Dạy thêm là lao động chính đáng
Lâu nay việc dạy thêm, học thêm bị “siết” theo thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ GD-ĐT.
Bộ quy định: Đối với dạy thêm trong trường, giáo viên phải có tờ trình xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm, đăng kí danh sách dạy thêm…
Đối với dạy thêm ngoài nhà trường, phải có đơn xin cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, trong đó cam kết với UBND cấp xã theo quy định tại khoản 1, điều 6 quy định này.
Về thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm, chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp hoặc uỷ quyền cho Giám đốc Sở GD-ĐT cấp giấy phép cho các trường hợp dạy thêm, học thêm ở phổ thông.
Chủ tịch UBND cấp huyện cấp trực tiếp hoặc uỷ quyền cho Trưởng phòng GD-ĐT cấp giấy phép cho các trường hợp dạy thêm chương trình tiểu học, THCS…
Ngoài ra, để “siết” vấn đề này, vào ngày 10/13/2013, Bộ GD-ĐT tiếp tục có văn văn số 8835/BGDĐT-TTr tiếp tục chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm; thu, chi và sử dụng tài liệu tham khảo sai quy định.
Từ quy định của Bộ GD-ĐT nhiều địa phương, trường học trên thực hiện “siết” dạy thêm, học thêm.
Tuy nhiên tại TP.HCM, UBND thành phố vừa có quy định, từ ngày 16/6 cá nhân giáo viên hoặc những người dạy kèm cho học sinh theo yêu cầu của cha mẹ học sinh được miễn cấp giấy phép dạy thêm, nhưng phải báo cáo bằng văn bản với thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó đồng thời phải báo cáo và cam kết với Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn nơi đặt điểm dạy kèm, thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường…
Ông Hồ Thiệu Hùng, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay: "Tôi đã “đấu tranh” vấn đề này cho giáo viên rất nhiều lần vì dạy thêm, học thêm là nhu cầu, pháp luật không cấm người lao động được làm thêm để có thu nhập và việc có thu nhập thêm từ nghề của mình là chính đáng".
Ông Hùng phân tích, TP.HCM không yêu cầu giáo viên phải xin phép nhưng quy định rất cụ thể như tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm vào các ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết; học sinh học thêm không quá 6 tiết/môn học/tuần và không quá 18 tiết/tuần.
Vui nhưng "khó nói"
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (Q Bình Thạnh) cho biết, việc dạy thêm rất khó nói vì đây lòng tự trọng của giáo viên.
“Khi chưa có quy định này, tại trường tôi, nếu giáo viên dạy thêm ngoài trường đều trao đổi với hiệu trưởng. Hiệu trưởng sẽ làm giấy thẩm định năng lực cho giáo viên. Nếu trong quá trình giáo viên dạy thêm ngoài trường bị học sinh, phụ huynh phản ánh hiệu trưởng sẽ làm việc với giáo viên…Hiện, thành phố có quy định mới, giáo viên vẫn theo nếp cũ thực hiện, nhưng rất phấn khởi.
Khi giáo viên có đời sống ổn định sẽ hết tâm sức trách nhiệm đối với học sinh”
Cô Cúc cho hay, Thông tư của Bộ là quy định chung cho các địa phương. Trên cơ sở này, các địa phương cần có sự quản lý về dạy thêm, học thêm, tránh sự o ép, tiêu cực. Lãnh đạo ở mỗi địa phương phải tìm ra biện pháp phù hợp cho địa phương mình, không nên nhìn vào một vài “con sâu” mà làm vấn đề này căng thẳng, tổn thương nhà giáo.
Thầy Lê Thành Long, THPT Lý Tự Trọng (Q.Tân Bình) cũng bày tỏ, lâu nay nhiều địa phương thực hiện bắt, phạt giáo viên dạy thêm, coi giáo viên như tội phạm. Trong khi học sinh có nhu cầu học, phụ huynh có nhu cầu gửi con, giáo viên bỏ công sức, chất xám, đồng tiền kiếm được là xứng đáng.
“Việc cấp phép chỉ nên áp dụng đối với những nghề đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân như xây dựng, bác sĩ. Dạy thêm là hoạt động giáo dục không có tác dụng tức thì nhưng tác dụng lâu dài. Trong điều kiện mạng xã hội phát triển, nếu giáo viên dạy vì tư lợi trước hết sẽ bị trả giá trước khi bị phạt. Không giáo viên nào muốn ai rơi vào tình thế này vì vậy việc dạy thêm không cần phải được cấp phép”- thầy Long bày tỏ.
“Dạy thêm là vấn đề tế nhị, danh dự, tự trọng của nhà giáo. Nhiều đồng nghiệp ở địa phương phải rơi nước mắt trước các hành động cứng nhắc. Với việc này, giáo viên như được cởi trói, “xốc” lại tinh thần…”, cô Trần Thị Thảo, giáo viên 1 trường THPT ở Q.Thủ Đức cho hay.
Theo Lê Huyền