Phần lớn bác sỹ ngoại khoa đang phải vật lộn từng ngày để kiếm cơm nuôi gia đình trong cơn bão giá. Nhìn vào bảng lương của họ, không khỏi giật mình: Bác sĩ nghèo đến thế ư?
Có tiếng, nhưng miếng nơi đâu?
Sau 6 năm ra trường với tấm bằng bác sĩ đa khoa, bác sĩ Lê Đức Định Miên đang công tác ở khoa Ngoại thần kinh bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương phải mất thêm 2 năm đi học sơ bộ và thêm 2 năm nữa theo học chuyên khoa. Như vậy, để vào nghề với tư cách một bác sĩ ngoại mổ xẻ thành thạo phải mất 10 năm để củng cố chuyên môn.
Sau gần 10 năm công tác, hiện nay lương mỗi tháng của bác sĩ Miên chưa tới 4 triệu đồng/tháng. Cầm bảng lương, vị bác sĩ trẻ, rầu rĩ: “Đi đâu ai cũng trầm trồ bảo lương bác sĩ cao ngất ngưỡng, giàu lắm!”.
Nói số tiền trên là lương nhưng thực ra theo tính toán của bác sĩ Miên ngoài mức lương được hưởng theo hệ số khoảng 3 triệu đồng, số tiền còn lại là tiền trực đêm và tiền mổ mới được 4 triệu đồng. “Bác sĩ ở khoa tôi ai cũng sàn sàn như nhau, ai cũng mong được đóng thuế thu nhập” - bác sĩ Miên cười nói.
Nếu không giảng dạy thêm ở ĐH Y Dược TPHCM, có lẽ bác sĩ Phạm Anh Tuấn, hiện là phó khoa Ngoại thần kinh, BV Nguyễn Tri Phương cũng phải chật vật với cuộc sống chăm lo hai con nhỏ. Bác sĩ Tuấn cho biết, hiện tại lương của phó khoa ở BV Nguyễn Tri Phương của anh chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, làm được một năm ở khoa Nội tổng quát - BV đa khoa tỉnh Long An, bác sĩ Anh xin đi học nội trú tại Trường ĐH Y Dược TPHCM mong củng cố chuyên môn trong công việc. Quá trình đi học kéo dài 3 năm, vị bác sĩ trẻ bắt đầu quay lại như thời sinh viên khi phải thuê phòng trọ, ăn cơm bụi… và mọi thứ sinh hoạt đều một tay cô vợ ở quê đỡ đần.
“Đi học nên không có lương, tiền trực, tiền làm ngoài giờ đều không có, nhờ vào vợ là chính. Ai cũng nghĩ bác sĩ giàu lắm nhưng những người trong cuộc như tôi mới hiểu thôi”- Anh chia sẻ. Thi vào được đại học y dược điểm cũng chót vót, học 6 năm, nhưng không giống như mọi ngành, đa số bác sĩ khi ra trường muốn vào viện phải trải qua ít nhất một năm làm việc không lương.
“Cái tiếng của bác sĩ nghe to tát lắm nhưng miếng thì ở đâu đâu. Tụi tui bám với bệnh viện, bám nghề vì yêu nghề, yêu bệnh nhân nên đôi khi chẳng màng đến “cái miếng” làm gì. Nhưng lắm lúc cảm thấy tủi phận, buồn bã cho công việc gắn đầy trách nhiệm như mình. Vậy mà vẫn không thể sống nổi bằng lương”- bác sĩ Lê Tuấn Anh công tác ở BV Nguyễn Trãi cho biết.
Gần 8 năm học xong nội trú, bác sĩ T. P.H ký hợp đồng với Đại học Y Dược TPHCM làm giảng viên của trường cho đến nay. Cứ tưởng giảng viên sẽ rủng rỉnh tiền. Nhưng, liệt kê của bác sĩ P. khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
“Từ khi làm việc ở đây, hệ số lương của tôi là 2,67, tiền trường hỗ trợ cơm trưa 300 ngàn đồng, về phía bệnh viện tôi được hỗ trợ 640 ngàn đồng/ tháng cho bác sĩ nhà trường có bằng chuyên khoa 1, tiền phụ mổ 500 ngàn đồng/tháng, tiền trực 180 - 200 ngàn/tháng. Nếu có lễ tết tôi được thưởng bằng 1/2 nhân viên bệnh viện. Tổng cộng tôi có khoảng 3,5 triệu đồng/tháng”- bác sĩ H. cho biết
Tôi thử hỏi làm việc ở thành phố lớn nhất nước, khi mà mọi thứ đều tăng giá ào ào thì số lương này có đủ hay không?- bác sĩ H. hỏi lại tôi. Đó là thời điểm mà bác sĩ H. chưa có vợ con. “Tôi chẳng dám nghĩ tương lai sẽ ra sao nếu cưới vợ và nuôi con”- bác sĩ H. nói.
Năm giờ đứng mổ đủ ăn… bát phở!
Cùng học chung từ phổ thông với bác sĩ Đặng Văn Phú, công tác ở BV đa khoa Thủ Đức nhưng những người bạn ra trường từ các ngành kinh tế, bách khoa... mỗi tháng đi làm thu nhập hàng chục triệu đồng, xây nhà mua xe không chỉ cho mình mà cả người thân. Vậy mà 15 năm lặn lội với nghề cứu người, bác sĩ Phú vẫn không tìm nổi cho mình mảnh đất cắm dùi ở thành phố.
Là một bác sĩ chuyên phẫu thuật nhưng theo anh tiền công mỗi ca mổ cũng chả đáng là bao, chỉ đủ ăn sáng, cà phê. Mỗi ca mổ nghe bác sĩ kiếm được tiền triệu?- tôi hỏi. Bác sĩ Phú nhếch mép cười: “Vài triệu cũng có nhưng ở bệnh viện tư, mổ dịch vụ, còn bác sĩ bệnh viện công đứng mổ 5 tiếng chỉ đủ ăn bát phở ngon ngon”.
“Đối với tôi, tiền lương là một gánh nặng nhưng tôi vẫn không can đảm rời bỏ công việc của một lương y cứu người. Có lẽ vì tôi quá yêu nó”- bác sĩ Phú bộc bạch. Có những lúc gặp lại bạn bè, tôi cảm thấy mặc cảm và buồn vì thu nhập của mình. Nhưng tôi nghĩ yêu nghề thì vượt qua được thôi, không có nghề nào giống nghề nào. |
Gần 13 năm làm ở khoa Vi phẫu, BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM, bác sĩ Phan Dzư Lê Thắng đã trở thành một tay mổ chi, nối ghép mạch máu có tiếng ở TPHCM. Nhưng, ngoài lương hơn 3 triệu đồng/tháng, tiền mổ vi phẫu của anh cũng thấp hơn cả các bác sĩ ngoại khoa thần kinh khác ở bệnh viện công.
Để chứng minh cho tôi, anh Thắng đưa ra bảng lương và bảng tiền mổ. Mỗi ca mổ chính được gần 100 ngàn đồng. Theo anh Thắng mổ một ca đứt lìa cánh tay mất ít nhất 4-8 tiếng đồng hồ và thực hiện các kỹ thuật mổ đều qua kính hiển vi, nhưng bác sĩ mổ chính cũng chỉ nhận được 60.000 đồng.
“Trong các phẫu thuật, vi phẫu được xem là khó khăn nhất bởi ở đó chủ yếu là nối các mạch máu, thần kinh... đòi hỏi sự tập trung, toàn tâm toàn ý, có ca mổ kéo dài 10 tiếng đồng hồ nhưng vẫn không được tính vào danh mục “siêu vi phẫu” cho dù các mạch máu đều nhỏ.
“Có ca nối mạch máu ở ngón tay bị đứt mạch máu chỉ 0,75mml nhưng theo quy định vẫn không được tính siêu vi phẫu do đó những ca này vẫn được tính cao nhất 65.000 đồng”- bác sĩ Thắng cho biết.
Bác sĩ Phan Dzư Lê Thắng đang mổ một ca đứt lìa tay qua kính hiển vi nhưng cuộc mổ kéo dài 6 tiếng này anh chỉ được trả 50-65.000 đồng. Ảnh: L.N |
Mới đây, bác sĩ Thắng và các đồng nghiệp tiến hành ca phẫu thuật có một không hai khi nối ghép 5 ngón tay bị đứt lìa và đứt một phần cánh tay từ 5 giờ chiều hôm trước đến 10 giờ sáng hôm sau nhưng vẫn chỉ nhận được hơn 60.000 đồng.
Một giờ sáng mồng 3 Tết, sau cú gọi của điều dưỡng, bác sĩ Lê Đức Định Miên khoác áo blouse thẳng xuống phòng cấp cứu BV Nguyễn Tri Phương để hội chẩn cho ca chấn thương sọ não. Sau đó, một cuộc mổ cho bệnh nhân này kéo dài 4 tiếng đồng hồ đến tận sáng. Vẻ mặt mệt mỏi còn in hằn trên mặt các bác sĩ, nhưng nếu ai biết được ca mổ để cứu sống người bệnh đó, mỗi bác sĩ mổ chính chỉ được 45.000 đồng và các bác sĩ phụ mổ chỉ nhận được 35.000 đồng, hẳn nhiều người cảm thông.
Đó là chưa kể những ca làm tiểu phẫu thì chỉ được 20.000 đồng. Bác sĩ Miên chia sẻ, đã xác định theo nghề chắc ai cũng lường trước vất vả, bởi có bệnh nhân mổ cấp cứu là anh em phải vào cuộc ngay, bất kể giờ nào, có khi chưa có miếng cơm lót dạ.
“Lương thấp, tiền mổ chỉ đủ ăn bác phở nếu như không có người thân đỡ đần khó ai trụ nổi với nghề, hoặc “nhảy” qua bệnh viện tư ngay”- bác sĩ Miên chia sẻ.
Bác sĩ Trần Chí Cường- khoa can thiệp nội mạch, BV ĐH Y Dược TPHCM cho biết các kỹ thuật can thiệp mạch máu là vô cùng khó, nhưng tiền công mỗi ca phẫu thuật từ 3-5 tiếng cũng chẳng đáng là bao.
Lê Nguyễn
Bài 2: Nghèo nên “Chân trong chân ngoài”