“Tôi rất đau lòng”
Thưa bà, sự việc bảo mẫu, chủ cơ sở trẻ Mầm xanh đạp, tát hay dùng dao, muôi… đánh trẻ gây phẫn nộ trong dư luận, bà bình luận gì về điều này?
Sự việc xảy ra vừa qua làm tôi cảm thấy rất đau lòng. Cũng là một phụ huynh, tôi thấy xót xa, thương các cháu bé vô cùng và cảm thông, chia sẻ với nỗi lòng của những người mẹ. Đây vụ việc nghiêm trọng, là hành vi phản giáo dục, nhẫn tâm đối với trẻ em, gây phẫn nộ trong xã hội.
Sau khi xem đoạn video, ngay lập tức, tôi đã trực tiếp gọi điện chỉ đạo yêu cầu giám đốc, phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM phải đến tận nơi kiểm tra, phối hợp các ban ngành để xử lý nghiêm sự việc. Phải xử lý nghiêm thì mới làm gương cho các cơ sở khác.
Thưa bà, để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ nghiêm trọng như vậy phải chăng có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, phòng giáo dục trên địa bàn?
Trách nhiệm việc cấp phép hoạt động cho các nhóm lớp mầm non do trực tiếp ở các phường, xã. Cấp phòng giáo dục tại cơ sở chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn.
Tôi cho rằng, để xảy ra vụ việc, trách nhiệm trước tiên là do công tác quản lý ở cấp phường xã và phòng giáo dục ở đó chưa chặt chẽ. Các đơn vị cần coi đây là bài học để tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các nhóm lớp theo quy định. Đồng thời, cũng phải xem xét lại việc cấp phép cho các cơ sở giáo dục đã đúng quy định hay chưa?
Lâu nay, chúng ta vẫn nói đến kinh nghiệm, giải pháp tuy nhiên vẫn diễn ra nhiều vụ bạo hành trẻ. Theo bà nguyên nhân vì sao vẫn không chấm dứt được tình trạng này? Quan điểm của Bộ GD&ĐT như thế nào khi xử lý vụ việc?
Có một số nguyên nhân sau: Người chủ nhóm lớp tuy được đào tạo về giáo dục mầm non nhưng thiếu lương tâm, đạo đức nghề nghiệp và tình thương yêu đối với trẻ. Người chăm sóc trẻ không được đào tạo về giáo dục mầm non, thiếu kiến thức, kỹ năng sư phạm, kinh nghiệm chăm sóc, giáo dục trẻ, thiếu đạo đức công dân. Ngoài ra, công tác quản lý cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của nhóm lớp mầm non tư thục thiếu chặt chẽ và chưa hiệu quả.
Chúng tôi đã yêu cầu Sở GD&ĐT TPHCM xử lý và báo cáo nhanh vụ việc. Chúng tôi cũng đề nghị các đơn vị phối hợp xử lý vụ việc và hiện tại cơ quan chức năng đang điều tra. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là phải xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội.
10 nghìn cơ sở giáo dục mầm non tư thục
Theo quy định hiện hành thì chủ cơ sở mầm non và bảo mẫu cần có trình độ chuyên môn nghiệp vụ như thế nào? Qua các đợt rà soát thực trạng, điều kiện này có được đảm bảo không, thưa bà?
Theo quy định, chủ nhóm lớp độc lập tư thục phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ em hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục theo quy định. Giáo viên phải có bằng trung cấp sư phạm mầm non trở lên. Nếu chủ nhóm lớp muốn làm giáo viên trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ cũng phải đảm bảo yêu cầu về bằng cấp như đối với giáo viên. Văn bản của Bộ không quy định chức danh bảo mẫu trong cơ sở GDMN.
Theo báo cáo của các địa phương và thực tế kiểm tra giám sát của Bộ, nhìn chung, chủ các nhóm lớp đều đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số chủ nhóm lớp không tuân thủ nghiêm các quy định, không duy trì được những điều kiện khi được cấp phép: số lượng trẻ trên nhóm lớp tăng, nhưng không bổ sung đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, mà sử dụng những người không có chuyên môn GDMN trực tiếp chăm sóc trẻ.
Hiện tại, TP HCM nói riêng và cả nước nói chung còn khoảng bao nhiêu cơ sở mầm non, điểm trông trẻ nhỏ lẻ? Tới đây, Bộ GD&ĐT có chỉ đạo, giải pháp nào để hạn chế những vụ bạo hành trẻ đau lòng như vậy?
Theo số liệu thống kê năm học 2016-2017, toàn quốc có gần 10 ngàn cơ sở GDMN độc lập tư thục, riêng TP. HCM có hơn 1.700 cơ sở. Với nhu cầu gửi trẻ ngày càng tăng hiện nay, các cơ sở GDMN tư thục này đã góp phần đáng kể trong việc đáp ứng nhu cầu đưa trẻ lứa tuổi mầm non tới trường của nhân dân, giảm bớt tình trạng quá tải trong các trường mầm non công lập và phù hợp với thu nhập và điều kiện làm việc theo ca, kíp của công nhân.
Thời gian qua, Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cũng như nhiều văn bản hướng dẫn về tăng cường quản lý các cơ sở GDMN, trong đó đặt vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ lên hàng đầu.
Thời gian tới, Bộ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, thực hiện nghiêm việc cấp phép thành lập nhóm, lớp độc lập tư thục. Tổ chức thanh tra cả thường xuyên lẫn đột xuất hoạt động của các cơ sở GDMN tư thục trên địa bàn. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non trên địa bàn.