Cha mẹ tự điều trị, nhiều trẻ nhập viện vì biến chứng viêm phổi

Bác sĩ khám cho trẻ bị viêm đường hô hấp.
Bác sĩ khám cho trẻ bị viêm đường hô hấp.
TP - Ngày 25/4, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong những ngày giao mùa này, số trẻ nhập viện vì các bệnh viêm phổi, viêm đường hô hấp tăng đáng kể. Mỗi ngày, Khoa Nhi khám khoảng 400-500 trẻ, trong đó khoảng 30% là các bệnh liên quan hô hấp. Nhiều trẻ bệnh nặng hơn vì biến chứng viêm phổi, suy hô hấp do cha mẹ tự ý điều trị cho con.

Có nhiều trường hợp được ghi nhận, gia đình thấy con bị ho, sốt đã tự ý đi mua thuốc về cho con dùng (có thể theo đơn lần điều trị trước hoặc tự chọn thuốc cho con điều trị) nên khi bệnh trở nặng, suy hô hấp nặng mới hốt hoảng đưa con nhập viện sẽ khiến cho việc chữa trị cho trẻ khó khăn hơn và kéo dài hơn. Thậm chí có trẻ còn phải thở máy điều trị viêm phổi nặng, viêm tiểu phế quản. Điều này khiến kéo dài thời gian điều trị và chi phí cho một lần chữa bệnh sẽ tăng lên, nặng nề hơn, thậm chí trẻ có thể tử vong nếu đến quá muộn.

Bác sĩ Trương Văn Quý, Khoa Nhi cho biết, viêm phổi là bệnh có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân nhập viện điều trị hàng đầu trong các bệnh lý hô hấp. Bệnh dễ diễn biến nhanh, nặng nhanh nếu không phát hiện điều trị kịp thời, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Hiện nay, 60-70% trường hợp trẻ mắc viêm phổi là do virus. Vì vậy, trẻ bị viêm đường hô hấp, không phải lúc nào cũng điều trị bằng kháng sinh.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), viêm họng phần lớn nguyên nhân do virus, đồng nghĩa với việc không được sử dụng kháng sinh vì không mang lại hiệu quả điều trị. Đó là chưa kể nguy cơ gây kháng thuốc kháng sinh. TS Dũng chỉ ra: “Cứ 10 trẻ bị viêm họng thì có đến 8 trường hợp không cần dùng kháng sinh mà chỉ điều trị triệu chứng bằng cách có sốt thì dùng thuốc hạ sốt; ho thì dùng thuốc ho, thuốc long đờm; nghẹt, sổ mũi thì dùng nước muối biển, thuốc làm co mạch hoặc kháng histamin. Kháng sinh không sử dụng trong những trường hợp này và trên thế giới, phác đồ điều trị viêm họng do virus cũng không sử dụng kháng sinh”. PGS Dũng dẫn chứng nhiều nghiên cứu cho thấy, tác dụng của kháng sinh so với thuốc ho trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp trên ở trẻ em là rất thấp. Theo đó, thuốc ho làm giảm ho nhiều hơn kháng sinh sau 6 ngày điều trị.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đặc biệt lưu ý những trường hợp cha mẹ có thói quen cho trẻ uống kháng sinh sau 2 – 3 ngày thấy đỡ liền dừng thuốc. Đây là một điều rất nguy hiểm bởi khi uống thuốc, vi khuẩn đang bị yếu dần đi (nhưng chưa chết hẳn), nếu lúc này ngừng uống thuốc thì khả năng vi khuẩn không bị tiêu diệt, sống lại và dần có sức đề kháng với chính loại kháng sinh đang uống, từ đó gây nên tình trạng kháng thuốc rất nguy hiểm. Do đó, người bệnh cần tuyệt đối sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

Theo các bác sĩ, biểu hiện viêm phổi ở trẻ em rất đa dạng và tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh. Các triệu chứng thường gặp như ho, mệt, bú kém, chảy mũi, khò khè, thở nhanh, khó thở và có thể thấy trẻ tím tái khi tiến triển nặng.

MỚI - NÓNG