Ngày 18/9, đề thi môn Ngữ văn (thời gian làm bài 180 phút), kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2018 của Sở GD&ĐT Bắc Giang được chia sẻ trên mạng. Trong đó, câu 1 (8 điểm) có nội dung như sau:
"Hãy viết một bài văn nghị luận trình bày quan điểm của anh/chị về vấn đề được gợi ý từ bức ảnh trên".
Đề cho một hình ảnh trừu tượng về chiếc thuyền giấy nổi trên mặt nước và bóng đèn gắn với chiếc thuyền bị chìm dưới nước.
Đề thi này nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng đề thi “hại não” bởi phần hình ảnh khó hiểu, thậm chí cho rằng nó phi logic.
Nhiều học sinh khi được hỏi đều nói đọc đề thi thấy hoang mang vì không thể hiểu được yêu cầu của câu nghị luận văn học.
Một độc giả cho rằng, hình ảnh được đưa vào trong đề thi thật khiên cưỡng: “Em thấy buồn cười với cái bóng đèn to đùng, cái thuyền giấy bé tí. Và ấn tượng nhất là dây buộc lằng nhằng đến chướng mắt”.
Còn một độc giả khác cho rằng, có hai kiểu phản ứng với đề này: hoặc thấy đề hay, mới, kích thích, hoặc thấy nghi ngờ trí tuệ của bản thân, nói cách khác thấy mình ngu vì không hiểu gì.
Một giáo viên dạy văn chia sẻ trên mạng xã hội tỏ vẻ bối rối và thực sự, giáo viên này bày tỏ họ không hề có nhu cầu tìm đáp án đề này.
“Tôi thấy phi lý và khiêm cưỡng. Ra một đề văn để học sinh suy diễn lung tung thì có ổn không? Lấy hình ảnh cũng được, lấy hình vẽ cũng được nhưng tuyệt đối không thể là sự lắp ghép phi lý, phi logic, phi thực tế”- giáo viên này cho hay.
Một giáo viên dạy văn ở Hà Nội thì lo lắng, với đề này, mỗi người tưởng tượng ra một ý khác nhau, người chấm sẽ khó khăn.
Trao đổi với báo chí, cô giáo Phạm Thị Thanh Bình - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường THPT chuyên Bắc Giang, cũng là một trong những thành viên của tổ ra đề cho biết đây là đề thi tuyển chọn đội tuyển đi thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn của tỉnh Bắc Giang.
Cô Bình cho rằng dạng đề mở có nghĩa là học sinh lựa chọn nội dung bàn luận và mở cả ở việc lựa chọn phạm vi tư liệu, dẫn chứng trong đời sống, văn học và nhiều lĩnh vực khác để đưa vào bài viết của mình.
Cũng theo cô Bình, mục đích của người ra đề là muốn học sinh có khả năng quan sát, phân tích, kết nối chi tiết tìm ra vấn đề có giá trị nhất gắn với đời sống thực tiễn và xã hội để bàn luận. Khi ra đề bài này, tổ ra đề đã lường trước việc gây khó khăn cho người chấm.