PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Nhiều giáo viên tự tạo rủi ro cho mình

PTS.TS Chu Cẩm Thơ. Ảnh: VietNamNet.
PTS.TS Chu Cẩm Thơ. Ảnh: VietNamNet.
TPO - PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng Ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục, Bộ GD&ĐT; Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, vụ việc cô giáo ở Quảng Bình đó không chỉ là một cái tát vào bệnh thành tích mà còn khiến nhiều người cảm nhận được sự đau đớn từ sự việc này.

Sau khi bắt học sinh tát bạn 231 cái, khiến nam sinh lớp 6 phải nhập viện, cô Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình), đã nhận lỗi. Nữ giáo viên này thừa nhận, học sinh nói tục, lớp sẽ bị trừ điểm thi đua rất nặng. Vì thế, để không ảnh hưởng thành tích, cô đặt ra quy định học sinh vi phạm sẽ bị mỗi bạn tát 10 cái.

Giáo viên chịu nhiều mầm mống của căn bệnh thành tích

PV: Có ý kiến cho rằng câu chuyện cô giáo bắt học sinh tát bạn 231 cái cũng là cái tát vào căn “bệnh thành tích” của ngành giáo dục cũng như thể hiện sự bế tắc trong giáo dục? Quan điểm của bà thế nào?

PGS.TS Chu Cẩm Thơ: Khi đi thực tế, tôi biết rằng, mỗi giáo viên, mỗi nhà trường đều phải gánh chịu ít nhiều mầm mống của căn bệnh này, không phải chỉ bởi những chỉ tiêu của ngành giáo dục, mà còn của gia đình, địa phương, của các tổ chức xã hội khác và thậm chí là của chính các cô giáo.

Tuy nhiên, không có gì đáng sợ hơn khi chúng ta sợ hãi, dạy trẻ bằng cách ép chúng sợ hãi, khiến chúng không dám phản biện, không dám làm khác đi, kể cả một việc đớn hèn, sai lầm đó là “vâng lời cô để tát bạn”. Chứng kiến sự mô tả về những cháu bé đã tham gia tát bạn, cháu bé bị tát, … làm cho tôi thấy đau hơn rất nhiều một cái tát.

PV: Chính giáo viên thừa nhận có áp lực trong thành tích và vị hiệu trưởng trường cũng muốn “ém nhẹm” chuyện vì trường sắp được công nhận trường chuẩn quốc gia? Cá nhân bà thấy bệnh ham thành tích này đến từ đâu?

Tôi được biết một số nghiên cứu về “căn bệnh thành tích”. Khi đi tìm nguyên nhân của căn bệnh này các nghiên cứu ấy đều chỉ ra rằng, việc đánh giá mỗi cá nhân, mỗi đơn vị dựa vào các chỉ tiêu, dựa vào thành tích, mà không dựa trên quá trình, dựa trên năng lực là một trong những nguyên nhân đáng kể tới nhất. Thi đua, thành tích vốn dĩ là một động lực cho sự phát triển.

Nhưng có lẽ trong những vụ việc như thế này, những chỉ tiêu để tạo ra thành tích đã được xây dựng không tạo ra động lực cho nhà trường, cho cô giáo, cho học sinh. Nguyên tắc của giáo dục đó là động lực phải đến từ bên trong, từ sự thay đổi của chính những chủ thể và phải hướng đến mục tiêu giáo dục từng con người.

Lâu nay, những chỉ tiêu áp đặt, những con số chỉ đến vào lúc thi, lúc kiểm tra, lúc xét khen thưởng, … đã khiến cho một số người sẵn sàng “ém nhẹm” cái quá trình vận động, để hướng đến mục đích của mình.

Lâu nay, những chỉ tiêu áp đặt, những con số chỉ đến vào lúc thi, lúc kiểm tra, lúc xét khen thưởng, … đã khiến cho một số người sẵn sàng “ém nhẹm” cái quá trình vận động, để hướng đến mục đích của mình.

Những giáo viên không đủ tâm dễ rơi vào “bẫy” của chính mình

PV: Có ý kiến cho rằng, giáo viên thời nay có quá nhiều áp lực bủa vây? Vì áp lực mà giáo viên tự rơi vào “bẫy”của chính mình. Riêng ở trường hợp này, cô giáo có áp lực vì mong muốn thay đổi học sinh hư, vào kỳ vọng vào nhà trường được chuẩn quốc gia. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Nghề nào, thời nào cũng có những áp lực, tôi cho là không ít hơn hay nhiều hơn là bao nhiêu. Nghề giáo thời nay cũng vì thế chẳng ít hay nhiều hơn áp lực so với những thời kì trước đó. Bởi muốn tồn tại, chúng ta phải thay đổi, phải thích nghi. Những người không chịu thay đổi, hoặc chưa đủ tâm, đủ chuyên môn dễ tự rơi vào bẫy của chính mình, bởi họ đã không xác định đúng vai trò, trách nhiệm với nghề. Còn với bản thân họ, thì rõ ràng, họ đã tạo ra cho mình rất nhiều rủi ro, bất an mà họ không biết, chỉ khi sự việc xảy ra rồi họ mới sợ hãi (như trường hợp của cô giáo này).

Tôi đã từng tiếp xúc với nhiều giáo viên, họ đã đi dạy điềm nhiên mà không hề để tâm vào nghiên cứu học sinh, vào bài học. Trong khi đó, có vô vàn giáo viên khác lại hàng ngày, hàng giờ thể hiện được sự thay đổi của mình, chỉ vì họ yêu nghề, yêu học sinh, và họ thích nghi được với yêu cầu của thời đại. Làm nghề giáo hay bất kì nghề nào khác cũng đòi hỏi sự chuyên nghiệp về chuyên môn và môn tâm thế trách nhiệm với nghề.

PV: Là một giáo viên, bà mong muốn một môi trường giáo dục như thế nào để tránh áp lực cho giáo viên và một môi trường giáo dục được giảm thiểu bạo lực?

"Tôi cho rằng chẳng có gì là bế tắc, mà chỉ có sự “tắc nghẽn” ở một số trường hợp mà thôi. Tuy nhiên, những gì tôi được biết, thì đúng là có căn bệnh tên là “Bệnh thành tích”, nó đang ở trong xã hội, chứ không phải chỉ có ở ngành giáo dục", PGS Chu Cẩm Thơ.

Từ kinh nghiệm thực hành giáo dục và nghiên cứu giáo dục, tôi rất mong muốn mỗi nhà trường được tự chủ nhiều hơn trong đánh giá học sinh, đánh giá giáo viên, nhân viên dựa trên năng lực của họ, rồi đáp ứng nhu cầu của chính họ (được xác định tổng thể từ nhu cầu – năng lực của người học, của nhà trường trong bối cảnh xã hội). Mỗi người giáo viên cần được đào tạo, bồi dưỡng để thực hiện công việc của mình, hướng đến giáo dục nhân cách của học sinh chứ không phải dùng quyền uy để áp đặt, nhồi nhét kiến thức. Việc giáo dục phải dựa trên giá trị, sự vững bền, và được phối hợp nhuần nhuyễn giữa gia đình- nhà trường – xã hội.

Đối với trẻ em, giáo dục bắt nguồn từ yêu thương. Muốn giảm thiểu bạo lực thì cần cho các em được chứng kiến môi trường an toàn, thân thiện, làm gương từ xung quanh, để các em có niềm tin vào điều tốt đẹp. Các em cũng cần được tạo điều kiện để phát triển thể chất, phát triển năng khiếu, chứ không phải bị ép buộc đi theo lối mà người lớn dựng nên.

PV: Bà có tin thời gian tới, bệnh thành tích trong giáo dục sẽ được giảm bớt không?

Thời gian này, chúng tôi đang cùng nhau lan tỏa của Chương trình “Thầy Cô chúng ta đã thay đổi” – một chương trình truyền hình thực tế về nghề giáo đã rất thành công trong hai năm thực hiện, phát sóng.

Từ chương trình này, chúng tôi tự tin rằng mỗi giáo viên đều có thể tạo ra lớp học hạnh phúc của mình bằng cách thay đổi nhận thức, thay đổi bản thân để áp dụng cách quản lí cảm xúc, kỉ luật tích cực, khơi gợi hứng thú học tập của học sinh. Hàng chục nghìn giáo viên đã hưởng ứng và có rất nhiều giáo viên, lớp học khác vẫn luôn hạnh phúc.

Thế nên tôi cho rằng chẳng có gì là bế tắc, mà chỉ có sự “tắc nghẽn” ở một số trường hợp mà thôi. Tuy nhiên, những gì tôi được biết, thì đúng là có căn bệnh tên là “Bệnh thành tích”, nó đang ở trong xã hội, chứ không chỉ có ở ngành giáo dục.

Xin cảm ơn bà!

Cô giáo vụ tát học sinh 230 hoảng loạn, đập đầu vào tường tự tử

Chiều 28/11, ông Nguyễn Văn Thân - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cho biết, bệnh nhân Nguyễn Thị Phương Thủy (41 tuổi, trú xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), cô giáo yêu cầu 23 học sinh tát một nam sinh trong lớp do chửi thề, đang được tích cực theo dõi trong bệnh viện. Theo ông Thân, cô Thủy có dấu hiệu stress nặng. Người nhà cô Thủy nói thêm, từ khi có quyết định khởi tố vụ án, cô Thủy hoảng loạn và đã đập đầu vào tường để tự tử.

MỚI - NÓNG