Theo đó, tính đến năm 2017, trên địa bàn huyện Như Thanh có tổng số 182 giáo viên các môn đặc thù, nhân viên hành chính trong ngành giáo dục và đào tạo thôi hợp đồng lao động tại 53 trường học (bao gồm giáo viên, nhân viên hành chính, kế toán) ở các bậc học mầm non, tiểu học, THCS, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Qua thanh tra, cho thấy tổng số tiền Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp những trường hợp trên phải đóng là gần 5 tỷ đồng (từ năm 2005 đến 2017). Trong đó, chủ sử dụng lao động (UBND huyện Như Thanh) phải đóng cho người lao động số tiền hơn 3,3 tỷ đồng (số còn lại người lao động phải đóng). Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra số tiền người sử dụng lao động mới đóng có 2,5 tỷ đồng (còn nợ hơn 834 triệu đồng). Trong đó, người sử dụng lao động chỉ đóng có 178 triệu đồng bằng tiền ngân sách nhà nước, còn 2,3 tỷ đồng người lao động phải "đóng hộ".
Nguyên nhân của tình trạng trên là do thiếu một số vị trí, môn đặc thù để xây dựng trường chuẩn Quốc gia; nguồn thu ngân sách thấp, khả năng tự cân đối ngân sách dành để chi trả các chế độ bảo hiểm cho giáo viên, nhân viên hợp đồng gặp khó khăn; công tác đánh giá, dự báo sự biến động tăng, giảm học sinh theo chu kỳ biến động dân số trong từng thời kỳ của ngành giáo dục của huyện Như Thanh chưa được quan tâm đúng mức để làm hợp đồng lao động cho phù hợp với thực tế. Các phòng, ban liên quan chưa ý thức đầy đủ về quyền lợi và trách nhiệm đối với người lao động hợp đồng; chưa thường xuyên đấu mối, phối hợp kiểm tra, rà soát, tham mưu kịp thời cho UBND huyện thực hiện chế độ bảo hiểm cho người hợp đồng lao động.
Kết luận trên nêu rõ: UBND huyện có trách nhiệm chi trả lại cho người lao động đã đóng thay cho người sử dụng lao động với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng, hoàn thanh xong trong quý 3 năm 2019... Những khuyết điểm, tồn tại nêu trên trách nhiệm trước hết thuộc về tập thể, cá nhân có liên quan thuộc UBND huyện, phòng Nội vụ, phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng Tư Pháp...