Giáo viên chưa hiểu đúng khái niệm tích hợp?

Giáo viên chưa hiểu đúng khái niệm tích hợp?
TPO - Nhiều giáo viên khẳng định, họ được đào tạo một chuyên ngành nên không thể dạy tích hợp liên môn. Còn ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, không ít giáo viên chưa hiểu đúng khái niệm tích hợp.

+ Có nhiều giáo viên đang băn khoăn không hiểu dạy học tích hợp theo chủ trương mới sẽ như thế nào? Nhiều người nhầm lẫn khái niệm tích hợp liên môn và tích hợp đa môn. Ông có thể nói rõ khái niệm tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể?

- Ông Vũ Đình Chuẩn: Dạy học tích hợp liên môn là dạy học những nội dung kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học. Vì vậy cũng không cần phân biệt giữa "tích hợp liên môn" và "tích hợp đa môn". Ở mức độ thấp, việc dạy học tích hợp mới chỉ là lồng ghép những nội dung giáo dục có liên quan vào quá trình dạy học một môn học như: lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục pháp luật; giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển, đảo; giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông...

Mức độ tích hợp cao hơn là phải xử lí các nội dung kiến thức trong mối liên quan với nhau, bảo đảm cho học sinh vận dụng được tổng hợp các kiến thức đó một cách hợp lí để giải quyết các vấn đề trong học tập, trong cuộc sống, qua đó phát triển được những năng lực và phẩm chất cần thiết, đồng thời tránh việc học sinh phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn học khác nhau.

Chủ đề liên môn là những chủ đề có nội dung kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học, thể hiện ở sự ứng dụng của chúng trong cùng một hiện tượng, quá trình trong tự nhiên hay xã hội. Ví dụ: Kiến thức Vật lí và Kĩ thuật trong động cơ, máy phát điện; kiến thức Vật lí và Hóa học trong nguồn điện hóa học; kiến thức Lịch sử và Địa lí trong chủ quyền biển, đảo; kiến thức Ngữ văn và Giáo dục Công dân trong giáo dục đạo đức, lối sống…

+ Hầu hết các giáo viên đều cho rằng, lâu nay họ chỉ được đào tạo đơn môn nên chỉ dạy được một phần nào đó trong môn học bản thân đã có tính tích hợp. Còn nếu thiết kế chương trình tích hợp, họ băn khoăn không có phổ kiến thức sâu để dạy. Bộ có giải pháp nào trước lo lắng này của giáo viên?

- Tích hợp có nhiều mức độ khác nhau. Tôi cho rằng tất cả giáo viên khi dạy học đều ít nhiều thực hiện tích hợp. Thế nhưng có giáo viên không biết rằng mình đã thực hiện dạy học tích hợp; bây giờ khi nhiều người nói đến từ này, họ thấy lạ, ngỡ ngàng! Khó khăn của giáo viên khi dạy tích hợp liên môn không nằm nhiều ở vấn đề nội dung mà ở vấn đề phương pháp và kĩ thuật dạy học. Nếu dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn ở mức nhuần nhuyễn, đòi hỏi giáo viên phải có năng lực trong tổ chức hoạt động học tích cực, tự lực và sáng tạo cho học sinh. Các hoạt động ấy phải được tổ chức ở trong lớp, ngoài lớp, trong trường, ngoài trường, ở nhà và cộng đồng, đặc biệt quan tâm đến hoạt động thực hành và ứng dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Nếu trong dạy học đơn môn, giáo viên đã sử dụng được các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực để tổ chức hoạt động học của học sinh, thay vì dạy học theo lối truyền thụ kiến thức thì khó khăn này có thể vượt qua không mấy khó khăn.

Tuy nhiên, giáo viên cần được trang bị thêm kiến thức về những chủ đề tích hợp liên môn, nhất là tìm hiểu về những ứng dụng của kiến thức liên môn vào giải quyết các tình huống thực tiễn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập huấn cho giáo viên cốt cán và chỉ đạo các nhà trường đổi mới sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn qua nghiên cứu bài học. Thông qua sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn trong nhà trường, mỗi giáo viên cần phải tích cực tham gia xây dựng các chủ đề dạy học; xác định những năng lực có thể phát triển cho học sinh trong mỗi chủ đề; biên soạn các câu hỏi, bài tập để đánh giá năng lực của học sinh trong dạy học; thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học của học sinh; tổ chức dạy học để dự giờ, phân tích, rút kinh nghiệm. Qua các hoạt động chuyên môn đó, năng lực chuyên môn của mỗi giáo viên từng bước được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục, trong đó dạy học tích hợp, liên môn là xu hướng tất yếu.

Đặc biệt, Bộ đã chỉ đạo đổi mới công tác quản lí, chỉ đạo, công tác thi, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng tăng cường phân cấp, giao quyền chủ động cho giáo viên, tổ/nhóm chuyên môn và nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, tạo thuận lợi cho giáo viên phát huy sáng tạo. Đồng thời với tổ chức tốt các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, các địa phương, nhà trường cần phải biết động viên, khích lệ kịp thời các nhân tố mới, mặc dù lúc đầu có thể đó chưa phải đã là những cá nhân, giải pháp thật sự có kết quả tốt vì "ngày đầu chưa quen".

Không phải ngồi soạn giáo án chung

Liệu dạy tích hợp, kiến thức các môn có chồng chéo lẫn nhau nếu giáo viên không ngồi soạn chung giáo án và trao đổi không thưa ông? Có ý kiến cho rằng, việc lồng ghép quá nhiều mảng kiến thức vào nhau giáo viên sẽ rất rối, thậm chí không biết nên lựa chọn giáo viên nào đảm nhận giảng dạy tiết học đó. Ví dụ, trong 1 giờ học có cả lịch sử, công dân và an ninh quốc phòng, giáo viên nào đứng lớp?

Trong dạy học tích hợp liên môn không có việc "kiến thức các môn có chồng chéo lẫn nhau" hay "lồng ghép quá nhiều mảng kiến thức vào nhau" như bạn hỏi. Như đã nói ở trên, dạy học tích hợp liên môn là dạy học những nội dung kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học và phải xử lí các nội dung kiến thức trong mối liên quan với nhau, bảo đảm cho học sinh vận dụng được tổng hợp các kiến thức đó một cách hợp lí để giải quyết các vấn đề trong học tập, trong cuộc sống. Không nên hiểu tích hợp liên môn chỉ là ghép các kiến thức của môn học này cạnh môn học khác, nhất là chỉ trong 1 tiết học. Thực tế là khi dạy một chủ đề thì các kiến thức không bị lặp lại mà chúng được đưa ra để hỗ trợ, soi sáng lẫn nhau; giáo viên giỏi thì biết sắp xếp các kiến thức theo một lôgic hợp lý nhất. Thông qua tổ chức cho học sinh hoạt động học giải quyết tình huống/vấn đề đặt ra, học sinh vừa chiếm lĩnh được kiến thức, vừa được luyện vận dụng được kiến thức đó vào những vấn đề tương tự trong thực tiễn, đạt được mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.

Để hỗ trợ việc dạy học tích hợp liên môn, các giáo viên trong các tổ/nhóm chuyên môn liên quan nên phối hợp chặt chẽ với nhau nhưng không phải là ngồi soạn chung giáo án. Điều lệ nhà trường quy định sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn là một yêu cầu bắt buộc. Hiện nay, các nhà trường đều đang tích cực triển khai sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học theo chỉ đạo của Bộ, trong đó "Thay cho việc dạy học đang được thực hiện theo từng bài/tiết trong sách giáo khoa như hiện nay, các tổ/nhóm chuyên môn căn cứ vào chương trình và sách giáo khoa hiện hành, lựa chọn nội dung để xây dựng các chủ đề dạy học phù hợp với việc sử dụng phương pháp dạy học tích cực trong điều kiện thực tế của nhà trường”. Trong số các chủ đề do giáo viên xây dựng có nhiều chủ đề tích hợp liên môn. Kết quả Cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp mà Bộ tổ chức trong 3 năm học vừa qua, với gần 3000 chủ đề/năm, đã thể hiện tính khả thi và khả năng xây dựng, thực hiện dạy học các chủ đề tích hợp liên môn của giáo viên trong toàn quốc.

Về việc bố trí giáo viên, trong thời gian đầu, các tổ/nhóm chuyên môn thảo luận, phân công giáo viên phối hợp thực hiện hoặc có thể tham mưu để hiệu trưởng lựa chọn phân công giáo viên có điều kiện thuận lợi nhất thực hiện. Thông qua việc triển khai dạy học các chủ đề tích hợp liên môn và qua sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn, giáo viên giúp nhau tự bồi dưỡng để những năm học sau mỗi giáo viên có thể đảm nhận nhiều phân môn trong một môn học tích hợp. Thực tế hiện nay, giáo viên vẫn phải dạy học các kiến thức của môn học khác có trong môn học của mình.

Bộ GD&ĐT xác định, trong chương trình mới, giáo viên là cốt lõi. Vậy, kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo để cho ra lò một thế hệ giáo viên trong diện mạo mới nào để có thể đảm đương vai trò cốt lõi, thưa ông?

Bộ đang chỉ đạo đổi mới chương trình đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm theo hướng chú trọng đào tạo về: kỹ năng phát triển chương trình, tài liệu dạy học và giáo dục; khai thác, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tích hợp các vấn đề mới của cuộc sống vào dạy học, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống; năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục và kiểm tra, đánh giá trong giáo dục theo các hình thức, phương pháp và kĩ thuật dạy học hiện đại. Mặt khác yêu cầu đặt ra cho Chương trình giáo dục phổ thông mới là phải có tính khả thi, vì vậy Chương trình được thiết kế vừa sức với hầu hết giáo viên đang và sẽ qua bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.