Giáo viên chưa được tiếp cận sách giáo khoa mới

Một bộ SGK mới được NXB giới thiệu trong tháng 12/2019
Một bộ SGK mới được NXB giới thiệu trong tháng 12/2019
TP - Sau hơn một tháng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thông qua 5 bộ sách giáo khoa mới, hiện nhiều trường tiểu học vẫn chưa tiếp cận bản mẫu. Trong khi đó, Bộ GD&ĐT quy định, hết tháng 3/2020, các trường phải chốt việc lựa chọn bộ sách học.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền giáo viên có nhiều năm dạy lớp 1, Trường tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, đến thời điểm này, việc chuẩn bị đổi mới chương trình GDPT đối với giáo viên lớp 1 dừng lại ở việc tập huấn chương trình khung, chưa được tiếp cận bất kỳ bản mẫu sách giáo khoa (SGK) nào.

Theo cô Huyền, SGK phải được phát tận tay từ hè năm trước để giáo viên có thời gian nghiên cứu từng bộ, sau đó mới có đánh giá, so sánh. Có tới 32 đầu sách mà không nghiên cứu, đánh giá một cách nghiêm túc thì việc lựa chọn bộ sách phù hợp cũng rất khó.

Cô Trần Thị Thu Hồng, giáo viên một trường tiểu học khác ở Hà Nội cho hay, ngoài việc giáo viên được giao quyền lựa chọn SGK thì trách nhiệm chính vẫn là nghiên cứu sự đổi mới, quan điểm cốt lõi, phương pháp tổ chức bài học của từng bộ sách. “Thậm chí, trước khi lựa chọn, các bộ sách cần được dạy thực nghiệm, có hội đồng đánh giá mới khách quan”, cô Hồng nói. Cũng theo cô Hồng, thời điểm này, giáo viên lớp 1 của trường vẫn chưa ai được tiếp cận các bản mẫu SGK.

May mắn hơn các giáo viên khác, cô Nguyễn Thu Hiền, giáo viên Trường tiểu học Thăng Long (Hà Nội) cho biết, cô đã được dạy một số tiết thực nghiệm về môn Toán 1 của một NXB. Đánh giá ban đầu cho thấy, cô rất ấn tượng với SGK mới ở hình thức sách đẹp, sắc nét. Về nội dung, sách đã có sự giảm tải, các bài học thiết kế gần gũi hơn với cuộc sống. Điều quan trọng yêu cầu lấy học sinh làm trung tâm nên giáo viên có thể hoàn toàn sáng tạo, không bị gò ép trong khuôn khổ nên tâm lý của giáo viên cũng thoải mái hơn.

Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành công B, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, nhà trường vẫn đang chờ Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK vì Bộ GD&ĐT vẫn mới chỉ có bản dự thảo lấy ý kiến rộng rãi về việc này. “Tuy nhiên, thời điểm này, các nhà trường cũng chưa tiếp cận Bộ SGK nào để giao cho giáo viên nghiên cứu. Vì thế, nếu trong thời gian ngắn mà yêu cầu giáo viên nghiên cứu, đánh giá và đưa ra lựa chọn sẽ rất vội vàng”, bà Yến nói.

Ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng GD&ĐT Thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) chia sẻ, khi thực hiện đổi mới rộng ra cả lớp 2, lớp 6 và lớp 3, lớp 7, lớp 10 nhưng vẫn mỗi trường một bộ sách sẽ khó khăn hơn cho việc quản lý. Do đó, ông Sum cho rằng, trong năm 2021-2022, khi Luật Giáo dục có hiệu lực, mỗi tỉnh, TP thành lập một hội đồng lựa chọn SGK dựa trên ý kiến của nhiều giáo viên là hợp lý.

Tuy nhiên, điều ông Sum băn khoăn là tháng 3/2020 phải chốt việc lựa chọn SGK nhưng thời điểm này, các bản mẫu SGK vẫn chưa về các trường học. Câu hỏi đặt ra là thời điểm nào, giáo viên mới được tiếp cận SGK để có thời gian nghiên cứu, đánh giá.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương bà Nguyễn Thị Tiến thông tin, một số NXB liên hệ Sở GD&ĐT để tập huấn về SGK. Tuy nhiên, hiện tại, địa phương đang chờ hướng dẫn chính thức của Bộ GD&ĐT, sau đó mới triển khai. Vì thế, dù chỉ còn 3 tháng nữa các trường tiểu học phải chốt việc chọn sách nhưng tại Hải Dương, chưa có trường học nào được dạy thử nghiệm một giờ học nào về chương trình SGK mới cũng như giáo viên chưa có sách để nghiên cứu.

MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương. 
Đằng sau hợp tác không gian Mỹ-Nga-Trung
Đằng sau hợp tác không gian Mỹ-Nga-Trung
TP - Hợp tác không gian Mỹ-Trung và Nga-Trung đang được đẩy mạnh vì các chiến lược, chương trình không gian của 3 nước có nhiều điểm chung và giúp tăng cường quan hệ song phương về tổng thể trong bối cảnh địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt.