Hứng 231 cái tát nhập viện: Ai đẩy thầy cô giáo vào ‘chảo lửa’?

Ngôi trường nơi xảy ra vụ việc
Ngôi trường nơi xảy ra vụ việc
TPO - Do áp lực về thành tích thi đua, nên trong lúc nóng giận cô giáo ở Quảng Bình đã "lệnh" cả lớp tát học sinh Nhật 231 cái khiến em này nhập viện. Câu hỏi đặt ra là bệnh thành tích này do đâu và ai đang cố dồn các thầy cô vào 'chảo lửa'?

Cô giáo cô N.T.P Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2 trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) đã yêu cầu học sinh trong lớp tát 230 cái vào má nam sinh, khiến em phải nhập viện. Tuy nhiên, dư luận còn choáng váng hơn khi giải thích cho hành động của mình, cô giáo nói rằng “do nóng giận và một phần vì áp lực thi đua”. 

Cô Thủy cho hay, cô tiếp nhận làm chủ nhiệm của lớp 6.2 vào đầu năm học 2018-2019. Đây là lớp học không có thành tích tốt về cả học tập lẫn thi đua, thường đứng cuối bảng thi đua của trường. Theo quy định của nhà trường, học sinh nói tục sẽ bị trừ điểm thi đua rất nặng. Để khắc phục tình trạng này, cô giáo Thủy đã đặt ra quy định, nếu học sinh nào vi phạm sẽ bị mỗi bạn trong lớp tát 10 cái vào má. Bạn nào không tát hoặc nhẹ sẽ bị bạn bị phạt tát ngược lại 10 cái.

Nhận định về vụ việc, không ít thầy cô giáo than thở, do bệnh thành tích xuất phát từ việc các trường bị khống chế bằng các chỉ tiêu để xếp loại trường. Nhà trường muốn có danh hiệu tạo áp lực lên giáo viên và các thầy cô giáo vì muốn có thành tích cá nhân nên bất chấp mọi thủ đoạn, nhẹ thì bắt học sinh phải học tập nhiều, kể cả phải đi học thêm, nặng hơn thì sử dụng bạo lực. 

Chuyện cô giáo Thủy cho các học sinh trong lớp tát nam sinh vi phạm phần nào cho thấy giáo dục đã tạo ra những con người chỉ biết ’cúi đầu’ làm theo mà không có sự nhận biết đúng - sai, hay phản ứng lại điều sai trái mà cô giáo bắt các em thực hiện. 

Nhiều thầy cô giáo tâm sự, hiện nay, tại nhiều trường có đội Sao đỏ để chấm điểm thi đua của các lớp. Sao đỏ các lớp được thầy cô Tổng phụ trách Đội trực tiếp quản lý, phân công nhiệm vụ, thường các Sao đỏ phải đi trực chấm thi đua ngược xuất.

Tùy theo mỗi trường nội dung chấm thi đua cũng khác nhau, không theo quy định nào, thông thường có hai nội dung chấm thi đua là học tập và nề nếp. Học tập bao gồm việc: đi học trễ, nghỉ học có phép hay không, còn nề nếp gồm tác phong (đồng phục, khăn quàng, bảng tên, logo, nói tục, chửi thề, đánh nhau...) xếp hàng ra vào lớp, truy bài, hát đầu giờ, vệ sinh lớp, khu vực... Tất cả đều đưa vào thi đua để trừ điểm nên học sinh và thầy cô chủ nhiệm luôn lo sợ Sao đỏ trừ điểm là vậy.

Buồn hơn, khi cô Hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh xin báo chí đừng lên tiếng vì trường sắp được công nhận danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia mức độ II. Bởi theo lãnh đạo trường: “Nếu chỉ vì hành động sai trái của một cá nhân thì toàn bộ công sức của tập thể nhà trường sẽ đổ xuống sông, xuống biển”.

Không ít người nhận định 231 cái tát, không chỉ là tát em học sinh lớp 6 trường Duy Ninh, mà chính là cái tát vào những triết lý giáo dục đang được nhiều nhà nghiên cứu đề xuất, tát vào tự do và phẩm giá của học sinh, tát vào tư duy phản biện, tinh thần tự chủ của học sinh. Vì vậy, đừng vì thi đua, thành tích mà làm hoen ố hình ảnh nhà giáo trong mắt mọi người. Và dư luận đặt ra câu hỏi đến bao giờ ngành giáo dục có giải pháp để ngăn chặn bệnh thành tích trong giáo dục? Đến bao giờ các trường không vì thứ thành tích không có giá trị thực tiễn để không tạo áp lực lên các giáo viên và các em học sinh không phải gánh chịu hậu quả của căn bệnh trầm kha này?

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.