Giáo sư Đại học Mỹ: Người Việt có tâm lý sính bằng cấp ngoại

GS Neal Koblitz tại buổi nói chuyện. Ảnh: Thanh Hùng
GS Neal Koblitz tại buổi nói chuyện. Ảnh: Thanh Hùng
TP - Hôm qua, 25/12, GS Neal Koblitz, đến từ trường ĐH Washington, Mỹ đã có bài nói chuyện về những thách thức trong việc giảng dạy toán học từ bậc phổ thông đến tiến sĩ tại Viện Toán học Việt Nam. Trong bài nói chuyện này, GS Neal đã đưa ra những quan điểm cũng như quan sát của ông về giáo dục Việt Nam và Mỹ. 

Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ Toán làm việc ở đâu?

Mở đầu buổi nói chuyện, GS Neal cho biết trong 40 năm qua, ông đã đến Việt Nam 20 lần, chủ yếu đến làm việc với Viện Toán học Việt Nam và  Hội Phụ nữ Việt Nam (trao giải thưởng Kovalevskaya). Nói về Toán học, theo GS Neal, câu hỏi lớn nhất dành cho các nhà toán học là sinh viên, Thạc sĩ, Tiến sĩ về sẽ làm việc tại đâu? 

GS Neal cho rằng, về lý thuyết có thể có 5 điều sau xảy ra: Ở Việt Nam họ có thể có công ăn việc làm tại các trường ĐH,  tại các cơ quan nhà nước, công ty tư nhân,  hoặc rời Việt Nam ra nước ngoài (ta thường gọi là chảy máu chất xám), cuối cùng thì họ có thể không làm toán nữa mà tìm việc khác. “Mục đích của chúng ta ngày hôm nay là làm cho điều  1 đến 3 khả thi. Để vì thế mà họ không cần điều 4 và điều 5” - GS Neal nhấn mạnh. 

Trong đó, ông nêu quan điểm của mình về điều 1 (làm việc tại các trường ĐH) và điều 3 (làm việc tại các công ty tư nhân). Theo ông, người Việt thường mong muốn con em mình được hưởng nền giáo dục hàng đầu, có công ăn việc làm ổn định, có bằng cấp danh giá. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi Việt Nam mở rộng và nâng cao chất lượng các trường ĐH. Có nghĩa là ĐH cần có  nghiên cứu, giảng dạy trình độ cao trong khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, toán học thuần túy cũng như toán học ứng dụng, ngoài ra là văn học, lịch sử Việt , hay các môn học nhân văn khác…

Thực tế, hiện nay nhiều đơn vị tự xưng là trường ĐH, song thực chất không phải như vậy. Đó là các ĐH vì lợi nhuận. Mục tiêu đầu tiên  của họ không phải là làm giáo dục mà là làm kinh tế. Cao nhất là họ đào tạo nghề thích hợp với những nghề nghiệp mức thấp. Chính vì lý do này nên Việt Nam cần ưu tiên cho việc cải thiện, cũng như nâng cấp chất lượng các trường ĐH quốc gia và địa phương. Điều này sẽ đáp ứng được nhu cầu của người Việt, và giúp đảm bảo việc làm chất lượng cao cho nghiên cứu sinh nhận bằng Tiến sỹ toán học thuần túy hay toán học ứng dụng. 

Câu hỏi chính khác cho những thạc sĩ và tiến sỹ đang tìm việc đó là những công việc trình độ cao nào - nghĩa là công việc sử dụng kiến thức về toán mà họ được đào tạo - đang có trong các ngành công nghiệp?

“Tôi nghĩ người Việt Nam nên tự hào về những trường phổ thông và các ĐH của mình. Trình độ cao về giáo dục  đã được duy trì qua lịch sử, thậm chí qua thời kỳ khó khăn nhất của chiến tranh và nạn đói kém. Tôi nghĩ người Việt đáng tự hào về những trường ĐH mà các bạn đang có, nhưng không phải tất cả mọi người có chung suy nghĩ này”.

GS Neal Koblitz, ĐH Washington, Mỹ

“Ở Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia đang phát triển khác, câu trả lời đáng buồn là: Có rất ít. Điều này khá chính xác với các công ty quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam. Các công ty này phần lớn đang tập trung vào tiếp thị và sản xuất. Rất ít các công ty có bộ phận nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam” - GS Neal nêu thực tế. 

Vì vậy, Việt Nam cần gia nhập hàng ngũ các quốc gia, nơi mà các công ty công nghệ cao thực hiện nghiên cứu. Việt Nam là quốc gia có trình độ dân trí cao hơn các quốc gia khác có cùng tốc độ phát triển về kinh tế. Điều này sẽ hấp dẫn các công ty công nghệ cao. 

“Tôi nghĩ người Việt Nam nên tự hào về những trường phổ thông và các ĐH của mình. Trình độ cao về giáo dục đã được duy trì qua lịch sử, thậm chí qua thời kỳ khó khăn nhất của chiến tranh và nạn đói kém. Tôi nghĩ người Việt đáng tự hào về những trường ĐH mà các bạn đang có, nhưng không phải tất cả mọi người có chung suy nghĩ này” - GS Neal cho hay. 

Bằng ĐH của Mỹ không phải lúc nào cũng tốt

Cũng trong buổi nói chuyện, GS Neal đã lý giải tâm lý “sính ngoại, sính bằng cấp ngoại” ở Việt Nam và các nước đang phát triển. Ông cho biết, có một khái niệm mới, một vấn đề khá lớn tại Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia khác đang gặp phải đó là tâm lý sính ngoại. Tức là có suy nghĩ tất cả những gì thuộc về chế độ, hoặc những quốc gia phương Tây khác đều tốt hơn những gì mà nước mình đang có. Ở các nước đang phát triển, người dân có xu hướng sùng bái tâng bốc văn hóa, những cơ sở đào tạo của Mỹ hay các quốc gia châu Âu, và có xu hướng chê bai những trường ĐH hay những viện nghiên cứu của nước mình. 

Ví dụ rất nhiều người ở Ấn Độ hay Trung Quốc tin rằng tấm bằng của trường ĐH Alabama, là danh giá và có giá trị hơn tấm bằng tại Viện công nghệ Ấn Độ hoặc tại trường ĐH Thanh Hoa. Trong khi trường ĐH Alabama ở Mỹ chỉ nổi tiếng vì… đội bóng bầu dục. Còn ĐH Thanh Hoa hay Viện Công nghệ Ấn Độ lại nổi tiếng toàn thế giới vì chất lượng đào tạo.  

Ở Việt Nam, GS Neal cho rằng  tình trạng cũng tương tự. Một số người nghĩ rằng học rằng học tại trường Cao đẳng cộng đồng Houston (chi nhánh tại Việt Nam) hay tại ĐH Fulbrigt tốt hơn tại ĐH Quốc gia Hà Nội. “Sự ngớ ngẩn này là một ví dụ, nó có ảnh hưởng tiêu cực đối với các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia khác” - GS Neal nói. 

Ông cũng chỉ ra 2 tác động tiêu cực từ việc coi trọng quá mức đối với bằng cấp nước ngoài ở những quốc gia này. Thứ nhất, một người có trình độ thấp hơn lại được nhận việc thay những người trình độ cao hơn nhưng (chỉ) có bằng trong nước.

Thiên vị này là một dạng của ưu tiên đối với những gia đình có điều kiện kinh tế tốt, có thể chi trả mức học cao. Điều này có nghĩa là những người trẻ có công việc thu nhập cao vì gia đình học giàu chứ không phải vì thực lực của họ. 

“Hầu hết các trường ĐH ở Mỹ, kể cả trường tôi, chấp nhận ngày càng nhiều sinh viên đến từ Trung Quốc. Trong số này có nhiều sinh viên xuất sắc, xuất sắc hơn rất nhiều sinh viên Mỹ. Nhưng một số sinh viên kém và được nhận học mặc dù khả năng tiếng Anh thấp. Vì nhiều gia đình Trung Quốc có khả năng chi trả số tiền lớn cho con em họ. Họ chi trả tiền học cho sự danh giá của  tấm bằng ĐH của con cái họ. Tôi đã có vài sinh viên như thế. Họ không phù hợp với trường ĐH của tôi, nhưng vì quan liêu, vì 53.000 USD/năm mà trường ĐH của tôi chấp nhận họ” - GS Neal thẳng thắn chia sẻ. 

Ông cho hay, trong số những sinh viên này, một số trường hợp quay về nước, có công việc tốt vì các công ty tin rằng họ có bằng cấp được công nhận tại Mỹ, thành thạo tiếng Anh và có kinh nghiệm quốc tế. Tất cả điều này là sai.

Trong khi đó, các  ĐH Mỹ mở chi nhánh ở các quốc gia đang phát triển chủ yếu vì lý do tài chính, họ thu được khoản lợi nhuận khổng lồ vì học phí cao. Họ bán thương hiệu và đang tạo điều kiện cho các con cái các gia đình khá giả, cho dù có lực học không tốt, có cơ hội công việc tốt hơn. 

Theo GS Neal, giáo dục ĐH Mỹ cũng có hai điểm tốt. Thứ nhất là phi tập trung và thứ hai là giảng dạy tích hợp rất tốt với nghiên cứu.  “Trong một số trường hợp, tôi phản đối quan điểm Việt Nam nên bắt chước hệ thống của Mỹ.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực phát triển toán học có hai bài học tích cực mà Việt Nam có thể học hỏi từ Mỹ. Đầu tiên là cải thiện mở rộng các trường ĐH khu vực. Thứ hai là những nhà toán học nên trực tiếp giảng dạy các cử nhân, những sinh viên đã tốt nghiệp (nhưng không nhiều, đảm bảo cho việc nghiên cứu)”, GS Neal nói.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.