Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại:

Trường Sơn kí sự

Trường Sơn kí sự
TP - Khác với tất cả những con đường khác được đặt tên mặc định bằng những con số, đường 20 không thế, nó được Bộ GT-VT và Bộ Tư lệnh 559 thống nhất đặt tên là "Con đường Tuổi Hai Mươi", tuổi của những TNXP khi có mặt ở đây để mở thêm một tuyến chọc thủng Trường Sơn sang nước bạn Lào, chi viện hiệu quả cho toàn mặt trận.

Bài 9: Trẻ mãi một con đường

Hơn 40 năm rồi vẫn trẻ mãi một tên đường. Tuyến đường này còn có một cái tên khác nữa, đường Quyết Thắng. Bắt đầu khởi công mở tuyến ngày 21/1/1966, liên tục vừa bổ sung thiết kế, xây dựng phương án vừa thi công với biết bao khó khăn gian khổ, hy sinh chồng chất, chỉ sáu tháng, 82 km đường chọc thủng Trường Sơn đã hoàn thành.

Đường 20 ngày đó được mệnh danh là "tọa độ lửa", "cánh cửa thép", "cửa tử vượt Trường Sơn" với dày đặc những địa danh đi vào lịch sử hào hùng của cuộc chiến, như: hang Tám Cô, ngầm Ta Lê, cua chữ A, đèo Phu-la-nhích... 8.000 chiến sỹ, TNXP ngày đêm xẻ núi mở đường làm nên con đường huyền thoại này và cứ mỗi kilômét đường có 15 người dâng trọn tuổi xuân của mình, mãi mãi nằm lại với con đường tuổi 20...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi trực tiếp vào thăm và kiểm tra trận địa trên con đường này năm 1970 đã đánh giá: Đường 20-Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sỹ và TNXP làm nên...

Có cái chết hóa thành bất tử

Chúng tôi dừng lại trước đền thờ Hang Tám Cô. Lý trình của tuyến thì đây là km 16+500. Mấy năm lại đây, du khách khi đến tham quan động Phong Nha đều tìm về chốn linh thiêng này.

Rời Hang Tám Cô, vật vã gần một giờ đồng hồ chúng tôi chỉ dịch chuyển được chừng mươi cây số. Phía bên tay phải có một chiếc am nhỏ, ai đó vừa mới thắp hương. Mùi hương trầm thơm nhức giữa núi rừng tịnh vắng. Những người thường đi lại gọi địa danh mà chúng tôi đang dừng lại đây là "dốc cô Y tá".

Chuyện rằng, vào năm 1972, cô y tá Nguyễn Thị Sặng quê ở Thanh Hóa nhận lệnh đưa thương binh trên tuyến về bến phà Xuân Sơn để ra Bắc điều trị. Cứ vài ngày lại có một chuyến xe trở về xuôi để chở lương thực, đạn dược tiếp tế. Thương binh được gửi theo những chuyến xe này. Y tá Sặng đi theo xe để chăm sóc thương binh và bàn giao danh sách cho nơi tiếp nhận mới. Bao chuyến rồi như thế, khi bàn giao xong thương binh, một mình chị lại đi bộ ngược lên đơn vị cách bến phà Xuân Sơn mấy chục cây số.

Lần đó, khi đi bộ ngược lên đến địa điểm này thì bất ngờ cơn sốt rét rừng ập đến. Trời đã chạng vạng tối. Biết không thể gắng sức lên được đơn vị, chị Sặng quyết định mắc võng nằm lại bên đường chờ sáng mai cắt cơn sốt lại đi tiếp. Thế nhưng, cơn sốt rét quái ác đó khiến chị mãi mãi nằm lại nơi này. Đến sáng hôm sau, người A Rem ở quanh đây phát hiện chị lạnh cứng trong võng bèn mai táng chị giản đơn theo phong tục của người A Rem ngay dưới cánh võng.

Suối rụng tóc

..." Trong màn mưa rừng rả rích dai dẳng, dãy lán của nữ TNXP dọc đường 20 bỗng có tiếng khóc. Lúc đầu chỉ một tiếng khóc thôi, nhưng sau đó nhiều tiếng khóc cất lên và cả trăm nữ TNXP quanh các lán khác đều khóc tức tưởi. Hết cười lại khóc. Cả một rừng khóc, cả một rừng cười, đó là điều không hiếm gặp của nữ TNXP thời đó trên tuyến đường 20 này...".

Trong cơn mưa rừng bất chợt, ông Mai Xuân Phúc, cựu TNXP kể với chúng tôi như vậy. Nữ TNXP có mặt trên các tuyến đường trọng yếu, có cô mới hơn 16 tuổi. Chiều xuống, sương giăng trắng núi, chạnh buồn nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ người thân. Bom nổ, đồng đội, bạn thân của họ hy sinh, cùng với cuộc sống thiếu thốn với bao loại bệnh tật. Sức ép tâm lý, sinh lí ấy căng thẳng đến mức bộc phát những biểu hiện khóc, cười trên như sự tự giải thoát...

Ông Phúc bảo hiện tượng ấy một tháng chỉ diễn ra đôi lần, rồi sau đó khi chị em đã dạn dày trận mạc thì không còn nữa. Cái cực hình của chị em ngày đó phải kể đến bệnh nấm ngoài da, rụng tóc và chấy. Càng đi sâu vào tuyến, càng lên cao, khí hậu càng khắc nghiệt và nguồn nước cực độc. Có những con suối nước đỏ như gạch cua. Lại có khe nước nhờ nhờ như vo gạo. Khi mới vào chiến trường tóc của chị em còn mướt xanh, óng ả, có em tóc dài như suối chấm đến gót chân. Chỉ vài tháng sau, tắm gội nước suối độc, tóc bỗng dưng rụng từng mảng. Có người trọc đầu. Những đám tóc còn bám lại được thì cứng như rễ tre và đỏ như râu ngô. Thêm vào đó là chấy hoành hành. Lược bí không có. Giúp nhau bắt chấy không xuể. Chấy cắn trên đỉnh đầu ngứa phát điên. Hùa cùng với nó là bệnh nấm ngoài da.

...Và bây giờ chúng tôi đã đến được các địa danh khốc liệt một thời đó trên đường 20, đường 10 và đường 16. Lúc này đây, chúng tôi đang dừng chân bên một con suối cạn, nước đỏ quạch màu máu. Chợt nhớ đến một địa danh mà có bạn vong niên, dạn dày chiến trận thường hay nhắc đến: Suối rụng tóc.

Ông Phan Viết Dũng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, mới nghỉ hưu, nhà ở cạnh Hồ Thành giữa thành phố Đồng Hới. Ông kể: Chiều đến, chị em TNXP ra con suối cạn trước mặt để tắm giặt gội đầu. Con suối đỏ quạch đầy lá rụng.

Nhiều chị em gội đầu xong ngồi trên tảng đá bên bờ suối và khóc như trẻ nhỏ. Những mảng tóc dài rụng kín chật kẽ ngón tay. Cánh tài xế và lính bộ binh ngang qua chứng kiến cảnh đó chỉ biết ôm súng ngồi quay mặt đi như thấy mình có lỗi.

Rồi sau đó, cánh tài xế không ai bảo ai, cứ mỗi lần từ hậu phương chở hàng vào tuyến, trên mỗi chiếc xe có thêm những thứ hàng ngoài quy định như lược dày chải chấy, bồ kết, lá sả, hương nhu, hoa bưởi. Sang hơn một chút có tí dầu dừa. Có lẽ đó là món quà có ý nghĩa nhất với chị em TNXP ngày đó...

Chợt nhớ khi chúng tôi vào dâng hương ở Hang Tám Cô, trên bàn thờ chính thấy có gương, lược, cặp tóc, và rất nhiều bồ kết.

(Còn tiếp)

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.