm 2008 và 2009 cũng vậy, nhưng năm nay hanh khô không mưa nên có thể ngư dân với kinh nghiệm riêng đã không lường được“ - ông Lân nói.

Theo Đại tá Bùi Phụ Phú - Phó Chủ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Ngãi, lực lượng BP đã thông báo trước cho ngư dân 2 - 3 ngày trước về tình hình gió bất thường trên biển Đông và kiên quyết không ký lệnh ra khơi cho bất kỳ tàu nào. Tuy nhiên, một số tàu trở về và phần nhiều tàu ở bãi ngang bị lốc đánh trôi dạt. “Đây là trận lốc rất bất thường, không kèm theo mưa và đã lâu lắm rồi mới xảy ra” - Đại tá Phú nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG