Giấy đi đường không chạm

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hôm qua, nhiều người dân Thủ đô khấp khởi mừng khi thành phố Hà Nội quyết tâm trở thành top 3 địa phương đứng đầu cả nước về ứng dụng chuyển đổi số trong một chương trình tổng thể, quy mô lớn được chính thức phê duyệt.

Theo đó, trong những năm tới, mỗi người dân Hà Nội sẽ có danh tính số kèm theo QR Code, đều có điện thoại thông minh; mỗi gia đình có một địa chỉ số. Không chỉ trong nước, tham vọng đến năm 2025, Hà Nội sẽ tham gia nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Một xã hội số, chính quyền số là ước vọng của nhiều người dân Thủ đô, nhất là trong những ngày dịch dã này. Họ chỉ ước rằng, Hà Nội sẽ cấp giấy đi đường tự động qua một app công nghệ, ai đủ điều kiện ra đường theo quy định của thành phố sẽ tải app này về, thực hiện khai báo, cập nhật những giấy tờ liên quan lên app và 5- 10 giây sau sẽ có mã QR Code trên điện thoại thông minh của mình.

Tại các chốt kiểm soát, thay vì phải trình những tờ giấy đi đường đang được cấp phép thủ công, trình chứng minh thư và tiếp xúc trực tiếp với cán bộ kiểm soát với nhiều rủi ro lây nhiễm bệnh, công nghệ kiểm soát tự động bằng camera sẽ quét mã QR Code và hiện lên các thông tin cơ bản: Họ và tên, ảnh, địa chỉ cư trú, đối tượng được phép ra đường và thực hiện lời chào: “Chào anh Nguyễn Văn A, mời anh qua chốt”. Tôi và hàng triệu người dân Hà Nội có lẽ đang cùng chung một giấc mơ này, và hy vọng “Giấy đi đường không chạm” sẽ sớm thành hiện thực khi Hà Nội đặt một quyết tâm cao như vậy trong tiến trình chuyển đổi số.

Thực tế, không phải là lãnh đạo Thủ đô không quan tâm đến lĩnh vực này. Bằng chứng là Hà Nội đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Thế nhưng, với cách thực hiện bằng tư duy dự án rời rạc, thiếu kết nối tổng thể, những câu chuyện sai phạm liên quan đến Công ty công nghệ Nhật Cường đã kéo lùi Hà Nội trong tiến trình này.

Trong 4 đợt giãn cách, thành phố Hà Nội đã thay đổi 5 lần phương thức cấp, duyệt, kiểm tra giấy đi đường. Sự thay đổi này đã khiến hàng nghìn người dân và doanh nghiệp lúng túng, khó khăn, mất rất nhiều thời gian và chi phí cơ hội trong thực hiện những quy định mà thành phố đưa ra. Người dân, doanh nghiệp “kêu trời” vì phải đáp ứng quá nhiều thủ tục giấy tờ, trong khi đó số lượng người ra đường không giảm. Các chốt kiểm soát ùn ứ dễ là mầm họa lây lan dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ hôm qua cũng phải có văn bản yêu cầu chính quyền Hà Nội chấn chỉnh ngay những bất cập trong thực hiện quy định về giấy đi đường.

Tín hiệu tích cực là Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã phối hợp với Tập đoàn VNPT xây dựng một phương thức cấp giấy đi đường trực tuyến cho Hà Nội, sẽ có bản đề-mô trong một vài ngày tới. Một chính quyền số hãy bắt đầu bằng “Giấy đi đường không chạm” cho người dân Thủ đô lúc này.

MỚI - NÓNG