Cô giáo ở cơ sở Mầm Xanh bạo hành trẻ em một cách dã man bằng bất cứ vật dụng gì đang cầm trên tay, "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với trẻ dưới 5 tuổi.
BS Nguyễn Trọng An cho rằng: Bên cạnh tổn hại nghiêm trọng về sức khoẻ, trẻ bị bạo hành còn gặp những vấn đề về tinh thần trước mắt và lâu dài. Trẻ mới vài tuổi bị bạo hành dã man trong suốt một thời gian dài sẽ tổn hại nghiêm trọng đến sức khoẻ và tinh thần.
Về thể xác, trẻ có thể bị xây xát bên ngoài, người lớn dễ phát hiện và xử lý. Nhưng nhiều trường hợp trẻ có thể bị nứt, gãy xương, để lại những tổn thương nội tạng, gây di chứng co giật, động kinh, chậm phát triển. Hoặc có trường hợp trẻ bị bạo hành có thể bị sặc sữa, sặc cháo, nguy hiểm đến tính mạng.
Thế nhưng, điều lo lắng hơn cả là việc bạo hành trẻ lâu dài khiến trẻ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề dẫn tới hiện tượng sang chấn tâm lý. Về tinh thần, trẻ bị bạo hành sẽ có cách nhìn và suy nghĩ không tốt về giáo viên. Trẻ có cảm giác sợ hãi khi đến lớp học, từ đó xuất hiện những dấu hiệu trầm cảm, lo âu, sợ sệt.
BS An phân tích thêm: Những hành động bạo hành của các bảo mẫu có thể gây phản ứng chống đối hoặc phòng vệ ở trẻ, khiến trẻ phát triển tính chống đối, ngang bướng, lầm lì, ít nói, mất tự tin. Đặc biệt, nguy hiểm là trẻ có thể bắt chước các cô, từ đó, phát triển tính bạo lực sau này.
“Sự việc xảy ra tại cơ sở Mầm Xanh, bên cạnh việc xử lý giáo viên, bảo mẫu cũng cần xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương. Cơ sở mầm non hoạt động trên địa bàn xảy ra sự việc nghiêm trọng mà chính quyền không hay biết. Như vậy, việc quản lý của chính quyền ở đâu? Ngoài ra, để xảy ra tình trạng trên một phần do hoạt động của đội ngũ công tác viên tuyên truyền, phát hiện sớm ở mức độ phòng ngừa trong công tác chăm sóc, quản lý trẻ em còn yếu và thiếu”, BS An nói.
Theo giáo sư Nguyễn Viết Thiêm - Phó chủ tịch Hội Tâm thần Học Việt Nam, Chủ nhiệm bộ môn tâm thần trường Đại học Y Hà Nội, bạo hành trước hết ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất của trẻ hoặc nguy hại hơn, khiến trẻ có thể bị nguy hiểm đến tính mạng. Bạo hành cũng làm trẻ không thể phát triển về thể chất một cách bình thường. Trẻ có thể trở nên còi cọc, chậm lớn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, nước da tái, môi nhợt nhạt, ánh mắt đờ đẫn bạc nhược hoặc hung dữ… Khi những bệnh nhân được điều trị có hiệu quả, nước da của họ đều trở nên đẹp hơn, ánh mắt trong sáng hơn…
Khi bị bạo hành, có hai phản ứng ở trẻ thường xảy ra. Nếu biểu hiện ra bên ngoài, trẻ có thể thay đổi tính nết. Đang hiền lành, trẻ bỗng trở nên hung bạo, hay cáu gắt, khóc lóc, thậm chí đánh đập người khác hoặc độc ác với thú vật. Loại thứ hai là cách phản ứng thu mình lại. Trẻ trở nên lo lắng, buồn phiền, xa lánh mọi người, không thích tiếp xúc và luôn mang cảm giác sợ sệt.
Tuy nhiên, điều đặc biệt lưu ý là việc bạo hành trẻ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Tất cả những hành động như đánh đập, vùi dập, khủng bố, làm nhục đều khiến đứa trẻ thiếu tự tin, rụt rẻ, luôn trong trạng thái thảng thốt. Bị bạo hành, trẻ dần dần hình thành một nhân cách nhút nhát, tự ti, thiếu sự khẳng định mình khi mà trong cuộc sống có biết bao điều cần khẳng định bản thân mỗi người. Thử thách trong cuộc sống là rất nhiều.
Một tác hại cũng không thể không nhắc tới, đó là việc bạo hành, làm nhục có thể khiến trẻ trở nên mất lòng tự trọng. Khi liên tục bị đánh đập, hành hạ hoặc bị làm nhục dưới mọi hình thức, trẻ trở nên mất lòng tự trọng, lì lợm, ngang bướng, và không còn coi chuyện vi phạm lỗi là quan trọng. Trẻ sẵn sàng không tôn trọng người khác nơi công cộng, có những hành vi mà người có lòng tự trọng không bao giờ làm. Trẻ cũng trở nên vô cảm, không biết lên án những hành vi phi đạo đức của người khác.