Tại hội thảo về SGK lớp 1 mới do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, ông Hoàng Văn Vân, chủ biên của một bộ SGK tiếng Anh cho biết: Trong các cuốn sách mới thì tiếng Anh là môn duy nhất có 1 bộ SGK của Bộ GD&ĐT vì Bộ giao cho Đề án Ngoại ngữ quốc gia, NXB Giáo dục Việt Nam và đội ngũ tác giả 3 cấp học phổ thông thiết kế và biên soạn dưới sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT thông qua các vụ chức năng.
Ông Vân cho rằng vì là SGK làm theo đề án của Chính phủ nên phải trải qua nhiều cuộc “phẫu thuật”. Trước khi gửi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, SGK tiếng Anh tiểu học đã qua ít nhất 2 lần “phẫu thuật” bởi hội đồng thẩm định do Bộ trưởng GD&ĐT thành lập, nhận được rất nhiều ý kiến góp ý và tiến hành dạy thí điểm. Ông Vân khẳng định, bộ sách mà ông làm chủ biên là SGK duy nhất của Bộ GD&ĐT.
Ðề án chỉ biên soạn SGK từ lớp 3 đến lớp 12
Khẳng định này của ông Vân hoàn toàn có cơ sở, trước hết ở việc sử dụng kinh phí để biên soạn bộ SGK tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12 theo chương trình ngoại ngữ 10 năm. Thông tư hướng dẫn, quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025, do Bộ Tài chính ban hành ngày 23/5/2018 cho thấy toàn bộ kinh phí chi xây dựng chương trình, SGK, sách bài tập, sách giáo viên, tài liệu, học liệu, tài liệu hướng dẫn dạy và học ngoại ngữ đều là ngân sách nhà nước chi trả với hướng dẫn chi tiết. Ngoài ra, ngân sách nhà nước cũng chi cho việc tổ chức thẩm định, in ấn toàn bộ SGK và các tài liệu kể trên; thù lao cho giáo viên dạy thí điểm, dạy thực nghiệm tiếng Anh và các ngoại ngữ khác...
Tuy nhiên lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định không biên soạn hay chủ trì bất cứ bộ/cuốn SGK nào mà thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội về xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong việc biên soạn SGK nên toàn bộ kinh phí xuất bản SGK mới sẽ hoàn toàn không dùng ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, với những SGK tiếng Anh được biên soạn, thẩm định, thí điểm, tập huấn hoàn toàn bằng tiền của ngân sách nhà nước thông qua Đề án Ngoại ngữ quốc gia trong hệ thống giáo dục quốc dân như kể trên nên hiểu như thế nào?
Ngày 16/12, trao đổi với PV Tiền Phong, một đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thực hiện theo quy định, Đề án đã tổ chức biên soạn một bộ SGK tiếng Anh để thí điểm. Bộ SGK này được biên soạn từ lớp 3 đến lớp 12.
Chương trình thí điểm đã kết thúc vào năm 2016 và đang được triển khai mở rộng tùy điều kiện từng địa phương. Chương trình và sách tiếng Anh này được biên soạn tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới.
Lúc đầu, để thực hiện theo yêu cầu của Quốc hội là Bộ GD&ĐT biên soạn 1 bộ SGK gồm tất cả các môn học, Đề án ngoại ngữ quốc gia cũng dự định biên soạn SGK tiếng Anh lớp 1, lớp 2. Đề án đã làm việc với các chuyên gia về vấn đề này. Tuy nhiên, sau đó, kế hoạch biên soạn 1 bộ SGK của Bộ GD&ĐT không thực hiện được nên Đề án cũng không biên soạn SGK tiếng Anh lớp 1, lớp 2.
Trao đổi thêm vấn đề này, ông Vũ Bá Khánh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Giáo dục Hà Nội, công ty con của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: Bộ giao cho Đề án và NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn một bộ SGK tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12.
Đề án chi tiền trong giai đoạn thí điểm và thẩm định. Sau khi thí điểm một năm thì nhân rộng. Kết thúc một năm thí điểm, NXB Giáo dục Việt Nam tự bỏ kinh phí để in phục vụ mục đích kinh doanh giống như tất cả các SGK môn học khác hiện hành. Còn sách tiếng Anh lớp 1 chương trình mới của NXB Giáo dục Việt Nam vừa được thẩm định không liên quan đến đề án. Khi nào triển khai đến lớp 3 thì lúc đó NXB sẽ xem chỉ đạo của Bộ GD&ĐT thế nào.
“Với bộ SGK tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12 mà Đề án đã biên soạn và đưa vào giảng dạy, dự kiến triển khai đại trà từ năm 2021, 2022. Khi đó, nếu có đơn vị nào (NXB) trả kinh phí (dự kiến bằng hình thức đấu thầu) mà Bộ đã bỏ ra biên soạn bộ SGK này thì Bộ sẽ bàn giao, còn không, đây là bộ SGK của Bộ và dự kiến sẽ được đưa lên mạng cho người học dùng miễn phí”. Đại diện Bộ GD&ĐT cho hay.