Gom nước nửa đêm
Đêm xuống, tiếng gió cồn cào thổi qua khe núi Thới Lới, tràn vào cánh đồng từ xóm Đồng Hộ lên tới cánh đồng nằm giữa đảo. Khu vực này được bà con nông dân đánh dấu là điểm đỏ trong canh tác nông nghiệp, bởi cánh đồng nằm hơi cao so với khu vực ở cuối đảo. Địa chất nền của đảo Lý Sơn là nham thạch núi lửa, cát, đất xốp, vì vậy chỉ có vùng nằm gần hồ nước Thới Lới, lượng nước ngọt dồi dào, còn khu vực đầu đảo, nông dân phải biến giếng nước thành hồ chứa.
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lý Sơn thống kê, cả đảo có 2.156 giếng nước phục vụ tưới tiêu cho 330 ha đất nông nghiệp. Ước tỉnh tổng trữ lượng khai thác nước ngọt thực tế ở đảo là 21.779 m3/ngày, cao hơn rất nhiều so với trữ lượng khai thác dự báo.
Anh nông dân Bùi Bằng ngồi trên chiếc xe gắn máy lượn như con thoi giữa cánh đồng khu phía Tây của đảo, nơi các ô trồng hành, tỏi giống như hàng ngàn hộp diêm. Anh Bằng phải chạy xe xuyên đêm để lo cho 4 sào hành, tỏi. “Riêng tôi có tới 5 cái giếng, giếng đầu dưới chạy được 9 phút là cạn nước, giếng khu giữa chạy được 9 phút, còn giếng khu giữa chạy chừng 15 phút. Cả ba giếng này sẽ bơm dồn nước vào 2 giếng nằm gần ruộng để có nước tưới”, anh Bằng cho biết.
Nhìn xuống một chiếc giếng mà anh Bằng sở hữu, tôi hoa cả mắt vì hệ thống ống nước chằng chịt, không biết đâu là ống nước tưới, đâu là ống dẫn sang giếng khu giữa, đâu là ống dồn nước cho khu bên trái. Anh Bằng cho biết, ở gần Đồn Biên phòng có một giếng có tới gần 70 ống và 70 chiếc máy bơm! Bà con nông dân Lý Sơn nói vui là “giếng trời cho”, vì mực nước chỉ khoảng nửa mét, nhưng hút mãi vẫn không bao giờ cạn.
Lão nông Võ Hiển Vinh đang chờ bơm chạy vài phút rồi lại đi giếng khác bật cầu dao Ảnh: Văn Chương |
Tùy việc tưới tiêu trong ngày, nhưng phần lớn nông dân Lý Sơn thường bơm nước từ 3-4 giếng dồn về một giếng, gọi là giếng chứa. Từ giếng chứa sẽ bơm ra cánh đồng. Giếng chứa thường bơm được hơn 1 giờ, còn các giếng khác bơm chỉ từ vài phút đến 15 phút.
Giếng chớp mắt
Lang thang trên đảo, tôi chứng kiến 101 cách trữ nước. Có nông dân hút nước dồn về kho nước làm bằng khung sắt và trải bạt ny lon. Người ta làm dạng kho nước vì thiếu giếng trữ nước, kho nước thường được đặt nhờ trên đất của hàng xóm.
Lão nông Võ Hiển Vinh dẫn tôi ra cánh đồng chỉ vào mỗi giếng nằm cách nhau vài trăm mét, rồi mô tả “giếng bên trái dồn nước cho giếng bên phải, giếng bên phải dồn nước cho giếng giữa, từ giếng này sẽ trữ nước và tưới cho đám ruộng hành, tỏi đang cần nước, giếng này chạy chỉ 5 phút, sau đó chờ thêm 50 phút thì mới có nước để chạy tiếp 5 phút nữa”. Gia đình ông Vinh có 4 cái giếng, phải có một người nhớ tường tận là cái giếng này mấy giờ sẽ có nước và nếu chạy máy bơm thì bao nhiêu phút giếng sẽ cạn. Bởi chỉ cần sai một ly thì máy bơm sẽ bị cháy. Hiện đảo có khá nhiều giếng chạy 5 phút, giếng bền bỉ nhất ở cánh đồng này là giếng 20 phút. Mỗi khi nghe máy bơm kêu o…o khác thường là phải nhào tới cúp cầu dao ngay.
Một phụ nữ ngồi canh tưới nước vào lúc nửa đêm Ảnh: Văn Chương |
Dù nông dân canh tác rất khó khăn, nhưng hành, tỏi vẫn bán với giá thấp Ảnh: Văn Chương |
Có lúc nửa đêm, các lão nông chạy tới giếng bơm từ 5-7 phút, sau đó lại chạy sang giếng khác để bơm dồn nước. Sau đó về nhà ngủ, đợi hơn tiếng đồng hồ sau lại tiếp tục chạy ra đồng bơm dồn nước. Những năm trước đây, nước bơm từ các giếng ở đảo đều là nước ngọt, nhưng nay do bị bơm “ép lấy nước”, nên bị nhiễm mặn.
Một thời trên đảo Lý Sơn ồ ạt cảnh đào giếng giữa mùa hạn. Nếu năm 2014, cả đảo chỉ có 546 giếng, thì năm 2023 đã lên tới 2.149 giếng. Nhưng từ 2023 đến thời điểm này chỉ tăng thêm có 7 giếng, có nghĩa việc đào giếng đã được siết chặt. Ông Hòa, một người dân ở đảo cho biết, bà con ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên nước, vì vậy ban đêm thấy ánh đèn pin lấp lóa giữa đồng với vẻ nghi vấn là bà con điện báo cáo để chính quyền ra kiểm tra.
Giữa cánh đồng hành tỏi, thỉnh thoảng lại có bãi đất bỏ hoang cho cỏ mọc. Bà con nông dân cho biết, địa phương đang làm gắt gao việc cấm đào giếng, nên một số hộ không có giếng hoặc quá ít giếng thì xem như phải bỏ đất hoang. Ông Trần Tươi, một hộ trồng hành tỏi ở cánh đồng Sũng than thở “năm nay tôi 68 tuổi rồi, chưa bao giờ thấy cảnh thiếu nước dồn dập như những năm gần đây. 2 giờ sáng đã đi lo nước và mỗi ngày tốn khá nhiều tiền xăng vì chạy xe máy lòng vòng khắp cánh đồng. Trời vừa có trận mưa nên giếng bơm 5 phút cạn đã tăng lên 3-4 phút nữa, dân ở cánh đồng này chỉ trồng 2 sào hành tỏi cũng đã mỏi cả giò”.
Tụt mãi…nước
Lão nông Nguyễn Hồng Miết cho biết, gia đình trồng 8 sào hành, tỏi, và đêm đến là bắt đầu bơm nước. Bắt đầu từ 5 giờ chiều bơm nước tích tới 8 rưỡi tối về ngủ, đến 1 giờ sáng lại tiếp tục dậy bơm thêm 2 giờ nữa. Giữa trưa nắng lại tiếp tục chạy lòng vòng lo trữ nước. Ông Miết tâm sự, bây giờ đường bê tông trên đảo bắt đầu nhiều hơn trước nên có thể nước mưa càng khó thẩm thấu. Bà con trông chờ vào công trình hồ trữ nước nằm trên rìa núi, nhưng hồ xây dựng xong rồi nhưng vẫn cứ khô cạn. Bà Trần Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, tình hình nước vẫn khan hiếm nên có hộ chuyển từ trồng hành, tỏi sang trồng ngô, hoặc mua nước của hàng xóm với giá 120.000 đồng/giờ tưới.
Tôi rời Lý Sơn khi trời vừa đổ cơn mưa nên hy vọng giếng 5 phút sẽ tăng thời gian lên thêm vài phút. Lão nông Nguyễn Hồng Miết với nước da đen thui vì đội nắng, thức đêm than thở: “Tụt là tụt mãi chứ không có dấu hiệu nước ngọt lên trở lại. Chính quyền có đưa ra các phương án để nước mưa thẩm thấu xuống đất nhiều hơn, nhưng không hiểu sao nước ngọt thì mỗi năm một tụt, năm sau thấp hơn năm trước, nên tương lai sẽ rất gay go với người làm nông ở đảo Lý Sơn”.