Chiều đang buông. Những tàn nắng chấp chới phía sau những lùm tre lớn sát mép sông khiến ta ngập chìm trong cái cảm giác êm ả của đồng bằng. Tôi tựa lưng nơi gốc cây xoài già ngửa cổ ngắm mây trời bảng lảng mà lòng chợt rộn lên bao ký ức. Có một con bò từ trong bụi cây phía dưới bãi sông thủng thỉnh bước ra, chợt rống lên, khiến cả đàn sau nó bất ngờ ào xuống tràn ngập mép nước. Không một bóng người. Bến nước tĩnh lặng phảng phất mang mang buồn xưa cũ. Tôi dang tay xoải mình, ngập chìm trong cỏ, ngập chìm trong khoái cảm của kẻ xa quê lâu ngày về lại, tận hưởng không khí trong lành, mắt lim dim hướng theo một vạt mây trắng đủng đỉnh trôi. Vệt mây đặc như sữa sà thấp lượn lờ theo dòng nước.
Tôi bỗng giật mình nhận thấy trong thoáng chốc vạt mây tưởng như vật vờ ấy bỗng lượn tròn nhuốm đỏ xòa xuống mặt sông, ồn ào tỏa lan rồi lại ngập ngừng tụ lại xốp mịn. Gió rung cây rào rào rồi gió lặng. Mặt nước xanh chợt hồng lên rồi lại dịu dàng trở về xanh. Xanh đến lịm người. Nơi đây là điểm gặp gỡ của hai dòng sông lớn, tạo nên vẻ trầm tĩnh hiền hòa, tựa như chỉ để làm dịu đi cái nóng nực bất thường của đất trời cao nguyên. Một chiếc thuyền độc mộc dài ngoẵng bỗng xuất hiện từ phía bên kia hõm núi. Một chiếc nữa hiện ra, lao thẳng tới giữa dòng thì đột ngột xoay ngang chờ bạn. Rồi trong thoáng chốc hai chiếc nhập vào nhau buông thả. Tôi chưa bao giờ được chứng kiến một cảnh chiều buông thơ mộng và trữ tình đến vậy.
Và giờ đây tôi đã nhận ra trên mỗi chiếc thuyền kia chỉ có một người. Chiếc dài hơn lớn hơn là của chàng trai. Chiếc nhỏ hơn xinh xắn hơn là của cô gái. Tôi thầm ghen với họ. Họ đang là bạn hay họ đã là vợ chồng? Tôi ngơ ngẩn dõi theo bóng họ. Thuyền em nép vào thuyền anh, có lúc tưởng như nhập vào thành một, có lúc chợt trẽ ra đuổi bắt nhau rồi lại ríu rít quay tròn, quấn quýt xuôi theo luồng nước, biến mất vào trong một khe núi. Tôi sững sờ chờ đợi, nhận ra họ vừa xuất hiện lại, lại vừa biến đi, cảm thấy lòng thênh thênh thơ mộng.
Đúng là bến Mộng bãi Mơ. Trước đây tôi hơi khó chịu vì trên dải đất cao nguyên trù phú và hoành tráng này, sao người ta lại đặt cho bến nước cái tên “cải lương” đến vậy! Và tôi chạnh buồn, chạnh trách ai đó chẳng hiểu vì sao không đặt được cho vùng sông nước này có cái tên phù hợp với bà con các dân tộc Tây Nguyên. Tôi lững thững đi trên bãi cỏ, chợt nhớ câu “cỏ sắc và ấm quá phải không em” của nhà thơ Thanh Thảo, một câu thơ tưởng như vô tình mà giờ đây dường như chỉ làm cho riêng tôi với cỏ bãi sông này. Với cả những con người tạo nên vẻ đẹp hồn nhiên xứ núi xa xôi mà gần gũi đến nao lòng. Nó gợi lên niềm khao khát vừa da diết lại vừa rưng rưng ấm áp, khiến tâm hồn ta chợt trở nên phóng túng lạ thường…
Thế là tôi đã về đây với Y A Yun và Y A Pa - tên hai dòng sông. Nơi khắc dấu lòng tôi những đêm rừng đại ngàn phía đầu nguồn cùng đồng đội, cùng bà con bám trụ. Mới đấy mà đã hơn hai chục năm rồi! Thuở xa xưa hai bên dòng sông là những cánh rừng hoang dã sình lầy với bao truyền thuyết về những cuộc chiến tranh bộ tộc. Những đoàn người sống du canh du cư trên những triền núi ven những khe nước. Tôi hình dung thấy những cuộc đi săn tập thể. Tiếng hú vang rừng. Những chàng trai Jrai cưỡi ngựa thuần thục phóng rạp mình trên cỏ. Và gió. Gió hú trên những nóc nhà tàn tro bay bụi xám mặt người.
Và tôi nghe rõ tiếng dây ná bật, tiếng những mũi tên xé gió cắm chụm vào đầu một hình nộm nơi cuối bãi trong những ngày hội lễ của buôn làng. Tôi nhận ra trên đỉnh núi cao Chư Mố tiếng trống hội quân và những đoàn tráng sĩ lực lưỡng với tấm lưng trần cuồn cuộn bắp, hò reo theo lệnh của viên tù trưởng. Rồi tiếng cồng chiêng âm vang, tiếng tù và sừng trâu hú lên tiếng hú thời hoang sử. Tiếng chó sủa. Tiếng ngựa hí. Tiếng người hét. Tiếng cây đổ. Tiếng heo éc. Tiếng bò rừng rống. Những con thú quăng mình vào vách đá, thân cây. Ban đêm đuốc sáng rực trời và bóng những đoàn người hối hả chặt cây bắc dàn săn trong khu rừng sình lầy bẫy thú. Những chàng trai uốn mình phóng lao.
Những con bò tót hung hãn trúng lao cắm cổ phóng xuống vực. Tôi nhận ra đám người vây quanh đống lửa vít cong cần rượu, cũng với những bài dân ca trầm đục đợm buồn, những lời ca chứa chất niềm tâm sự của những người nô lệ. Và kia nữa, những đàn voi hiền lành tung vòi đùa nghịch với những chú khỉ ranh mãnh làm trò mua vui cho bọn chủ làng. Đâu đó có tiếng khiên va chạm, tiếng gươm dáo khua vùn vụt của trai làng luyện võ. Mùi thịt rừng nướng khét thơm, tiếng mỡ rỏ xuống lửa xèo xèo. Tiếng hát sáng dần về sáng sau khi tai nghe được lời từ miệng cán bộ Việt Minh nói, việc từ tay cán bộ Việt Minh làm.
Thế là dọc theo hai bên triền sông rừng già chộn rộn, tiếng mài rựa, mài lao, mài mác thâu đêm. Thâu đêm tiếng hát tiếng cười, tiếng hú. Thâu đêm cần rượu uốn cong. Thâu đêm buôn làng rậm rịch lo chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa cướp chính quyền. Rồi ngày ấy đến. Đến như trong mơ. Rừng thiêng, sông núi thiêng rợp cờ đỏ sao vàng. Đất nước này của ông bà trao cho ta làm chủ. Không còn phải sống cúi đầu. Không còn phải làm nô lệ. Cứ ngỡ ngày vui sẽ kéo dài, ngờ đâu giặc lại tràn tới. Rừng núi lại tối đen. Tối đen con sông, tối đen dòng suối, tối đen mặt người. Buôn làng ơi, lại phải vùng lên lần nữa. Lần nữa lùa heo gà trâu bò vào sâu trên rừng, lên cao trên núi, theo cách mạng đánh địch. Năm năm. Mười năm...
***
Y A Yun - Y A Pa, hai dòng sông thơ mộng và hùng tráng được lịch sử chọn làm nơi chứng kiến cuộc tháo lui tới nút tận cùng của sự thất bại nhục nhã của quân đội Sài Gòn. Tháng ba ở Tây Nguyên năm 1975, hai dòng sông tụ về một điểm, được gọi là thị trấn A Yun Pa, thủ đô của hoa trái cao nguyên, cái nôi của văn hoá Jrai với những bản trường ca bất tận dài theo con nước, với những dàn cồng chiêng đêm lễ hội, những làn điệu dân ca mềm như ngọn lửa giờ đây đã khởi sắc tươi màu sau hai chục năm thanh bình.
Mẹ Lúa về kho không chỉ còn là Mẹ Lúa Nương, mà có cả Mẹ Lúa Nước cùng về kho về bản. Điện tuôn sáng khắp thị trấn, tiếng máy xay xát, tiếng máy cày, máy dệt tạo nên âm sắc mới, nhịp sống mới. Và gió. Gió A Yun Pa dường như cũng dịu dàng hơn, hòa tan ánh điện, ánh trăng, dập dìu đưa tiếng học bài con trẻ, dập dìu đưa tiếng hát thanh niên, và đâu đó ta nghe được lời hát của người già, lời hát trầm và ấm và tha thiết quá. Lời hát nhắc ta đừng quên quá khứ, đừng quên những tháng năm nước sông đục ngầu vì bóng giặc…
***
Đi tới bất kỳ buôn làng nào vào mùa lễ hội ở AYunPa ta đều gặp những điệu xoang (tức là điệu múa) lúc mềm như lửa, khi trào dâng cũng trào dâng dũng mãnh như lửa gặp gió. Đó là biểu tượng đặc trưng tính cách của con người sống ở nơi đây, những cư dân phóng túng và nồng hậu, những bộ tộc thượng võ hiếu học, chuyên cần rẫy nương, chuyên cần sáng tạo, đã sản sinh ra hàng trăm bản anh hùng ca bất hủ kể về sự tích các dũng sĩ của bộ tộc mình, của dân tộc mình, đánh tan giặc giã, giữ yên buôn làng.
Trong mọi sinh hoạt của mình ở chốn thị thành, không lúc nào tôi nguôi nhớ về những đỉnh núi Kon Ka King, Kon Từng, Kon ChơRo, Kon Thục, Kon Đào. Rồi Chư PRông, Chư Thoi, Chư Á, Chư Păh, Chư Sê cho đến Chư Mố bên những dòng sông chảy suốt ngàn năm tạo nên ngọn nguồn văn hóa, ngọn nguồn lịch sử: Đắk KRông Ia Pa (sông Ba, sông Đà Rằng), Đắk La Pa, Đắk Ia Yun… AYunPa xa xa với rừng núi điệp trùng, với xứ sở của những đồng cỏ sình lầy ngút tầm mắt. Miền quê của hàng trăm loài muông thú quý hiếm.
Đất nước của những bản nhạc cồng chiêng, của hàng trăm nhạc cụ đặc sắc và chính nơi đây đã nuôi dưỡng những người con yêu dấu của mình ra đi làm cách mạng từ thuở còn đầu xanh tuổi trẻ, từ thuở cách mạng còn trong bóng tối muôn ngàn khó khăn, muôn ngàn trắc trở. Chàng trai Nay Đer của miền quê Cheo Reo, một cái nôi của văn hóa dân tộc Jrai, người trí thức trẻ được thực dân Pháp đào tạo đã sớm đi theo tiếng gọi thiêng liêng của cách mạng và trở thành người thầy giáo đầu tiên, nhà trí thức đầu tiên.
Cụ Nay Đer như bóng cây Kơ Niar, như TRỐNG CÁI trong dàn nhạc cồng chiêng, như con sông lớn Kroong Ia Pa, như đỉnh núi Chư Prông, như nóc nhọn nhà rông. Từ cụ đã tạo nên một sức hút cực kỳ lớn lao và phong phú đối với cộng đồng. Cũng chính từ nơi cụ đã tạo ra một lớp các nhà trí thức đàn em, đàn con cháu lần lượt được thức tỉnh và ra đi làm cách mạng với những tên tuổi lớn của vùng thung lũng huyền thoại này: Nay Phin, Ksor kơ Rơn, Ksor Ní….
Ý thức sớm được vai trò của các nhà trí thức trẻ tuổi, và ảnh hưởng của các nhà trí thức đến đời sống cộng đồng là vô cùng to lớn, sự nghiệp trồng người, vun trồng cho mai sau chính là công trình vun trồng cho các nhà trí thức có thực tài nắm lấy vận mệnh tương lai của xứ sở mình.
Xứ sở của mình! Đất nước này của mình! Các nhà trí thức của mình đã làm nên bao điều kỳ diệu khiến ta tự hào, khiến ta trọn đời buồn vui nhớ thương và hạnh phúc. Về AYunPa, ta sẽ được chính các già làng vít cần mời rượu, được dự đêm hội làng, thưởng thức tiếng chinh chiêng rộn rã, những điệu múa mềm như ngọn lửa và bạn thấy được sự thăng hoa xuất thần của tâm hồn những người già trước cảnh sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Cái không khí vừa linh thiêng vừa hồn nhiên dân dã ấy được truyền lan từ các làn điệu dân ca, các điệu dân vũ, điệu hát dân gian theo nhịp cồng chiêng thấm vào lòng người
Gió AYunPa và tôi. Tôi nhớ AYunPa, nhớ tuổi trẻ của mình…
Hãy để cho rừng núi tự xanh, cây cối tự đâm chồi nẩy lộc, các dòng sông cần mẫn chuyên chở phù sa từ đầu nguồn về đắp bồi cho cộng đồng các dân tộc được bình an với nhiều những bến mộng, nhiều những bản trường ca sử thi được nối dài theo năm tháng…