Tại buổi làm việc với các trường sư phạm trọng điểm, một trong những nội dung được bàn đến, đó chủ trương xác định chỉ tiêu của các trường đào tạo sư phạm trong năm nay và những năm tới. Thứ nhất dựa vào số lượng giáo viên của các môn học cần thiết cho năm 2022 đã được thống kê từ các địa phương để đảm bảo giữa nguồn “cầu và cung”.
Thứ hai, có lộ trình khi áp dụng kết quả kiểm định chất lượng trường, chương trình đào tạo để phân bổ chỉ tiêu; khuyến khích các trường đánh kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc gia và quốc tế.
Thứ ba, thẩm định, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng các chương trình đào tạo giáo viên để tăng cường công tác quản chất lượng và tạo sự cạnh tranh giữa các chương trình đào tạo giáo viên.
Cả nước hiện này có 73 trường ĐH, 59 trường CĐ, 33 trường trung cấp đào tạo sư phạm. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 của các trường sư phạm là 54.702. Các trường ĐH tuyển đạt 84% so với chỉ tiêu, CĐ đạt 70%. Một Nội dung nữa cũng được bàn thảo trong buổi làm việc, đó là điểm sàn cho khối trường sư phạm sẽ được công bố sau khi biết điểm thi THPT quốc gia.
Trong khi đó, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cho rằng quy định mới chắc chắn có gây khó khăn cho các trường, thời gian đầu không tránh khỏi. Tuy nhiên, đây là chiến lược của ngành nên không còn cách nào khác. Đào tạo như hiện nay, sinh viên tốt nghiệp ra trường làm trái ngành, kinh phí đầu tư của nhà nước không thu hồi được nên rất bất hợp lý.
Cũng là trường sư phạm kỹ thuật, PGS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng có 3 vấn đề đang ảnh hưởng tới đào tạo sư phạm. Thứ nhất là rút đề xuất tăng lương cho giáo viên. Đây là một quyết định sai lầm. Việc giáo viên hiện nay phải dạy thêm, phải làm thêm nhiều việc là một trở lực lớn thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm.
“Hàng ngày, các em học sinh phổ thông nhìn thấy cuộc sống của thầy cô mình còn đang nghèo khó như vậy thì không thể nào các em có động lực vào sư phạm dù có yêu thích” - PGS Dũng nói.
Hơn nữa sắp tới, công việc của giáo viên càng nặng thêm vì CT- SGK mới đưa vào thực tế. Vì vậy giáo viên cần phải có cuộc sống ổn định thì mới có thời gian yên tâm rèn luyện, bồi dưỡng chuyên môn.
Thứ hai là vấn đề học phí cho sư phạm. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng có đề xuất sẽ bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm và chuyển sang một hình thức khác. Theo PGS Đỗ Văn Dũng, việc bỏ miễn học phí cho sinh viên sư phạm lẽ ra phải làm từ lâu vì không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại.
Vấn đề thứ ba là có điểm sàn riêng cho các ngành sư phạm. PGS Dũng khẳng định chủ trương này là đúng. Qua theo dõi kết quả điểm chuẩn của các trường sư phạm 3 năm trở lại đây, số thí sinh điểm thấp vào sư phạm khá nhiều, điểm thấp như thế không có đủ năng lực để làm giáo viên.
“Ba yếu tố này sẽ tác động tới việc cơ cấu lại hệ thống các trường sư phạm. Năm 2018, chắc chắn các trường sư phạm lâu nay đào tạo ra nhiều sinh viên thất nghiệp sẽ khó tuyển sinh” - PGS Đỗ Văn Dũng cho hay. Theo ông Dũng, rào cản lớn nhất hiện nay đối với trường sư phạm vẫn là đời sống giáo viên. Còn học phí hay điểm sàn không phải là vấn đề lo lắng.
Tuy nhiên, sự điều chỉnh chắc chắn sẽ có tác động đến một số trường sư phạm. “Nhưng cần chấp nhận đau thương ít nhất một chu kỳ (4 năm), chỉ những em giỏi mới được vào sư phạm, ra trường có việc làm thì sẽ kích thích đầu vào của sư phạm” - PGS Đỗ Văn Dũng chia sẻ quan điểm.
Trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, việc quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu cho riêng ngành sư phạm là một trong những quy định để nâng cao chất lượng đào tạo. Có thể số lượng trúng tuyển hoặc đăng ký xét tuyển sẽ giảm so với những năm trước.
“Chúng tôi không sợ thiếu nhân lực. Vì nhân lực ngành sư phạm thời gian vừa qua đào tạo khá dồi dào” - bà Phụng cho hay. Mặt khác, bà Phụng cũng khẳng định, từ năm nay 2018, chỉ tiêu của các trường sư phạm được cân đối trên cơ sở nhu cầu sử dụng giáo viên thực tế của các địa phương trong những năm tới.