Bạo hành trẻ em ngày càng nhiều: Khó điều tra, dễ lo lót nên hay chìm xuồng

“Ác mẫu” cầm dao dọa trẻ nhỏ ở cơ sở Mầm Xanh.
“Ác mẫu” cầm dao dọa trẻ nhỏ ở cơ sở Mầm Xanh.
TP - Liên quan tới các vụ việc bạo hành trẻ em liên tục được dư luận phát hiện những năm gần đây, Tiền Phong có cuộc trao đổi với bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam về trách nhiệm các cơ quan nhà nước, trong bảo vệ trẻ em.

Bà Ninh Thị Hồng cho rằng, Việt Nam hiện chưa có số liệu thống kê tình hình bạo hành trẻ em thường xuyên, chính xác, nên khó đánh giá chính xác tình trạng bạo hành trẻ em. “Qua các vụ việc bạo hành trẻ em bị phát giác, những năm gần đây, rõ ràng mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng”, bà Hồng đánh giá.

Bà nói, chúng ta không có cán bộ để nắm bắt, thống kê tình hình chăm sóc trẻ em từ cấp phường xã, nhưng thực tế các xã/phường đều có cán bộ phụ trách lĩnh vực lao động – xã hội, họ cũng có nhiệm vụ này?

Cán bộ lĩnh vực lao động – xã hội cấp xã hiện chủ yếu thực hiện chính sách người có công, an sinh… Họ không còn thời gian nên trẻ em chỉ là đối tượng quan tâm thứ yếu của họ. Trước đây, Ủy ban Dân số Kế hoạch hóa gia đình có mạng lưới cán bộ, cộng tác viên tới tận thôn, bản, nhưng nay đã giải thể, việc quản lý trẻ em đưa về cục thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Nay phải 3-6 tháng, các phòng LĐ-TB&XH cấp huyện mới có báo cáo về trẻ em gửi cấp cao hơn, chưa kể độ chính xác của số liệu cũng còn phải bàn. Đây là vấn đề quản lý đang bất cập, dù trẻ em ngày càng nhiều, nhưng công tác quản lý lại xa dần.

Mỗi khi xảy ra những vụ việc bạo hành trẻ em, các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ bảo vệ trẻ em đều nói đã làm rất nhiều việc, dùng nhiều cách. Theo bà, các giải pháp đó có hiệu quả không?

Khi có các vụ việc bạo hành trẻ em bị phát hiện, các cơ quan nhà nước bắt buộc phải xử lý. Nhưng có nhiều trường hợp, nếu không có tiếng nói của các tổ chức, báo chí thúc ép, thậm chí Thủ tướng chỉ đạo, các cơ quan thực thi pháp luật sẽ không quan tâm, chọn vụ dễ để làm, khó thì bỏ. Thực tế, điều tra các vụ án liên quan trẻ em không dễ, nên khi thấy khó, hoặc bị mua chuộc, lo lót thì các cơ quan thực thi pháp luật tìm cách cho “chìm xuồng”.

Bạo hành trẻ em ngày càng nhiều: Khó điều tra, dễ lo lót nên hay chìm xuồng ảnh 1 Bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Thực tế, hầu hết các vụ bạo hành trẻ em đều do dư luận xã hội phát hiện, rất ít vụ do cơ quan quản lý phát hiện, phải chăng vấn đề bảo vệ trẻ em mới chỉ dừng ở lời nói, văn bản, chưa đi vào thực chất?

Đúng vậy, hiện việc ngăn chặn bạo hành trẻ em mới dừng ở lời nói. Điều đó cũng thường xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác. Thậm chí, chưa nói tới các biện pháp mạnh, ngay việc tuyên truyền cũng chưa hiệu quả, chưa tới người dân, nên nhiều người hiểu chưa đúng về chống bạo hành trẻ em. Như có người nghe trẻ em la khóc, nhưng nghĩ bình thường nên kệ, hay có phụ huynh bỏ tiền thuê giúp việc và giao phó toàn bộ cho họ, không để ý gì tới con nữa, con bị bạo hành cũng không biết. 

Về phần quản lý nhà nước cũng chưa quan tâm tới các giải pháp ngăn chặn bạo hành trẻ em.

Vậy theo bà, giải pháp tốt nhất hiện nay là gì để cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong bảo vệ quyền trẻ em?

Trước tiên, các cán bộ nhà nước ăn lương ngân sách phải làm đúng chức trách được giao. Hiện bộ máy nhà nước cồng kềnh nhưng nhiều người làm chưa hết trách nhiệm.
Cùng đó, cơ quan chức năng cần tuyên truyền để chính bậc cha mẹ phải có ý thức bảo vệ con. Nhà nước cũng cần có chính sách, quy định rõ ràng để các tổ chức xã hội, cộng đồng tham gia giám sát, ngăn chặn bạo hành trẻ em. Thay vì chỉ nói khơi khơi, nói khắp nơi, nghe rất hay cộng đồng không thể tham gia giám sát được, thì nên có quy định cụ thể.

Vậy về phần mình, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam đã làm gì để giúp bảo vệ, ngăn chặn bạo hành trẻ em?

Chúng tôi là tổ chức xã hội tự nguyện, phi lợi nhuận, không có bất cứ nguồn ngân sách nhà nước nào hỗ trợ như nhiều người nói. Tuy nhiên, với trách nhiệm của mình, chúng tôi luôn thu thập thông tin và kiến nghị cơ quan chức năng để xử lý, cũng như góp ý vào các chính sách của nhà nước. Như vừa rồi, ngay khi xảy ra các vụ bạo hành ở Hà Nam, TPHCM chúng tôi đều có văn bản kiến nghị ngay với chính quyền địa phương để ngăn chặn, xử lý. Tới nay, tổ chức chúng tôi đã ghi nhận hơn 450 vụ bạo hành, xâm hại trẻ em và chuyển cơ quan chức năng xử lý. 

Cảm ơn bà.

Ngày 28/11, đại tá Đoàn Văn Phúc, Trưởng Công an quận 12 (TPHCM) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận này đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Phạm Thị Mỹ Linh (chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh, quận 12, TPHCM) về tội “Hành hạ người khác”. Tại Công an quận 12, bà Phạm Thị Mỹ Linh thừa nhận có hành vi dùng tay chân, vá múc canh, can nhựa,…để hành hạ, đánh đạp các bé từ 12 tháng đến 5 tuổi tại trường.

MỚI - NÓNG