Nếu rà soát đầy đủ, số GS,PGS trượt còn nhiều hơn nữa

TPO - Sau việc 41 ứng viên không đạt chuẩn GS, PGS sau khi rà soát, TS. Lê Viết Khuyến - nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, cần quy lại vấn đề quy trình xét duyệt. “Vừa rồi, rà soát lại 94 hồ sơ GS, PGS ở diện có đơn tố cáo, hồ sơ không đảm bảo, chứ nếu rà lại cả hơn 1.000 hồ sơ thì con số không chỉ dừng ở đó”- TS Lê Viết Khuyến nói.

Có thể “rụng” nhiều hơn 41 ứng viên?

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS. Lê Viết Khuyến - nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, cần quy lại vấn đề quy trình xét duyệt.

“Chính vì quy trình không ổn nên dẫn tới những hậu quả nhiều GS, PGS trượt như thế”- TS Khuyến nhấn mạnh. Ông Khuyến cho rằng, vừa rồi, rà soát lại 94 hồ sơ có đơn tố cáo, hồ sơ không đảm bảo mà có tới gần một nửa hồ sơ không đủ tiêu chuẩn. Nếu tiến hành rà lại cả hơn 1.000 hồ sơ theo cách thức như đợt vừa rồi thì tôi nghĩ là con số không chỉ dừng ở đó” – ông Khuyến cho biết.

“Nếu dư luận không kêu là năm nay GS, PGS được công nhận lớn khủng khiếp như thế, con số gấp 1,7 lần con số của mọi năm và Thủ tướng không chỉ đạo rà soát lại thì có lẽ mọi cái đều là đúng quy trình, đều làm dân chủ”- ông Khuyến nói.

Tuy nhiên, ông Khuyến cũng cho rằng việc rà soát mới chỉ ở tiêu chí là giảng dạy hay không giảng dạy và chỉ ở các trường hợp có đơn thư còn các tiêu chí khác chưa được “đụng” đến.

Theo TS. Khuyến, bản thân quy trình trước đây đã không hợp lý, vì không phù hợp với thông lệ chung của thế giới. Giáo sư chỉ là một chức danh nghề nghiệp. 

Ông Khuyến cho rằng, ở nghị quyết 14 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn từ 2006-2020 cũng đã chỉ ra chuyện đó. Tuy nhiên, 13 năm qua chúng ta đã không sửa gì cả. Chính vì không sửa mới có chuyện quy trình xét duyệt nghe cầu kì qua ba cấp nhưng lọt lưới rất dễ dàng.

Nhiều tiêu chí trong dự thảo mới không ổn?

GS Ngô Việt Trung cho rằng, theo thông lệ quốc tế thì trình độ khoa học của các ứng viên thể hiện trước tiên qua thành tích công bố quốc tế.

Gop ý về Dự thảo về công nhận tiêu chuẩn GS,PGS mới đang được lấy ý kiến dư luận, GS Ngô Việt Trung cho rằng tuy đã bước đầu yêu cầu bắt buộc ứng viên phải có công bố quốc tế nhưng vẫn yêu cầu trình độ khoa học của ứng viên và cũng không theo thông lệ quốc tế. 

“Chính vì những yêu cầu như thế này mà chúng ta có quá nhiều  những đề tài rởm, sách rởm, tiến sĩ rởm có hại cho nền khoa học hơn là có lợi”- GS Trung nhấn mạnh.

Theo GS Trung, quy định mới cũng không nên yêu cầu ứng viên phải có thâm niên đào tạo quá nhiều như hiện nay vì cái này không nói lên điều gì về khả năng giảng dạy cũng như trình độ khoa học của ứng viên. 

GS Trung cho rằng, uy tín khoa học có lẽ là thước đo duy nhất để phong chức danh. Uy tín này chỉ có thể thẩm định bởi một hội đồng ngành. Chính vì nền khoa học của chúng ta chưa đủ mạnh nên chúng ta phải đặt ra các tiêu chuẩn tối thiểu cho các chức danh. Các tiêu chuẩn này được gọi là tiêu chuẩn cứng. Bên cạnh đó còn có tiêu chuẩn mềm là số phiếu tán thành của hội đồng và đây mới là tiêu chuẩn quyết định.

Bước 1 là hội đồng thẩm định xem các ứng viên có thoả mãn các chuẩn quy định không và Bước 2 là thảo luận xem ứng viên có xứng đáng được phong chức danh hay không. Quy định mới cần nói rõ việc này để tránh những thắc mắc không đáng có sau này.

MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.