Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại:

Trường Sơn kí sự

Trường Sơn kí sự
TP - Đã có hàng triệu lượt khách đến tham quan đệ nhất kì quan Phong Nha, để rồi khi rời cứ bần thần, ngơ ngẩn trước vẻ kỳ bí vừa thực, vừa mơ, vừa đời, vừa đạo, vừa u, vừa minh...

Nhưng mấy ai biết, tại bến thuyền đón khách hôm nay, hơn 40 năm trước, nó được gọi là “tọa độ chết” với huyết danh Bến phà Xuân Sơn.

Vị trí này của bến phà nằm ngay ở ngã ba đường 15A và đường 20 Quyết Thắng. Nó nối hai bờ sông Son thuộc địa phận xã Sơn Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình). Ngay từ khi tuyến đường 20 thông tuyến, bến phà Xuân Sơn trở nên đặc biệt quan trọng, là nơi vận chuyển phương tiện, vũ khí, hàng hóa qua đường 20 vượt khẩu sang tỉnh Khăm Muộn (Lào).

Chính ở vị trí trọng yếu đó nên bến phà Xuân Sơn phải gánh chịu tất cả những gì tàn khốc nhất mà không lực Mỹ áp dụng tại miền Bắc thời kỳ đó. Từ bom tạ, bom tấn, bom từ trường đến rốc-két, thủy lôi. B52 rải thảm dày đặc hết lớp này đến lớp khác trên một diện tích cỏn con chưa đầy một km2.

Trước nhiệm vụ tối thượng thông tuyến, một bến phà B ra đời, cách bến phà Xuân Sơn 4 km về phía thượng nguồn và chỉ cách cửa động Phong Nha bây giờ 800 m. Bến phà B còn một tên gọi khác là bến phà Nguyễn Văn Trỗi. Động Phong Nha ngày đó, gác lại vẻ đẹp kiều diễm, kiêu sa của mình để giản dị trở thành hầm trú ẩn, nơi cất giấu ca nô, đạn dược, thuốc men, lương thực cho bộ đội Trường Sơn và TNXP toàn tuyến...

Truy điệu sống

Ngày đó có một người, cho đến bây giờ, đồng đội cũ khi nhắc đến bến phà Xuân Sơn, đều nhớ đến. Ông là đại tá Võ Thế Chơn-con cá kình của dòng Son một thuở, sinh năm Giáp Thân (1944). Người ta bảo ông cao số. Nghiệm lại cũng phải. Ở bến phà Xuân Sơn những 2.000 ngày mà vẫn còn sống nhăn trở về thì chẳng phải cao số là gì. Đơn vị của ông 140 người. Chiến tranh kết thúc còn lại chỉ 68 người.

Ông bảo, ngày đó ông khỏe lắm. Trai làng biển Lý Hòa mà. Một mình ông gánh bốn bao xi măng cứ chạy phăng phăng. Đầu năm 1965, lên bến phà được ba ngày, chỉ huy biết mình là trai làng biển nên cho xuống ca nô kéo phà ngay. Vinh dự thật đấy, nhưng cái chết cũng cận kề gang tấc. Bom đạn cứ rền vang trên bến phà như không có giờ ngơi nghỉ. Những đoàn quân từ đây vẫn cứ rầm rập chảy vào Nam. Một khúc sông chỉ vài cây số với một cầu phao nhỏ. Ông Chơn nhớ mãi một ngày, một ngày vô cùng hiếm hoi không dễ có trong đời người.

Đó là đầu tháng 5/1968, địch choáng váng sau cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, chúng trở nên liều lĩnh gia tăng các cuộc không kích nhằm chặt đứt đường chi viện, tiếp tế cho miền Nam. Bến phà Xuân Sơn lãnh trọn sự điên cuồng ấy. Hàng trăm quả ngư lôi thả kín mặt sông. Hàng trăm chuyến xe chở quân, lương thực, đạn dược chi viện cho miền Nam bị các quả ngư lôi kia kiềm giữ kẹt cứng ở bờ Bắc. Nhiều phương án phá ngư lôi được đề xuất như đánh ngư lôi bằng chất nổ, hay dùng thuyền kéo thùng phuy kích hoạt ngư lôi. Ông Chơn đưa ra phương án dây ca nô 90 mã lực (ca nô kéo phá) để đánh ngư lôi. Mấy ngày trước, đồng đội của ông là Lê Đình Chạy, dùng thuyền phá ngư lôi. Ngư lôi nổ ngay dưới đáy thuyền và anh Chạy hy sinh.

Bài học đó còn tươi nguyên. Chi bộ họp mấy phiên để đi đến quyết định nên hay không nên dùng phương án của ông. Nhưng ai là người thực hiện phương án này? Ông Chơn làm đơn xin nhận nhiệm vụ. Ngày 7/5/1968, chi bộ thông qua đơn tình nguyện của ông. Tám giờ sáng 8/5/1968, tất cả đơn vị của ông và những chiến sĩ đang kẹt lại bờ Bắc cùng những TNXP trong khu vực tập trung tại nhà chỉ huy để dự một cái lễ, cái lễ bất đắc dĩ, lễ truy điệu sống ông...

Giọng ông Chơn trầm xuống: Trước mặt tôi là một bàn thờ dã chiến. Ở trên, ban chỉ huy chuẩn bị đủ gồm một nải chuối xanh, một phong lương khô, một gói thuốc Tam Đảo và ba thẻ nhang. Hương trầm cắm vào một đoạn thân chuối rừng thay lư hương. Tôi đứng giữa bàn thờ nhìn xuống và bí thư chi bộ đọc quyết định... Đâu đó có tiếng nấc nghẹn, khóc thành tiếng.

Từ khi làm lễ truy điệu xong chờ đến giờ G sao mà dài đến thế. Đại đội trưởng Dương Văn Hòe khoác vai tôi cùng xuống bến để lên ca nô. Trên đoạn đường ngắn ngủi ấy, anh Hòe nghèn nghẹn: “Đồng chí đi đợt ni có điều chi nhắn lại với vợ không?”. “Nếu đợt ni còn sống, thủ trưởng cho em về thăm vợ mấy ngày”.

Lên ca nô, áo phao cứu sinh sau lưng. Nổ máy. Thử ga và bắt đầu.

Những tiếng ngư lôi nối tiếp nổ sau đuôi ca nô inh tai nhức óc. Tôi cho ca nô chồm lên xuyên qua cột nước trước mặt, mở rộng vòng kích hoạt. Có những lúc tôi cảm thấy chiếc ca nô bị tung bổng trên không, vật vờ chao đảo. Có đến cả ngàn người trên bờ nín thở lặng im theo từng vòng lượn.

Từ chỗ căng thẳng thần kinh đến đỉnh điểm, giờ chùng xuống rã rời. Tôi lên được bờ nhờ vào những cánh tay dìu của đồng đội...

Câu chuyện truy điệu sống vẫn không chết của ông kết thúc vừa vặn khi những du khách cuối cùng rời bến thuyền Phong Nha-Bến phà Xuân Sơn hào hùng một thuở.

----------------------

 (Còn tiếp)

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.