Nhiều thế hệ học sinh trường Nguyễn Thượng Hiền - trường cấp ba có tiếng tại TP.HCM cho hay trường quy định nam nữ không được xếp cùng bàn, các bạn trai và gái nếu ngồi gần phải giữ khoảng cách 50 cm.
Một số địa điểm như ghế đá sân trường, thư viện, hầm để xe cũng không được phép ngồi cạnh hay nói chuyện quá lâu vì đó là hành vi "mờ ám”.
Ngoài ra, được biết đôi bạn nào bị thầy giám thị chụp lại hình đang ngồi cùng nhau trên ghế đá sẽ lập tức bị mời phụ huynh, phê bình, thậm chí hạ hạnh kiểm.
Giáo dục dựa trên cấm đoán là nền giáo dục không nhân văn
Liên quan đến thông tin về quy định cấm học sinh nam nữ ngồi gần nhau cũng như những quy định nghiêm cấm khắt khe ở một số trường khác, TS Trần Thành Nam- Giáo dục, ĐH quốc gia Hà Nội cho rằng, tác động của những quy định hay nội quy cấm đoán quá mức sẽ hạn chế sự tự chủ sáng tạo của học trò trong môi trường giáo dục
TS Nam nhấn mạnh, nhà trường có thể thấy những nguy cơ nhưng quy định hay nội quy đưa ra phải phù hợp với thời đại, bối cảnh và nền văn hoá.
“Theo tôi, nội quy về hành vi ứng xử giữa các học sinh với nhau chỉ cần ứng xử một cách tôn trọng và đúng mực là được rồi”- TS Nam ý kiến.
TS Trần Thành Nam
TS Nam đặt câu hỏi, liệu cấm đoán kỳ quặc kiểu không cho ngồi gần liệu có giám sát quản lý được không. Có tạo ra nhũng nhiễu khi có những “cảnh sát sân trường” không lo nhiệm vụ bảo vệ hướng dẫn học sinh mà chỉ lo chụp ảnh minh chứng rồi kiếm cớ quấy rối học sinh?
“Theo tôi, quy định hay nội quy trong trường học không nên chỉ liệt kê ra những hành vi cấm đoán vì nó quá nhiều, nhanh lỗi thời và làm tất cả mọi người ức chế. Hãy để nội quy là những hành vi nên làm dựa trên các giá trị nhà trường muốn giáo dục học sinh hướng tới”- TS Nam nhấn mạnh.
TS Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, mục tiêu giáo dục ra những con người phải tự chủ, sáng tạo, có đủ năng lực phẩm chất. Vì vậy, càng không nên bó buộc cá nhân vào quá nhiều nội quy theo kiểu các em làm học trò kiểu: chúng tôi là thầy, tôi đưa ra nội quy nào phải theo.
TS Nam cho biết, bằng chứng cho thấy nội quy có nghiêm khắc và vô lý không tạo ra trò kỷ luật mà sẽ tạo ra trò biết đối phó. Sẽ chỉ tuân thủ kỷ luật khi có giám thị và sẽ không tuân thủ kỷ luật khi không có người giám sát. Sự việc giống hệt như tại sao ai cũng biết phải dừng đèn đỏ, đi đúng chiều nhưng rất nhiều người vẫn vượt đèn đỏ, đi ngược chiều khi có công an vậy
“Giáo dục dựa trên nội quy, cấm đoán, trên nền tảng làm cho học trò sợ hãi mà không dám làm là một nền giáo dục không nhân văn”- TS Nam nhấn mạnh.
Đừng mang danh nội quy trường học
TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, các trường không cho nam sinh và nữ sinh ngồi gần nhau do có sự lo sợ sức hấp dẫn giới tính có thể đem đến các tác hại.
Tuy nhiên, theo bà Hương, điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng với giới trẻ cũng như thể hiện rằng công tác giáo dục giới tính ở trường học này đã không thực sự hiệu quả. Nếu việc giáo dục giới tính được tiến hành hiệu quả, chắc chắn nỗi lo của nhà trường sẽ không xảy ra.
Bà Hương cũng cho rằng, nội quy hay các hình thức xử phạt trong nhà trường cũng cần phải đảm bảo quyền trẻ em và quyền con người.
“Tuyệt đối không thể xâm phạm vào những điều này dù mang danh là quy định hay nội quy trường học”- TS Hương nhấn mạnh.
Theo TS Hương, khi thiết kế nội quy cần quan tâm đến việc đảm bảo quyền trẻ em và quyền công dân của học sinh. Dù đó là nội quy của trường học nào thì điều quan trọng số một là cần đảm bảo tuân thủ những điều luật đã quy định về quyền con người và quyền trẻ em.
Bà Hương cho rằng, cần thiết phải có các điều luật quy định việc tuân thủ pháp luật để học sinh hình thành được ý thức cho việc này.
“Những hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử phạt nhẹ nhàng để học sinh ghi nhớ và lưu ý không vi phạm. Ví dụ: lấy đồ dùng của bạn bè sẽ bị xử phạt thế nào. Các điều khoản quy định các hình thức xử phạt khi có hành vi làm ảnh hưởng đến người khác như: đi học muộn, nói to trong giờ. Điều này sẽ giúp học sinh hình thành thói quen tôn trọng những người xung quanh trong khi sống và học tập chung trong tập thể”- TS Hương nhấn mạnh.