Tri ân cô giáo qua phần mềm trực tuyến
“Trong 27 năm cầm phấn, dịp lễ năm nay sẽ rất đáng nhớ vì cô trò có những cuộc hẹn trực tuyến để chúc mừng, hỏi han nhau", cô Phan Hà Thanh, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, quận Hà Đông (Hà Nội) nói.
Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, nhiều trường dạy trực tuyến, cô trò không được gặp nhau như vậy. |
Theo cô Hà Thanh, với những người gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, mỗi năm dịp 20/11 đều có cảm xúc bồi hồi, cảm động. Các nhà trường thường tổ chức lễ mít tinh chào mừng, không khí thật sự như một ngày hội. Các cô giáo như cô lại mặc áo dài, tô điểm hơn ngày thường đến dự lễ.
Năm nào, cô cũng có được những niềm vui, bất ngờ vì đám học trò mới, cũ ùa đến chúc mừng. Vui nhất là có những học sinh cũ, trưởng thành lâu năm nhưng cứ dịp này lại trở về tìm cô giáo để tâm tình, chia sẻ thành công, khó khăn trong cuộc sống, sự nghiệp. Chừng đó năm đi dạy, có vô vàn kỷ niệm với học sinh nhưng cô ấn tượng với cậu học trò từng thi trượt ĐH nay đã thành tiến sĩ. Các sự kiện, bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, cậu đều nhớ và mời cô giáo đến dự. “Với những niềm vui như vậy, chúng tôi thấy thêm yêu và gắn bó với nghề hơn. Thành công của từng lứa học sinh khiến mình có động lực, đam mê với nghiệp cầm phấn”, cô Thanh nói.
Năm nay giáo viên không có được không khí ngày lễ như những năm trước. Dù đã xác định tinh thần nhưng cũng không tránh khỏi những hụt hẫng.
Năm học 2021-2022 cô được phân công chủ nhiệm lớp 10. Những năm trước, đến thời điểm này cô trò đã có nhiều kỷ niệm, gắn bó thì năm nay đi đến nửa học kỳ vẫn chưa được gặp nhau. Việc dạy học vẫn diễn ra nhưng bằng hình thức trực tuyến. Lớp có ngỏ lời sẽ tổ chức chúc mừng cô giáo chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn 1 buổi qua zoom.
Không tránh khỏi cảm xúc hụt hẫng
Cô Phạm Thị Ngọc Huệ, giáo viên dạy Toán, Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) cũng ngậm ngùi nói, dịp lễ năm nay, trường tổ chức lễ chào mừng trực tuyến và trực tiếp, trong đó chỉ có những giáo viên có thành tích được khen thưởng và tham gia các khâu tổ chức mới đến trường, số còn lại ở nhà chia sẻ video buổi lễ đó tới học sinh. “Chúng tôi nhớ trường, lớp đến mức còn hẹn nhau hay là ngày đó sẽ đến trường, mỗi người ngồi một góc để vơi đi nỗi nhớ. Trường được xây mới khang trang, hiện đại nhưng những lớp học lâu ngày chơ vơ vắng bóng học sinh khiến mình không khỏi hụt hẫng ”, cô Huệ nói.
Một tấm thiệp do học sinh thiết kế mà cô Huệ được gửi tặng qua mạng. |
Cô Huệ cho biết, học sinh THPT rất giỏi công nghệ. Các em dự định tổ chức lễ 20/11 trực tuyến, mời phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm và các bộ môn cùng dự. Cả tuần nay, được biết các em ghi hình, dựng video, làm thiệp để tặng, tri ân thầy cô với những lời lẽ ngọt ngào như: “Cảm ơn vì cô đã luôn dịu dàng, ân cần với chúng em”, “Nếu hỏi, thành công bắt nguồn từ đâu thì em sẽ trả lời: Từ cô, người mang đến cho chúng em kiến thức, hành trang bước vào đời”… Trong khó khăn, nhận được những tình cảm chân thành, ấm áp của học sinh như vậy cô rất cảm động.
Một học sinh lớp 3 vẽ tặng cô giáo bức tranh gửi qua Zalo dịp 20/11 năm nay. |
Nhiều giáo viên dạy tiểu học, THCS cho biết, dịp lễ năm nay cô trò không được gặp nhau nhưng vẫn được an ủi vì nhận được nhiều món quà qua hình thức trực tuyến của học sinh. Nhiều em vẽ tranh, làm thơ, quay video múa, hát…gửi tặng cô giáo của mình qua zalo, facebook...
Nhiều trường tổ chức lễ tri ân giáo viên trực tuyến
Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và trao tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” lần thứ 15, tuyên dương các điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu năm 2021 bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến hơn 600 điểm cầu của các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, với tổng số hơn 3.500 đại biểu là giáo viên, cán bộ quản lý tham gia.
Hiệu trưởng các trường tiểu học - THCS- THPT tại Hà Nội cũng cho biết, năm nay do dịch bệnh, các trường cũng tổ chức lễ tri ân nhà giáo bằng hình thức trực tuyến để động viên, tiếp sức cho thầy cô tiếp tục vững bước trên con đường dạy học.
'Tết' nhà giáo: Tri ân online vẫn ấm áp thầy trò
Ngày Nhà giáo Việt Nam nhưng vì tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp, nguy cơ tái bùng phát, nên học sinh, sinh viên tại TP Đà Nẵng vẫn chưa thể quay lại trường học. Ngoài ra, còn khá nhiều sinh viên vẫn "mắc kẹt" ở quê nhà chưa thể quay lại thành phố nên dường như những cuộc gặp gỡ trực tiếp là quá xa vời.
Buổi lễ mừng ngày Nhà giáo của trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) được tổ chức trực tiếp sáng 19/11 với quy mô hạn chế nhưng vẫn trang nghiêm đầy cảm xúc |
Cô Nguyễn Thị Đoan giáo viên môn GDCD trường THPT Thanh Khê cho biết, năm nay sẽ hạn chế những hoạt động tổ chức tri ân tại trường. Khác với mọi năm, kế hoạch năm nay sẽ tổ chức các hoạt động giáo dục chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa kết hợp trực tuyến và trực tiếp nhưng thực hiện đúng quy tắc 5k để bảo vệ sức khỏe.
Hoạt động tri ân trực tuyến tại trường THPT Thanh Khê |
“Cảm xúc của cô trong những ngày này vẫn đầy ấm áp khi nhà trường luôn quan tâm, chia sẻ. Và các em học sinh tuy không thể đến nhà thăm nhưng từ Facebook đến Zalo luôn đầy ắp những tin nhắn chúc mừng và cảm ơn. Mừng ngày Hiến chương và tri ân, phù hợp với điều kiện dịch bệnh. Cũng đã đi được hơn nửa học kì 1 của năm học mới, học trò và thầy cô cũng dần thích nghi dạy và học online. Nhưng vẫn rất mong hết dịch bệnh để được đến trường trở lại để nhìn những ánh mắt tròn to, thơ ngây của các trò trực tiếp chứ không phải qua màn hình vi tính”, cô Đoan xúc động chia sẻ.
Bạn Hà Thị Mỹ Trinh sinh viên năm 4 ĐH Sư phạm Đà Nẵng dự định năm nay sẽ gửi những lời chúc tri ân thầy, cô giáo giảng dạy mình năm cấp 3 tại quê nhà bằng hình thức trực tuyến.
Chúc mừng thầy cô giáo - ảnh MP |
Nữ sinh cho hay vào ngày này bạn đều gọi điện hỏi thăm sức khỏe và gửi lời cảm ơn đến cô giáo cũ của mình. Mặc dù không thể trực tiếp đến nhà thăm cô nhưng buổi trò chuyện qua điện thoại vẫn mang nhiều cảm xúc vì tình cảm cô trò vẫn luôn khăng khít như vậy.
Bên cạnh đó vẫn có một số trường tổ chức buổi tri ân thầy cô giáo vào ngày 20/11 bằng hình thức trực tiếp.
Cô Trần Thị Ngọc Hà giảng viên tại trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng thông tin “Đoàn trường đã rất cố gắng tổ chức một buổi lễ tri ân cho giáo viên nhưng với điều kiện bắt buộc là tất cả mọi người tham gia buổi lễ đều tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng chống COVID-19 và thực hiện đúng quy tắc 5K theo quy định của Bộ Y tế".
Một lễ tri ân thầy cô giáo online |
Trong thư gửi cán bộ, giáo viên dịp 20/11 năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn viết: “Năm nay, đại dịch đã làm thay đổi rất nhiều thứ. Những công việc mà chúng ta đang làm cũng thật khác biệt so với những năm trước. Chúng ta chúc nhau cùng làm thật tốt công việc, cùng nhau vượt qua khó khăn thử thách và gặt hái thành công. Có những thành công có thể nhìn thấy ngay và cũng có những thành công chỉ có thể nhìn thấy trong thời gian tới. Ở thời điểm này, những điều có ý nghĩa nhất để nói cùng nhau chính là những điều liên quan tới học trò. Chúng ta sở dĩ được gọi là thầy bởi có các học trò, sự thành công của chúng ta không gì khác chính là ở sự thành công của học trò”.
Tri ân sự hi sinh thầm lặng
Chiều 19/11, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm Trường Đại học Y Hà Nội, dự Lễ khai giảng năm học 2021-2022 và gặp mặt, tri ân giảng viên của nhà trường.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trường Đại học Y Hà Nội đã cử 641 cán bộ, giảng viên, bác sĩ nội trú, sinh viên tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19. Nghĩa cử cao đẹp này là minh chứng sống động về đạo đức sáng ngời của người thầy giáo, thầy thuốc Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội biểu dương và tri ân những đóng góp, hi sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế, thầy cô và sinh viên nhà trường. Họ đã bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hi sinh sức khỏe, tính mạng của bản thân, đi vào nơi tâm dịch, cống hiến hết sức mình, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Vào bất kỳ thời gian nào, ở bất kỳ nơi đâu, thầy giáo và thầy thuốc luôn được xã hội trân trọng, tôn vinh. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng các thầy, cô giáo và cán bộ, công nhân viên sẽ luôn tâm huyết với sứ mệnh trồng người và cứu người, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng nhà trường sớm trở thành trường đại học hàng đầu khu vực, có một số lĩnh vực đào tạo ngang tầm thế giới. (Luân Dũng)