Trong số 31 cơ sở đào tạo xác nhận không chuẩn xác cho ứng viên có tới 8 cơ sở thuộc khối ngành y học. Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện trường ĐH Y Dược Thái Nguyên cho biết có một ứng viên PGS nguyên là giảng viên cơ hữu của trường, sau đó chuyển đơn vị công tác. Do thời gian công tác tại trường, ứng viên này nhớ không chính xác thời gian giảng dạy, liệt kê vào hồ sơ. Rồi bộ môn chắc cũng vì nể nang, có chia sẻ thông cảm gì đó nên xác nhận.
Vị đại diện này cũng cho biết ngay sau khi nhận thấy mình có lỗi, ứng viên này đã làm đơn xin rút.
“Trường hàng năm cũng có nhiều giảng viên thỉnh giảng. Nhưng chưa năm nào phải xác nhận cho giảng viên thỉnh giảng mà chỉ xác nhận cho giảng viên cơ hữu. Đối với giảng viên cơ hữu thì số giờ giảng của họ bao giờ cũng thừa. Vị ứng viên kia cũng từng là giảng viên cơ hữu của trường suốt hơn 20 năm” – vị này cho hay.
Còn tại ĐH Y Hà Nội, nhà trường cho biết có một ứng viên thỉnh giảng tại trường nằm trong danh sách 41 người không được công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Tuy nhiên, các giảng viên thỉnh giảng của trường đến từ các bệnh viện thường không làm hợp đồng cũng như thanh lý hợp đồng vì trường không trả lương.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong 31 cơ sở giáo dục xác nhận không chuẩn xác cho các ứng viên GS, PGS 2017. GS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện cho biết, sự việc này xảy ra năm 2012. “Thực tế, thầy cô có tham gia giảng dạy, có giờ lên lớp rất đầy đủ. Nhưng hợp đồng lúc đó ngày giờ chưa rõ hay như thế nào đó, nên Học viện đang cho đơn vị có liên quan rà soát”.
Quan chức cả đời đi họp làm sao đạt chuẩn
Nhận định về vấn đề này, GS. Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, giờ giảng dạy từ trước đến nay có mấy khi chuẩn xác. Nhưng tiêu chí này dễ bị phát hiện và dễ để loại ứng viên nhất. “Có quan chức cả đời đi họp thế thì làm sao mà đạt được chuẩn giờ dạy, nên biết ngay” - GS. Phạm Tất Dong nói.
Ông cũng cho rằng, trước đây, dư luận không phản ứng và không phát hiện ra sai sót này. Năm nay vì số lượng tăng đột biến nên giới khoa học bức xúc mới sinh chuyện. Việc tăng đột biến đó là một sự bất thường, vì bất thường nên người ta nghĩ ngay đến chuyện không nghiêm túc.
“Năm nay, số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư tăng lên có thể lý giải là sắp áp dụng tiêu chuẩn mới, nên giống như “cưới chạy tang”, tranh nhau đi “vé vớt”. Vì thế, mới sinh chuyện. Giới khoa học không đồng tình. Bình thường, số lượng giáo sư, phó giáo sư hàng năm không cao nhưng đã khó chịu vì chuẩn càng ngày càng thấp. Phó giáo sư mà chỉ yêu cầu có 10 điểm thì quá nhẹ. Vì vậy, năm nay, số lượng ứng viên tăng đột biến, một là chuẩn thấp, hai là quá dễ dãi cho nên giới khoa học phản ứng” - GS. Phạm Tất Dong khẳng định.
Trong khi đó, một giáo sư từng làm việc tại Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước cho rằng khó khăn của Việt Nam trong việc công nhận tiêu chuẩn GS, PGS không giống các nước phát triển. Ở các nước phát triển, trong một trường ĐH, đã có nhiều chuyên gia giỏi ở những lĩnh vực chuyên môn mà họ quản lý. Nên một ứng viên đưa hồ sơ lên, chắc chắn sẽ có vài giáo sư biết rõ các công trình của ứng viên này. Nên họ chỉ cần đánh giá định tính. Các giáo sư trong các trường ĐH có toàn quyền đánh giá được ứng viên.
Nhưng ở Việt Nam, không nói đến một trường mà nói cả nước, có nhiều ngành nghề chỉ có một người làm đề tài đó và không có người nào khác. Hoặc nếu có thì chỉ có thêm thầy hướng dẫn. Do đó, nếu dùng đánh giá định tính, chúng ta không có đủ chuyên gia. Vì thế phải đưa ra các định lượng.
Chẳng hạn như số bài báo thì cũng chỉ nhờ ban biên tập của tạp chí đánh giá. Trong khi đó, ban biên tập của các tạp chí Việt Nam chưa chắc đã chuẩn. Báo quốc tế thì vài chục năm trở lại đây cũng không còn chuẩn.
Còn tiêu chí định lượng, khó khăn gặp phải là không chính xác tuyệt đối, các con số đều mang tính tương đối. Quy định về định tính được áp dụng trong xét công nhận tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư của Việt Nam đó là bỏ phiếu kín tại các hội đồng và quy định phải đủ 3/4 số phiếu mới được công nhận.
“Nhưng hiện nay, có những hội đồng tới 20 người. Hội đồng như thế ứng viên bị trượt rất khó. Tôi nghĩ một trong những lý do không chuẩn vì lẽ này. Hội đồng không nên đông quá. Hồi đó tôi còn ở Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, tôi còn đề nghị 3 năm thay hội đồng một lần nhưng không được chấp thuận” – vị giáo sư này cho hay.
“Có quan chức cả đời đi họp thế thì làm sao mà đạt được chuẩn giờ dạy, nên biết ngay”.
GS. Phạm Tất Dong