Giáo sư mặc quần đùi giảng bài: Những người trẻ nói gì?

Câu chuyện GS Trương Nguyện Thành mặc quần đùi dạy học được nhiều sinh viên, thanh niên và lãnh đạo Đoàn cho là cách khơi gợi sáng tạo.

Mới đây, Facebook của một chuyên gia về khởi nghiệp chia sẻ hình ảnh GS.TS Trương Nguyện Thành - phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, TP.HCM - mặc quần đùi giảng dạy trước sinh viên đã gây ra không ít những luồng dư luận trái chiều.

Đừng vội phán xét

Ông Nguyễn Minh Triết - Trưởng ban Thanh niên trường học, TƯ Đoàn - cho biết: “Chúng ta hay suy nghĩ nghiêng về phương pháp đổi mới giáo dục hơn về hình thức bên ngoài. Chúng ta đang đẩy mạnh, khơi gợi các bạn trẻ nêu ra ý tưởng sáng tạo, đẩy mạnh khởi nghiệp (startup) hơn nữa để giúp đất nước phát triển.

Vì vậy, tôi cho rằng để đẩy mạnh phát triển thì cần đổi mới tư duy, phải có những tư duy đột phá thì mới có sự phát triển nhanh và đột phá được”.

Giáo sư mặc quần đùi giảng bài: Những người trẻ nói gì? ảnh 1

Ông Nguyễn Minh Triết - Trưởng ban Thanh niên trường học, TƯ Đoàn.

Ông Nguyễn Minh Triết cho rằng chúng ta xem xét một vấn đề thì cần phải xem xét ở nhiều góc độ, chớ vội kết án.

GS.TS Trương Nguyện Thành - phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen - đổi mới bài giảng của mình khi lên lớp về phát triển tư duy sáng tạo ở khóa học lộ trình sáng tạo trong trường, giúp các sinh viên sáng tạo, học tập tốt hơn qua đó có nhiều ý tưởng để khởi nghiệp thì đó là hành động tích cực. Tất nhiên, chúng ta không vì thế mà đi quá đà, ở đây GS Trương Nguyện Thành không có gì là quá đà.

Trong khi đó anh Lê Văn Chung (công tác tại Đại học Duy Tân, Đà Nẵng) là một người trẻ mới nhận giải công trình tiêu biểu trong chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2016 nêu quan điểm: “Qua hình thức bề ngoài chúng ta không thể nào đánh giá hết được một con người, phải xem GS Trương Nguyện Thành xây dựng hình ảnh đó trong hoàn cảnh nào? Mục đích hướng đến là gì?

Nhiều người hiểu nhầm là do họ không hiểu được lớp học, không biết nội dung bàn về cái gì. Nếu chúng ta tìm hiểu kỹ thì GS.TS Trương Nguyện Thành lên lớp về phát triển tư duy sáng tạo ở khóa học lộ trình sáng tạo trong trường.

Vì vậy, tôi cho rằng chuyện GS.TS Trương Nguyện Thành ăn mặc như vậy để khơi gợi tư duy sáng tạo cho các bạn sinh viên là hết sức bình thường”.

Mỗi người có cách nhìn nhận về vấn đề đó khác nhau, ở các nước phương Tây hay một số nước tiên tiến khác họ coi các thầy cô lên lớp là người dẫn, là người tạo ra sự thoải mái, giúp cho học sinh, sinh viên học tập tốt nhất, khơi gợi ý tưởng, tính sáng tạo.

Ở Việt Nam, những việc làm như vậy chưa nhiều, nhưng chúng ta hãy bỏ qua những suy nghĩ về hình ảnh bên ngoài theo cách nghĩ thông thường mà hãy quan tâm nhiều hơn về các nội dung và mục tiêu các thầy cô hay cụ thể là GS.TS Trương Nguyện Thành hướng đến là gì?

Nếu mục đích tốt hay mục đích khơi gợi tính sáng tạo giúp sinh viên sáng tạo, học tập và nghiêm cứu khoa học nhiều hơn, tốt hơn thì đó là hành động tích cực.

'Sáng tạo không nên gò bó'

Cũng liên quan đến chủ đề này, Lê Thị Bé Nhung (trường THPT Phan Ngọc Tòng, Bến Tre) cho hay: "Để khơi gợi được tính sáng tạo của sinh viên và các bạn trẻ ngày nay không phải dễ, các bạn sinh viên bây giờ dành thời gian quá nhiều vào mạng xã hội, vào các trò chơi giải trí mà không dành thời gian cho việc nghiên cứu hay sáng tạo.

Tôi nghĩ GS.TS Trương Nguyện Thành muốn tạo ra sự gần gũi, khơi gợi giúp các bạn sinh viên có tư duy sáng tạo nhiều hơn. Hiện tại, rất nhiều các bạn trẻ có suy nghĩ sai lầm rằng những người thành công là những người có nền tảng tốt như gia đình có điều kiện, giàu có ngay từ đầu…

Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta hãy như GS.TS Trương Nguyện Thành hãy khơi gợi giúp các bạn trẻ suy nghĩ và sáng tạo nhiều hơn, cho các bạn biết không chỉ giàu có ngay từ đầu mà mình là những người bình thường thì mình vẫn có thể thành công được".

Giáo sư mặc quần đùi giảng bài: Những người trẻ nói gì? ảnh 2

Lê Thị Bé Nhung, trường THPT Phan Ngọc Tòng, Bến Tre.

“Sáng tạo là chuyện dài hơi, trải dài trên nhiều lĩnh vực công tác, không thể bó hẹp ở những cách suy nghĩ nhận thức và cách làm thông thường mà đòi hỏi tư duy và hành động mang tính đột phá”, Yến Ngọc - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền - chia sẻ.

“Để khơi gợi được tính sáng tạo của sinh viên như em và các bạn trẻ ngày nay không phải dễ, đa phần sinh viên như bọn em đều thích thú với những phương pháp mới và rất buồn ngủ với những cách giảng dạy truyền thống.

Em thích cách làm của GS.TS Trương Nguyện Thành, hãy để cho chúng em cũng như các thầy cô thỏa sức sáng tạo chứ đừng gò bó về mặt suy nghĩ cũng như hành động.

Tất nhiên không phải môn học nào, hoàn cảnh nào chúng em cũng khuyến khích ăn vận như vậy mà với những tiết học sáng tạo đó là hành động bình thường, không có gì là lố bịch cả”, Yến Ngọc bày tỏ.

Từ tình huống của GS Trương Nguyện Thành, nhiều sinh viên bày tỏ rất muốn các thầy cô cần đổi mới, sáng tạo phương pháp giảng dạy hơn nữa, giúp khơi gợi tư duy học tập, sáng tạo, nghiên cứu và khởi nghiệp của các bạn trẻ.

Theo Theo VOV
MỚI - NÓNG
Thông tin mới nhất về cây đa đổ gục ở đền Bà Kiệu
Thông tin mới nhất về cây đa đổ gục ở đền Bà Kiệu
TPO - Do ảnh hưởng của cơn bão YAGI, cây đa phía sau đền Bà Kiệu (mặt phố Lò Sũ) đã bị bật gốc trước sức gió khủng khiếp, gây thiệt hại đến công trình phụ trợ. Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội tích cực phối hợp với lực lượng chức năng để nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão.