Lớp học “đặc biệt”
Vốn là Đại tá biên phòng về hưu, nhưng 17 năm qua cụ Phan Chí Nhượng (84 tuổi ở xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) vẫn miệt mài với lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo. Hỏi đến cụ, ở xã không ai không biết, từ già đến trẻ, dân họ gọi cụ với cái tên rất thân thuộc “ông giáo Nhượng”.
Qua giới thiệu của vị cán bộ xã, tôi tìm về nhà cụ Nhượng vào buổi chiều trung tuần tháng 11. Căn nhà nhỏ của vợ chồng nằm khuất sau luỹ tre làng.
Cụ Nhượng tóc bạc trắng, nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh, đầu óc minh mẫn, duy chỉ có đôi tai khó nghe, phải có sự trợ giúp của người vợ. Cũng vì lý do này, từ tháng 3/2021, cụ Nhượng buộc phải nghỉ dạy để chăm sóc sức khỏe. “Tôi nghỉ dạy 8 tháng nay rồi, vì có tuổi, nghe không rõ nữa. Nghỉ dạy cũng buồn lắm chứ trước ở đây học trò vui lắm. Có những thời điểm trong nhà nuôi trên 10 cháu”, cụ Nhượng trầm ngâm.
Cụ Nhượng 17 năm dạy học miễn phí cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn. |
Sinh ra trong gia đình nghèo khó, từ nhỏ cụ Nhượng đã rất chăm chỉ và học rất giỏi, thành tích học tập của cụ luôn là niềm khao khát của bao bạn bè cùng trang lứa. Năm 1959, chàng trai Chí Nhượng lên đường nhập ngũ vào chiến trường. 16 năm sau, khi hoà bình lập lại, cụ được cử đi học trung cấp biên phòng và sau đó về công tác giảng dạy tại Trường Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng).
Thi thoảng vợ chồng cụ đưa bức ảnh cũ được chụp lại khi cụ Nhượng đang dạy cho các em học. |
Đến năm 1999, cụ nghỉ hưu trở về quê với quân hàm đại tá. Việc mở lớp dạy học cho trẻ em nghèo cũng bắt đầu sau 5 năm cụ trở về quê hương. Hôm đó là vào một buổi sáng mùa Hè năm 2004. Thấy nhóm trẻ trong xóm đang chơi ngoài ngõ, cụ Nhượng cầm một tờ báo cho các em đọc thử.
Thế nhưng chỉ có một đứa bé xung phong nhưng cậu bé đọc chậm, phát âm chưa chuẩn. Hỏi ra mới biết bọn trẻ đã bước sang lớp 3. “Lớp 3 mà đọc kém quá, ai muốn học mai sang nhà bác dạy kèm cho”, cụ Nhượng nhắc nhóm trẻ. Tưởng chừng câu nói nửa đùa, nửa thật thế mà nhóm trẻ ở xóm ngày hôm sau lần lượt mang sách kéo đến nhà cụ Nhượng để học và lớp học của ông giáo làng đã bắt đầu như thế.
Do sức khoẻ yếu, từ tháng 3 đến nay cụ nghỉ dạy học. |
Không bảng đen, không giáo án, với vốn kiến thức, nghiệp vụ sư phạm sẵn có, cụ bắt đầu mua sách giáo khoa về để cùng học và dạy. Ban đầu cụ nhận dạy miễn phí cho 5 cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện học. Đây cũng là những học sinh ở quê hương của cụ giáo làng Phan Chí Nhượng được cụ nuôi ăn học từ cấp 1 đến khi Tốt nghiệp THPT.
Cụ nói, ngày mới dạy cũng rất khó khăn, tất cả những kiến thức chủ yếu phải học lại từ đầu, vì thế mỗi ngày cụ phải dậy sớm, đọc và tìm hiểu trước rồi mới dạy học sinh. “Lúc đầu tôi chỉ dạy Toán rồi kèm thêm chữ viết, học vần cho các cháu. Nhưng xác định sẽ kèm cặp các cháu lên hết cấp 3 nên tôi phải tự mượn sách để tìm hiểu thêm các môn tự nhiên theo từng cấp. Cùng học với trò, bài nào khó hiểu thì nhờ các giáo viên bộ môn chỉ dẫn”, cụ giáo Nhượng kể lại.
Thầy trò cùng đồng hành
Cụ Nhượng chỉ dạy 3 môn chính là Toán, Lý, Hoá. Ban đầu dự tính sẽ dạy nhận dạy học sinh ở vùng trong địa phương, nhưng sau đó nhiều em học sinh nghèo vùng khác như huyện Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ, thậm chí cả Nghệ An cũng được gia đình dẫn sang nhờ cụ Nhượng kèm học.
Các cháu học sinh đến với cụ Nhượng từ nhiều lớp với những hoàn cảnh, trình độ khác nhau. Có em ngay từ đầu đã chăm ngoan, ý thức học hành, nhưng cũng không ít em nghịch ngợm, lơ là việc học. Điều đầu tiên mà cụ dạy các cháu là tính trung thực, thật thà, ý thức kỷ luật, ngăn nắp, sạch sẽ.
Căn nhà của vợ chồng cụ Nhượng nơi từng nuôi và dạy hàng chục em học sinh. |
Trong nhà cụ Nhượng có thời điểm đông nhất nuôi đến 12 cháu ăn học. Từ đồng lương hưu gom góp và sự hỗ trợ của năm người con đã trưởng thành, vợ chồng ông đã nuôi ăn ở hàng chục học trò nghèo mà không hề thu một khoản tiền nào. Không chỉ truyền kiến thức, cụ Nhượng còn rèn luyện kỷ luật cho các em học sinh.
Cứ 4h30 sáng hàng ngày, các cháu ở trong nhà đều được cụ thức dậy để rèn luyện thân thể như: chạy bộ, tập tạ, nhảy dây, cầu lông. Tính đến nay, lớp học của cụ đã dạy được gần 40 em. Trong số đó có hàng chục cháu thi đỗ vào các trường đại học, học viện và ra trường có việc làm ổn định.
Nhiều người đã thành đạt, có đóng góp tích cực cho xã hội như: Trần Văn Quý (thủ khoa Học viện CSND, hiện đang công tác tại lực lượng CA tỉnh Quảng Bình), Nguyễn Quang Sang (hiện là sinh viên năm 3 Học viện Quân y), Nguyễn Ngọc Thái (Trợ lý Tham mưu kế hoạch, Phòng Hậu Cần, Sư đoàn 370); Kỹ sư Nguyễn Văn Tuấn và Kỹ sư Nguyễn Văn Báo (cả hai đều tốt nghiệp Trường Ðại học Giao thông vận tải).
Chỉ tay vào tấm ảnh cũ đã ngả màu, cụ Nhượng nói: “Đây là cháu Nguyễn Quang Sang. Nhà Sang nghèo, hồi đó vào lớp nó gầy lắm. Sang ở với tôi 3 năm cấp 3, đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện, HSG tỉnh môn Lý, Sinh. Đợt thi vào Đại học cháu đạt 29 điểm. Trong số cháu tôi dạy, giờ ai cũng có công việc ổn định cả, chỉ cần thấy vậy là hạnh phúc lắm rồi”.
Vợ chồng cụ Nhượng tràn ngập niềm vui khi mỗi lần lục lại tấm ảnh cũ kỷ niệm cùng các em học sinh. |
Cụ kể lại, trong 17 năm dạy học, ấn tượng mãi em Nguyễn Hữu Thắng (SN 2001), đây là cậu bé ngỗ nghịch, không nghe lời bố mẹ, thầy cô. Khi thắng lên lớp 2, biết chuyện, cụ tìm đến nhà chơi, tìm gặp cậu bé, nhưng mỗi lần sang, Thắng đều trốn trong nhà.
Sau một tháng thuyết phục, cậu học trò đồng ý về nhà cụ Nhượng để học. Lúc mới vào lớp học, Thắng rất bướng, không nghe lời, cậu thường đưa ra nhiều điều kiện để làm khó nhưng đều được đáp ứng. Trước tấm chân tình của Nhượng, cậu học trò đã thay đổi, hiện Thắng đang là sinh viên năm 3 trường đại học Giao thông vận tải TP HCM.
Ở cái tuổi xế chiều, với cụ Nhượng, niềm hạnh phúc nhất là khi nhìn các cháu trưởng thành, có công việc ổn định, thực hiện được giấc mơ. Dù đã nghỉ dạy do tuổi cao, nhưng cụ Nhượng vẫn luôn trăn trở nỗi niềm thoát nghèo bền vững từ con chữ cho học sinh miền núi.
“Giờ này, tôi chỉ ước giá như mình có thêm sức khoẻ để tiếp tục duy trì lớp học, giúp đỡ cho những em có hoàn cảnh khó khăn để vươn tới ước mơ. Bởi bản thân tôi nghĩ, thoát nghèo bền vững và nhanh nhất chỉ có con đường học vấn”, cụ Nhượng tâm sự.