Giáo viên nghĩ gì về lời đề nghị của phụ huynh 'bảo cô gửi tài khoản cho nhanh'?

0:00 / 0:00
0:00
Những tấm thiệp điện tử thay thế những bó hoa tươi thắm trong dịp 20/11 năm nay
Những tấm thiệp điện tử thay thế những bó hoa tươi thắm trong dịp 20/11 năm nay
TPO - Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay đặc biệt hơn bao giờ hết. "Học online có cần tặng quà thầy cô không. Liệu có nên gửi qua tài khoản cho nhanh?" . Đây là câu hỏi mà nhiều phụ huynh lăn tăn trong thời gian gần đây.

Món quà là chiếc bánh ngọt, lá thư điện tử

Trên các diễn đàn phụ huynh, những ngày qua, chủ đề tặng quà cho thầy cô khi học online, tặng như thế nào... trở nên nóng hơn bao giờ hết. Việc tặng quà, tri ân cho giáo viên thành vấn đề được bố mẹ đưa ra tranh luận, tham khảo, thăm dò nhau. Nhiều phụ huynh chia sẻ, không tặng quà cô giáo thì không an lòng, còn tặng không biết phải tặng bằng cách nào.

Năm nay con học online, Chị Hà nhà ở quận Cầu Giấy cho biết, chưa từng gặp cô giáo ngoài đời, cũng không biết địa chỉ nhà, chị băn khoăn liệu có cần thiết tặng quà cho cô không. Sau khi thăm dò ý kiến nhiều người, chị quyết định vẫn sẽ gửi quà cho giáo viên dù chưa biết gặp bằng cách nào.

Anh Nguyễn Văn Minh, có con đang học lớp 3 ở quận Ba Đình cho biết, mọi năm anh luôn chuẩn bị sẵn trước quà vào dịp này và đúng ngày thì sẽ đến trường tặng cô. Tuy nhiên, năm nay dịch không đến trường được, anh gọi điện hỏi thăm địa chỉ nhà của cô nhưng cô không cho. Anh chấp nhận một năm vào dịp 20/11 này không tặng quà.

Anh Minh đành để món quà đã chuẩn bị để khi hết dịch, con được đến trường để tặng cô: “Tặng cô là thể hiện sự biết ơn cô giáo đã dạy dỗ vất vả con mình cả năm trời chứ không hẳn vì để lấy lòng cô, cần một sự ưu tiên của cô đối với con mình”- anh Minh chia sẻ.

Ngày 20/11 hàng năm không phải là dịp tặng quà với giáo viên đang dạy con mình mà cũng là dịp để học trò cũ để hiện tình cảm với thầy cô đã dạy dỗ mình từ cấp học phổ thông.

Giáo viên nghĩ gì về lời đề nghị của phụ huynh 'bảo cô gửi tài khoản cho nhanh'? ảnh 1

Chiếc bánh chị Phương (Phan Thiết) làm trong ba tiếng để con chị tặng cô giáo cũ

Chị Nguyễn Thị Thu Phương (Phan Thiết) cho biết, chị đã chuẩn bị làm một chiếc bánh ngọt trong ba tiếng đồng hồ để gửi đến cô giáo cũ của con trai cả của chị ngay gần nhà. Vì theo chị Phương, nhà các cô đang dạy 3 con trai chị đều ở khá xa, nhà cô giáo cũ thì gần nhà nên chị làm bánh tặng cô.

“Thực ra, năm nay dịch nên học sinh không thể đến gặp cô ở xa được. Vì thế, tôi làm cái bánh để tặng cô giáo cũ của con, để con và cô đều thích. Chứ gần nhà tôi có ca F0 nên các con không thể đi thăm cô như mọi năm được. Con học trường quê nên việc tặng quà với giáo viên trong dịp này cũng tùy tâm thôi. Thấy thương các cô luôn vất vả. Mặt khác, giáo viên ở quê cũng không có màu mè gì. Ở đây còn nhiều trẻ bỏ học lắm”- chị Phương chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên dạy môn Lịch sử ở TP.HCM cho rằng, năm nay khá đặc biệt vì lần đầu tiên không nhận được hoa từ học sinh. Nhưng cô Thảo vẫn rất hạnh phúc vì nhận được rất nhiều tấm thiệp điện tử của học sinh. Một trong số đó cô Thảo cho rằng, bên cạnh những tấm thiệp là lời tri ân thì có một tấm thiệp khiến cô rất xúc động vì nó như một lời xin lỗi của học trò khi trò nhận ra những điều chưa đúng.

"Có đi học đâu mà tặng được quà, cứ xin tài khoản của cô"

Trên diễn đàn mạng có nhiều gợi ý từ tặng quà đến gửi lời chúc, thậm chí cả... chuyển khoản cho nhanh.

Anh Xuân Thiện, ở Đông Anh là trưởng hội phụ huynh của lớp con trai cho hay, ngay sau khi phụ huynh lớp quyết định sẽ gửi quà tặng cô có thể gửi theo tài khoản nhưng cô giáo chủ nhiệm cùng cô giáo của con đều không cung cấp. Rất may, anh đã xin được địa chỉ nhà để đến cảm ơn cô: “ Cả lớp cũng tâm lý có thêm 3 học sinh đi cùng để đến hỏi thăm cô. Cả lớp có món quà nhỏ để tri ân thầy cô.

Cô Đỗ Thị Linh, giáo viên môn tin học ở Hoài Đức, Hà Nội cho rằng, cô đã được phụ huynh gọi điện chúc mừng ngày 20/11 và có ý xin tài khoản để chuyển khoản: “Tôi từ chối luôn vì không thể nhận quà theo cách này. Mọi năm, khi không có dịch, học sinh vẫn đến nhà với bó hoa, ít hoa quả cô trò cũng liên hoan sẽ vui biết bao. Chứ giáo viên lương thấp thật, nhưng thêm một lần chuyển khoản một hay hai triệu đi nữa cũng không làm giáo viên giàu lên, cũng không làm tôi vui”- cô Linh chia sẻ.

Cũng theo cô Đỗ Ngọc Anh, giáo viên mầm non ở khu vực Linh Đàm, Hà Nội cho rằng, năm nay, cô nhận tất cả những lời chúc của phụ huynh nhưng nhận quà hay được đề nghị gửi tài khoản thì chắc chắn không. Bởi lẽ, cô Anh cho rằng, mọi năm đến trường cô chăm con tốt thì phụ huynh gửi tặng cô một chút gọi là có tấm lòng thì cô mới dám nhận. Chứ trong hoàn cảnh khó khăn như thế này thì bẵng đi cả một khoảng thời gian, không chăm sóc con mà giáo viên có đề nghị gửi số tài khoản gửi quà thì cô nhất định cũng không dám nhận.

Cô Đỗ Thị Dung, giáo viên dạy hóa ở Hà Nội cho rằng, học sinh cũ năn nỉ cô cho đến chơi nhà nhưng ở khu vực của cô hôm qua có mấy trường hợp thành F0 nên cô không đồng ý. Cô trò đành rủ nhau vào Zoom tám chuyện: “Dù không nhận quà nhưng cô trò gặp nhau vẫn mừng mừng tủi tủi. Cô trò nói chuyện cả 30 phút như một tiết học. Đúng là một năm mà có ngày 20/11 cũng thật đặc biệt như thế này”- cô Dung chia sẻ.

“Còn được dạy học và làm nghề với em là quá hạnh phúc”

"Năm học này thật đặc biệt vì hoàn cảnh dịch bệnh. Đi qua đại dịch, cô trò còn gặp lại nhau qua màn hình laptop, học online mệt mỏi và căng thẳng nhưng cũng là hạnh phúc lắm rồi. Còn nhìn thấy nhau, còn nghe giọng nhau và còn được dạy học và làm nghề với em như vậy là quá hạnh phúc so với những mất mát, đau thương của dịch bệnh. Em cũng đồng cảm với những khó khăn mà các cô giáo mầm non đang trải qua và mong các cô sẽ vững vàng vượt qua khó khăn để tiếp tục với nghề khi trường học được mở lại. Chắc chắn các con vẫn nhớ các cô"- Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên môn Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM

MỚI - NÓNG
Thái Nguyên chốt phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy
Thái Nguyên chốt phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy
TPO - Với việc thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tỉnh Thái Nguyên sẽ giảm được một cơ quan khối Đảng cấp tỉnh, giảm 9 cơ quan khối Đảng của cấp huyện; giảm 6 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 36 phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.