Oằn mình gánh phí điện cao ngất trời
Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung, bên cạnh giá nước sinh hoạt cao, thì giá điện lâu nay vẫn là áp lực đối với người thuê trọ. Bởi lẽ hai khoản chi này thường lên đến hơn nửa triệu đồng/tháng/phòng trọ. Trong khi đó, đối tượng thuê trọ chủ yếu là người có mức thu nhập thấp hoặc đang sống phụ thuộc vào gia đình. Hiện nay trung bình giá điện tính cho người thuê trọ vẫn giao động từ 4.500-5.000 đồng/kWh, đắt gấp 1,5- 2 lần giá bán lẻ điện ở bậc thang cao nhất theo quy định của Nhà nước.
Anh Nguyễn Sỹ Nguyên, thuê trọ ở ngõ Pháo Đài Láng chia sẻ “Tôi ra Hà Nội học đại học đến nay đã 4 năm và đều phải đi thuê trọ, trong 4 năm tôi đã đổi chỗ trọ 3 lần và giá điện phải đóng đều từ 4.000 đồng cho đến 5.000 đồng một kWh, giá nước chỗ lấy đắt nhất từng ở là 25.000 đồng một mét khối. Như vậy, trung bình một tháng tôi mất từ 400.000 – 500.000 tiền điện. Chi phí như thế thật sự quá đắt đỏ, nhưng ở đây nhà nào cũng thu như thế, nên đành phải chấp nhận dù biết thế là sai. Sinh viên thuê trọ, phụ thuộc vào chủ nhà trọ thôi.”
Những khoản phí từ trên trời rơi xuống
Khi có thông báo Thông tư 25 được thông qua, nhiều người đi thuê trọ tỏ ra vui mừng vì từ nay không còn phải chịu chi phí điện đắt đỏ nữa. Tuy nhiên theo anh Nam (quận Đống Đa, Hà Nội), niềm vui của anh và những người trong xóm trọ “ ngắn chẳng tày gang”.
“Ngay sau khi chủ nhà ra thông báo giảm tiền điện, liền tăng tiền nhà bình quân mỗi phòng lên 100.000 đồng/tháng các khoản nước vệ sinh, dịch vụ cũng được tăng thêm 20%. Cực chẳng đã, chúng tôi đành phải chấp nhận vì không muốn di chuyển nơi trọ, rất bất tiện, trong khi và khu vực này gần trung tâm các trường đại học nên nhu cầu thuê trọ lúc nào cũng rất cao”, anh Nam cho biết.
Thực tế cho thấy, nhiều chủ trọ đã nắm bắt và thực hiện Thông tư 25 của Bộ Công thương, tuy nhiên, khá nhiều chủ trọ bất chấp quy định vẫn cố tình thu tiền điện giá cao, hoặc để né quy định trên thì đa số các chủ trọ sẽ tăng tiền nhà trọ và các chi phí phát sinh khác lên để bù lại giá điện ban đầu.
Điển hình như một khu nhà trọ thuộc quận Cầu Giấy, ngay khi thông báo giảm giá điện xuống còn 2500 đồng/số thì ở dưới đã thông báo thu thêm phí thang máy 100.000 đồng/người.
Bạn Hà An, sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội đang sinh sống ở đó bức xúc nói “Phòng mình hiện đang có 4 người, nếu thu thêm phí thang máy 100.000 đồng/người như thế thì một tháng bọn mình đã mất tổng cộng 400.000 đồng chi phí thang máy. Tiền điện giảm chưa đáng là bao mà chi phí thang máy đội cao lên như thế này chúng mình thật sự không kham nổi”.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, hầu hết người lao động, sinh viên khi ở trọ thì phải chịu giá điện cao gấp 4-5 lần. Thông tư 25 được ban hành nhằm tháo gỡ vấn đề này. Tuy nhiên, để quy định này đi vào cuộc sống, cơ quan quản lý cần nhanh chóng kiểm tra tổng thể việc thu tiền điện tại các khu nhà trọ, yêu cầu chủ nhà thực hiện nghiêm theo quy định và áp dụng chế tài xử lý đối với các hộ vi phạm, tránh tình trạng quy định một đằng, làm một nẻo.
Có thể nói, hiện nay nhiều công nhân lao động, sinh viên, các hộ gia đình thuê nhà trọ để ở vẫn đang phải chịu chi trả mức giá điện gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với giá bán điện sinh hoạt bình thường cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, điều chúng ta dễ nhận thấy đó là tình trạng người thuê nhà không dám tố cáo chủ nhà trọ. Thậm chí, nhiều chủ nhà trọ cũng chưa biết về mức giá bán điện mới. Trong khi đó, giá bán điện mới bán cho các hộ gia trình, công nhân lao động, sinh viên thuê nhà để ở đã được thông qua từ ngày 26/10/2018.