Bà Nghĩa nói, sự việc xảy ra làm tôi rất đau lòng. Cũng là một phụ huynh, tôi thấy xót xa, thương các cháu bé vô cùng và cảm thông, chia sẻ với nỗi lòng người mẹ. Đây vụ việc nghiêm trọng, là hành vi phản giáo dục, nhẫn tâm đối với trẻ em, gây phẫn nộ trong xã hội.
Sau khi xem đoạn video, tôi đã trực tiếp gọi điện chỉ đạo yêu cầu giám đốc, phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM phải đến tận nơi kiểm tra, phối hợp các ban ngành để xử lý nghiêm sự việc. Phải xử lý nghiêm thì mới làm gương cho các cơ sở khác.
Tôi cho rằng, để xảy ra vụ việc, trách nhiệm trước tiên là do công tác quản lý ở cấp phường xã và phòng giáo dục ở đó chưa chặt chẽ. Các đơn vị cần coi đây là bài học để tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các nhóm lớp theo quy định. Đồng thời, cũng phải xem xét lại việc cấp phép cho các cơ sở giáo dục đã đúng quy định hay chưa?
Về nguyên nhân bạo hành trẻ gia tăng, bà Nghĩa cho biết: Người chủ nhóm lớp tuy được đào tạo về giáo dục mầm non nhưng thiếu lương tâm, đạo đức nghề nghiệp và tình thương yêu đối với trẻ. Người chăm sóc trẻ không được đào tạo về giáo dục mầm non, thiếu kiến thức, kỹ năng sư phạm, kinh nghiệm chăm sóc, giáo dục trẻ, thiếu đạo đức công dân. Ngoài ra, công tác quản lý cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của nhóm lớp mầm non tư thục thiếu chặt chẽ và chưa hiệu quả.
Theo quy định, chủ nhóm lớp độc lập tư thục phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ em hoặc chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục theo quy định. Giáo viên phải có bằng trung cấp sư phạm mầm non trở lên. Nếu chủ nhóm lớp muốn làm giáo viên trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ cũng phải đảm bảo yêu cầu về bằng cấp như đối với giáo viên. Văn bản của Bộ không quy định chức danh bảo mẫu trong cơ sở GDMN.